Tham dự hội thảo, về phía các sở, ban, ngành tỉnh Bình Dương và Trung ương, có sự hiện diện của ông Trần Hà Hải, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương; cùng đại diện các cơ quan: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các tổ chức và chuyên gia liên quan.
Về phía đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bản tình Bình Dương có ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long - Bình Dương. Ông Lê Văn Vương, Giám đốc, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (Đắk Lắk).
Về phía nhà tài trợ có bà Lê Thị Thu Trang, Quản lý Chương trình, Viện FNF Việt Nam.
Về phía Viện Nghiên cứu châu Âu có PGS.TS.Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng; PGS.TS.Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu châu Âu. Cùng toàn bộ viên chức người lao động của Viện Nghiên cứu châu Âu...
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, chia sẻ rằng cuốn sách "Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)" là kết quả nghiên cứu từ đề tài ứng dụng và phát triển công nghệ cấp tỉnh: “Giải pháp thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)” thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2024. Cuốn sách mong muốn xây dựng một khuôn khổ lý luận về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, lấy các mô hình của Liên minh châu Âu và một số quốc gia trong khu vực làm tham chiếu. Đồng thời, cuốn sách đánh giá thực trạng triển khai trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp và HTX nông nghiệp tại Bình Dương, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đang được thực thi.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Thu Trang, Quản lý Chương trình của Viện FNF Việt Nam, nhấn mạnh rằng cuốn sách "Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)" là kết quả của sự hợp tác nghiên cứu giữa Viện FNF Việt Nam và Viện Nghiên cứu Châu Âu. Bà cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định EVFTA, để tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường EU. Thực thi EVFTA mang đến những cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt tại Bình Dương, giúp mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy chuyển đổi sang sản xuất bền vững. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp cũng phải đối mặt với không ít thách thức về chất lượng, tiêu chuẩn bền vững, và cạnh tranh quốc tế. Để tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ, cải thiện chất lượng sản phẩm và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các tổ chức hỗ trợ và các chuyên gia trong ngành để vượt qua những thách thức này.
Bà Lê Thị Thu Trang, Quản lý Chương trình, Viện FNF Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Thay mặt tập thể tác giả, TS. Bùi Việt Hưng, Viện Nghiên cứu Châu Âu, đã chia sẻ kết quả nghiên cứu và giới thiệu cuốn sách. Ông cho biết, cuốn sách gồm 5 chương, với nội dung cụ thể như sau:
- Chương 1: Cơ sở lý thuyết và khung phân tích về trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp – cung cấp nền tảng lý luận vững chắc về trách nhiệm xã hội, từ đó xây dựng cơ sở cho việc phân tích và đánh giá thực trạng trong bối cảnh nông nghiệp tại tỉnh Bình Dương.
- Chương 2: Kinh nghiệm quốc tế về triển khai thực hiện trách nhiệm xã hội của Liên minh Châu Âu và một số nước trong khu vực – phân tích các mô hình và chiến lược đã được áp dụng thành công tại các quốc gia phát triển và các nước trong khu vực, mang lại những bài học hữu ích cho Việt Nam.
- Chương 3: Đánh giá thực trạng nhận thức và thực hiện trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương – đưa ra những kết quả khảo sát thực tế về nhận thức và mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp ở Bình Dương.
- Chương 4: Xây dựng bộ tiêu chí trách nhiệm xã hội – đề xuất một bộ tiêu chí cụ thể và rõ ràng để đánh giá và thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Dương, đồng thời làm cơ sở cho các doanh nghiệp và hợp tác xã tự đánh giá và cải thiện hoạt động của mình.
- Chương 5: Đề xuất giải pháp tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh – đưa ra các giải pháp chiến lược và hành động cụ thể nhằm cải thiện và thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, giúp họ không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng và môi trường.
Cuốn sách là một tài liệu nghiên cứu quan trọng, không chỉ giúp nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội mà còn cung cấp những công cụ và giải pháp thiết thực để phát triển nông nghiệp bền vững tại Bình Dương trong bối cảnh Hiệp định EVFTA được thực thi.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, trao đổi chia sẻ những kinh nghiệm quý, đưa ra những ý kiến góp ý, hiệu quả cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long - Bình Dương, đã có bài phát biểu chia sẻ về hoạt động và những nỗ lực của hợp tác xã trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Ông nhấn mạnh rằng HTX Kim Long luôn chú trọng đến việc sản xuất nông sản không chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn đảm bảo yếu tố bền vững và an toàn cho cộng đồng. HTX đã áp dụng các phương pháp canh tác công nghệ cao, sử dụng các giống cây trồng chất lượng và quy trình sản xuất hiện đại để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, ông cũng chia sẻ về việc tuân thủ các yêu cầu khắt khe của EU đối với nông sản xuất khẩu, từ việc đảm bảo an toàn thực phẩm đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và lao động. Ông Nguyễn Hồng Quyết bày tỏ sự kỳ vọng rằng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo quý giá, giúp các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp tại Bình Dương, cũng như các tỉnh thành khác, tiếp cận các giải pháp thực tiễn để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long - Bình Dương chia sẻ tại hội thảo
Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công cho biết: Công ty của ông là một trong hai doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được chứng nhận sản xuất cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia. Công ty không chỉ chú trọng vào việc sản xuất cà phê chất lượng cao mà còn đặc biệt quan tâm đến các hoạt động cộng đồng. Một trong những hoạt động nổi bật của công ty là tổ chức các lớp chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm miễn phí về cà phê, nhằm nâng cao nhận thức và phát triển nghề cà phê bền vững cho cộng đồng. Vương Thành Công cũng tự hào sở hữu một danh mục sản phẩm phong phú và đa dạng, luôn sáng tạo ra những sản phẩm cà phê mới lạ và độc đáo mà chưa từng có trên thị trường thế giới. Đặc biệt, công ty là đơn vị sản xuất cà phê đầu tiên tại tỉnh Đắk Lắk có bài hát riêng, thể hiện sự sáng tạo, bản sắc và dấu ấn đặc biệt của thương hiệu trong ngành cà phê.
Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công chia sẻ tại hội thảo
Ông Trần Hà Hải Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương đang đối diện với nhiều cơ hội và thách thức lớn khi thực hiện các cam kết trong khuôn khổ EVFTA. Các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thủy sản, cần nắm bắt cơ hội từ hiệp định này để cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường EU.
Ông Trần Hà Hải, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội thảo
PGS.TS.Nguyễn Chiến Thắng trân trọng cảm ơn sự nhiệt tình tham gia của các thành viên đề tài đã hoàn thành đề tài và cho ra đời cuốn sách; cảm ơn sự quan tâm của các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Dương, cụ thể là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Báo Công thương tỉnh Bình Dương… và đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ của các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp tỉnh Bình Dương. Cảm ơn Viện Friedrich Naumann Foundation for Feedom (FNF, CHLB Đức) đã hỗ trợ tài chính cho một số hoạt động triển khai đề tài.