Ngày 22 tháng 4 năm 2015, tại Viện Nghiên cứu Chiến lược trực thuộc Tổng thống Nga đã diễn ra Hội thảo bàn tròn giữa các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga (LB Nga), với chủ đề: “LB Nga - Việt Nam: Hợp tác song phương và triển vọng hợp tác trong hội nhập khu vực - Russia - Vietnam: Bilateral Cooperation and Prospects of Regional Integration”. Phía Việt Nam, đoàn công tác và tham dự hội thảo tại LB Nga do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) làm trưởng đoàn, các thành viên trong đoàn gồm có: PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; PGS.TS. Nguyễn An Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; TS. Nguyễn Xuân Cường - Phó Viện trưởng/Phó Tổng biên tập, Viện Nghiên cứu Trung Quốc và TS. Đặng Minh Đức - Phó tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, Viện Nghiên cứu Châu Âu. Đại diện cho phía Viện Nghiên cứu Chiến lược trực thuộc Tổng thống (RISS) là TS.Konstantin Kokarev - Phó Viện trưởng thứ Nhất, TS. Anna Glazova, Phó Viện trưởng và đông đảo các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Nga.
Hội thảo được chia làm 3 phiên với 12 báo cáo của các nhà khoa học hai bên. Cụ thể:
Phiên 1 với chủ đề: “Quan hệ hợp tác song phương LB Nga - Việt Nam”, có các báo cáo: (1) “Những vấn đề ở khu vực Đông Á trong bối cảnh thay đổi toàn cầu: Một số gợi ý cho LB Nga và Việt Nam” của TS. Konstantin Kokarev - Phó Viện trưởng thứ Nhất, Viện Nghiên cứu Chiến lược trực thuộc Tổng thống Nga (RISS); (2) “Quan hệ Thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Nga trong bối cảnh mới” của PGS.TS Nguyễn An Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu (3) “LB Nga - Việt Nam: hợp tác trong bối cảnh toàn cầu và khu vực thay đổi” của TS. Victor Sumsky - Giám đốc và NCS. Ksenia Ly - Trung tâm ASEAN thuộc trường Đại học MGIMO; và (4) “Những nhân tố phát triển mới trong quan hệ Nga - Việt Nam” của bà Maria Zelenkova - Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Châu Á và Trung Đông, RISS.
Phiên 2 với chủ đề “Nga - Việt Nam: Triển vọng trong hội nhập khu vực”, gồm 3 báo cáo: (1) “Quan hệ Nga - ASEAN trong bối cảnh mới” của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; (2) “Các chính sách của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á” của TS. Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia trực thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Viện Hàn lâm LB Nga; và (3) “Các nguyên tắc và trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN và khả năng hợp tác với Nga” của PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, VASS.
Phiên 3 với chủ đề “Địa chính trị ở khu vực Đông Nam Á”, gồm 5 báo cáo: (1) “Địa chính trị hiện nay ở khu vực Đông Á trong kỷ nguyên bất ổn định và tác động của nó tới quan hệ Việt Nam - LB Nga” của TS. Vladiamir Kolotov, Trưởng phòng Phòng Lịch sử các nước thuộc Viễn Đông; (2) “Quá trình hội nhập khu vực Á - Âu và nhân tố tác động tới trật quyền lực thế giới” của TS. Boris Volkhonsky, Trưởng phòng, Phòng Châu Á thuộc Trung tâm Châu Á và Trung Đông, RISS; (3) “Quan hệ Việt Nam - LB Nga trong xu thế hợp tác khu vực” của TS. Đặng Minh Đức, Viện Nghiên cứu Châu Âu, VASS; (4) “Mỹ xoay trục tới châu Á: Những vấn đề chủ yếu đối với Nga và Việt Nam” của Yulia Kryachikina, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Châu Á và Trung Đông, RISS; và (5) “Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh mới và nhân tố Nga” của TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, VASS.
Các nhà khoa học LB Nga và Việt Nam đã tập trung, đánh giá vào các vấn đề:
Thứ nhất, về trật tự chính trị quốc tế và khu vực. Các nhà khoa học hai bên, đặc biệt là các nhà khoa học Nga, đã trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến phân tích, đánh giá về sự thay đổi của trật tự thế giới, khu vực. Quá trình này đang diễn ra khá gay gắt với nhiều biến động, tác động đến toàn cầu và chưa dừng lại được, nhất là ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ở đây, các nhà khoa học Nga cho rằng đã xuất hiện nhiều nguy cơ mới khó kiểm soát và dường như “bóng ma” của Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại, nhất là chính sách xoay trục của Mỹ chuyển trọng tâm vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, Mỹ nổi lên với tham vọng đóng vai trò người lãnh đạo thế giới. Hơn nữa, Mỹ đang triển khai chiến lược toàn cầu với nhiều sự điều chỉnh mới: liên kết với châu Âu để chống lại Nga với việc sử dụng các lệnh trừng phạt, cấm vận Nga, hỗ trợ Ukraina, đổi mới và mở rộng các liên minh ở các châu lục, nhất là ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Với con bài “dân chủ”, Mỹ đang muốn thực hiện chiến lược toàn cầu: quản trị và lãnh đạo thế giới. Theo các học giả Nga, điều này đang gây ra sự lo ngại và sẽ thúc đẩy quá trình thay đổi trật tự mới tạo nên những vòng cung bất ổn (Đông Á, châu Âu và nhiều khu vực khác…). Các học giả Nga đã đưa ra nhiều lập luận để minh chứng sự thay đổi của thế giới theo hướng đa cực là xu thế khách quan và chi phối các mối quan hệ toàn cầu cũng như đối với các quốc gia, nhất là các nước lớn. Sự thay đổi trật tự thế giới mới đòi hỏi các nước phải điều chỉnh chiến lược phát triển nói chung, chính sách đối ngoại của mình nói riêng phù hợp với bối cảnh của khu vực.
Thứ hai, hiện trạng và cục diện khu vực Đông Á. Các học giả hai bên đều cho rằng, khu vực Đông Á đang được coi là khu vực phát triển năng động, thậm chí còn được coi là trung tâm kinh tế, chính trị mới và tác động mạnh đến các vấn đề của toàn cầu, song rất phức tạp. Nhiều ý kiến còn cho rằng nơi đây thể hiện đầy đủ tính đa cực của thế giới.
Những ý kiến trên hoàn toàn có cơ sở khi ở Đông Á, đang diễn ra sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự gia tăng vị thế của Nhật Bản, ASEAN, sự hình thành các liên minh mới… Các học giả phân tích các cặp quan hệ các nước lớn: Mỹ - Trung, Mỹ - Nga, Nga - Trung, Trung - Nga - Ấn Độ, Trung Quốc - Mỹ - Đông Nam Á… Đi sâu vào xem xét cụ thể chiến lược, ý đồ, chính sách của các quốc gia đối với khu vực cũng như các cặp quan hệ, nhất là các nước lớn, các ý kiến nghiêng về chỉ trích mưu đồ của Mỹ muốn lãnh đạo Đông Á, ngăn chặn ảnh hưởng và vai trò của Nga… Từ đó, phía Nga cho rằng bất ổn ở Đông Á gia tăng, hòa bình đang bị các lực lượng chi phối, “trò chơi chính trị” tiếp tục và “vòng cung bất ổn” vẫn hiện hữu và phát triển.
Trên cơ sở phân tích hiện trạng và cục diện Đông Á, các nhà nghiên cứu Nga đã đi sâu vào xem xét một số cặp quan hệ nổi bật của khu vực này: Đó là quan hệ Mỹ - Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, Nga - Trung Quốc, Trung Quốc - ASEAN, Mỹ - ASEAN, Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản… Các mối quan hệ này diễn ra phức tạp, đan xen các yếu tố cạnh tranh, tranh thủ, hợp tác… Cũng như các khu vực khác, ở đây Mỹ đang thực hiện chính sách “đối đầu ủy nhiệm”. Với Trung Quốc, Mỹ thực hiện chính sách kiềm chế Trung Quốc nhưng chưa dám đối đầu. Mỹ thúc đẩy phát triển quan hệ song phương, đa phương, điển hình là sử dụng Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một ví dụ để đối trọng với Trung Quốc. Với Đông Á cũng vậy, nhằm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ cố gắng thực hiện “ủy nhiệm” cho Nhật Bản trong đối đầu với Trung Quốc hoặc “Trung Quốc không phải là đối tác duy nhất không thể thay đổi được”. Điều đáng chú ý là Mỹ không muốn Trung Quốc tăng cường hợp tác với Nga và Mỹ hợp tác với Trung Quốc trên nguyên tắc “nơi nào quan hệ với Trung Quốc thì ở đó không có vị trí dành cho Nga”. Các học giả Nga đều nhận định Mỹ vẫn đang lo ngại sự lớn mạnh của Trung Quốc thông qua việc đánh giá sự trỗi dậy của nước này bằng việc so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, với GDP đứng thứ 2 thế giới.
Trong quan hệ Nga - ASEAN, các học giả hai bên đều thừa nhận ASEAN là nơi cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ... Các học giả cũng đánh giá cao vai trò của ASEAN trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt từ cuối năm 2015 khi ASEAN trở thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính; hợp tác giữa Nga - ASEAN trong một số quốc gia và một trong số lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt đánh giá cao vai trò song phương giữa Việt Nam - Nga trong mối quan hệ Nga - ASEAN. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, ASEAN chịu sự chi phối của Trung Quốc khi Trung Quốc thực thi các chính sách khác nhau đối với các nước trong khu vực; Trung Quốc sử dụng, đẩy mạnh hợp tác kinh tế để từ đó áp đặt về mặt chính trị đối với các nước ASEAN. Trung Quốc có quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với Campuchia và Myanma, đặc biệt việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại Biển Đông, hay xây dựng các đảo nhân tạo gây bất ổn ở khu vực và điều này cũng tác động tới quan hệ Việt Nam - LB Nga nói riêng và Nga với ASEAN nói chung.
Thứ ba, đánh giá quan hệ Việt Nam - LB Nga. Với các bối cảnh địa chính trị được phân tích ở trên tác động mạnh tới quan hệ hai nước, các học giả hai nước đều có cùng quan điểm khi đánh giá tầm quan trọng của quan hệ Việt - Nga, ở cả những thành tựu và hạn chế. Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác Nga - Việt được thể hiện một cách toàn diện, trong nhiều lĩnh vực nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Tuy nhiên, lĩnh vực hợp tác triển vọng nhất là về năng lượng và gần đây là hợp tác về du lịch... Các nhà khoa học Nga cũng cho rằng, hợp tác LB Nga - Việt Nam ở cấp lãnh đạo cấp cao rất tốt, nhưng hợp tác cấp doanh nghiệp hoặc triển khai ở cấp thấp hơn gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn trong dự án hợp tác điện hạt nhân ở Ninh Thuận 1, cho đến nay việc triển khai dự án có dấu hiệu chậm lại sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản. Mặt khác, quan hệ Việt Nam - LB Nga được đặt trong tương quan quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Mỹ và Việt Nam - ASEAN... Việt Nam sẽ là “cửa ngõ”, là “cầu nối” giữa Nga và ASEAN. Triển vọng hợp tác giữa hai nước được đặt trong việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan. Đồng thời, các nhà khoa học Nga cho rằng hợp tác Nga - Việt Nam có thể tiếp tục trong mối quan hệ hợp tác Liên minh Á - Âu mà Nga đề xuất và tin tưởng vào triển vọng phát triển của hai bên khi có thể kí kết FTA giữa Việt Nam và Liên minh Á-Âu trong tương lai./.
TS.Đặng Minh Đức