Hội thảo khoa học quốc tế “ Việt Nam-Liên bang Nga: quá khứ - hiện tại – tương lai”

24/04/2025

Ngày 24/4/2025, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Việt Nam – Liên bang Nga: Quá khứ – Hiện tại – Tương lai”. Hội thảo vinh dự đón tiếp Ngài Gennadiy Bezdetko, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam.

Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Ngài Gennadiy Bezdetko

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga; Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục văn thư và lưu trữ, Bộ Nội vụ; PGS.TS. Đỗ Hương Lan, Viện trưởng Viện Chính sách và quản lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm cùng đại biểu của các bộ, ban, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam.

Về phía đại biểu Nga có sự hiện diện của GS.TS. Andrey Margolin, Phó Giám đốc RANEPA; Ông Vyacheslav Kharinov, Tham tán thương mại Liên Bang Nga tại Việt Nam; Ông I.A. Jenin, Giám đốc Trường Nghiên cứu Nhân văn Đương đại, Viện Khoa học xã hội, RANEPA; TS. Andrey Kuznetsov, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Nga- Việt; TS. Roman Konchakov, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử và Ngữ văn, RANEPA; TS. Evegeny Kanaev, Phó Vụ trưởng nghiên cứu khu vực nước ngoài, Khoa Kinh tế Thế giới và Chính trị Thế giới, Trường Kinh tế Cao cấp; PGS.TS. Nina Grigorieva và TS. Ekaterina Starikova, Khoa Nghiên cứu Trung Quốc và Đông Nam Á và Nam Á, Viện Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi; PGS.TS. Maxim Shunnerberg, Viện Nghiên cứu Á – Phi, Đại Học Tổng Hợp Moscow; GS. TS. Alexander Sokolovsky, Khoa Châu Á - Thái Bình Dương, Viện Phương Đông, Trường Nghiên cứu Khu vực và quốc tế, Đại học Liên bang Viễn Đông cùng đại diện các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học Liên Bang Nga.

Hội thảo được tổ chức đúng vào dịp hai nước kỷ niệm những sự kiện trọng đại: 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam (30/4/1975 – 30/4/2025) và 80 năm Ngày Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của Liên bang Nga (9/5/1945 – 9/5/2025); đồng thời nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên bang Nga (30/1/1950 – 30/1/2025). Hội thảo nhằm tổng kết những thành tựu nổi bật trong quan hệ hai nước suốt 75 năm qua, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, GS.TS. Phan Chí Hiếu, nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện đông đảo của các đại biểu. Chủ tịch bày tỏ sự trân trọng đối với mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự hỗ trợ toàn diện từ Liên Xô trong thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Ông khẳng định, trong suốt hơn bảy thập kỷ, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục – đào tạo và giao lưu nhân dân.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, GS.TS. Phan Chí Hiếu

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, Chủ tịch Phan Chí Hiếu nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của việc tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga. Ông kỳ vọng Hội thảo sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, học giả và nhà hoạch định chính sách hai nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, qua đó đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm củng cố và phát triển quan hệ hợp tác Việt – Nga trong thời gian tới.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, Ngài Gennadiy Bezdetko, đã đánh giá cao những thành tựu đạt được trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên bang Nga thời gian qua. Đại sứ bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các viện nghiên cứu và trường đại học của hai nước, nhằm phát huy tối đa tiềm năng và cơ hội phát triển của mỗi bên.

Đại sứ đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA), xem đây là sự kiện thiết thực, tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà nghiên cứu hai nước trao đổi, dự báo xu hướng và đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. Đại sứ khẳng định, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ VASS và RANEPA trong việc triển khai các nội dung hợp tác khoa học trong thời gian tới.

Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA), Giáo sư, Tiến sĩ Andrey Margolin, đã bày tỏ niềm tin sâu sắc vào mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, cũng như tiềm năng hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và RANEPA. Ông đánh giá cao vai trò và vị thế của VASS với tư cách là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.

Giáo sư Andrey Margolin nhấn mạnh, Hội thảo lần này chính là sự khởi đầu tốt đẹp, góp phần đưa ra những kiến nghị mang giá trị thực tiễn cao, đồng thời mở ra những triển vọng hợp tác khoa học giữa hai bên trong thời gian tới. Trên cơ sở sự tương đồng về quan điểm đối với những vấn đề toàn cầu hiện nay, các chuyên gia, nhà khoa học của VASS và RANEPA sẽ cùng tìm kiếm cơ chế hợp tác mới, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Về phần mình, Thiếu tướng Đặng Hồng Triển và ông Vyacheslav Kharinov, đã nhấn mạnh vai trò và vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN, đặc biệt là vai trò cầu nối trong hợp tác kinh tế và thương mại của khu vực. Các đại biểu đánh giá cao chủ đề của Hội thảo, cho rằng đây là dịp quan trọng để các nhà quản lý, nhà hoạch định chiến lược, chuyên gia và nhà khoa học hai nước cùng nhau trao đổi, thảo luận những nội dung khoa học thiết thực nhằm đề xuất giải pháp thúc đẩy cơ hội và tiềm năng phát triển song phương.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 120 đại biểu, bao gồm 90 đại biểu Việt Nam và 30 đại biểu quốc tế, bao gồm Phiên khai mạc, Phiên toàn thể và 02 Phiên chuyên đề cùng với một Phiên bàn tròn đặc biệt.

Toàn cảnh Phiên toàn thể

Phiên toàn thể tập trung thảo luận chủ đề “Quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga trong bối cảnh các thách thức địa chính trị”, tạo diễn đàn để các nhà quản lý, học giả hai nước trao đổi về bối cảnh địa chính trị toàn cầu và khu vực, định hướng hợp tác song phương, rủi ro, thách thức và các giải pháp thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ rào cản trong quan hệ hai nước.

Trình bày về thể chế khu vực và cơ hội hợp tác, TS. Phí Vĩnh Tường, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, nhấn mạnh hai nước cần tận dụng làn sóng hội nhập đa tầng để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ông cũng đề xuất phát triển cơ chế liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính liên tục và hiệu quả trong hợp tác song phương.

Phân tích nền tảng quan hệ Việt – Nga, PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ, khẳng định mối quan hệ hai nước được kế thừa từ tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Liên Xô và không ngừng củng cố qua các khuôn khổ hợp tác chiến lược. Trước những biến động quốc tế phức tạp, ông đề xuất Việt Nam cần duy trì đối ngoại cân bằng, linh hoạt, ưu tiên hợp tác trong quốc phòng, năng lượng, công nghệ và giáo dục.

Giáo sư, Tiến sĩ Andrey Margolin, Phó Giám đốc RANEPA, nhận định thế giới đang chuyển dịch từ trật tự đơn cực sang mô hình đa trung tâm, trong đó BRICS đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác bình đẳng. Ông nhấn mạnh, để ứng phó với các thách thức toàn cầu như bất bình đẳng và khủng hoảng môi trường, các quốc gia cần phát triển bền vững theo nguyên tắc ESG, đề cao vai trò của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội dân sự nhằm đảm bảo chủ quyền, an ninh và thịnh vượng lâu dài.

Toàn cảnh Phiên thứ nhất

Phiên thứ nhất của Hội thảo với chủ đề “Cơ hội hợp tác Việt – Nga trong thời đại số” tập trung thảo luận các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như kinh tế số, y tế, nông nghiệp, vận tải, năng lượng và môi trường. Các diễn giả nhấn mạnh hai nước có nhiều điều kiện bổ trợ để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược về chuyển đổi số, thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp, học thuật và nhà nước trong hệ sinh thái số, đồng thời đề xuất cần có các dự án tiên phong và cơ chế đột phá.

Từ góc độ kinh tế số, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, cho rằng thế mạnh công nghệ lõi của Nga như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và phần mềm mã nguồn mở sẽ tạo nền tảng cho hợp tác chuyển đổi số. Ông đề xuất thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác số, tổ chức các diễn đàn công nghệ – doanh nghiệp và đẩy mạnh đào tạo nhân lực số, nhất là trong các lĩnh vực điện toán đám mây, chính phủ số và thành phố thông minh.

Về số hóa tài liệu phục vụ nghiên cứu và giảng dạy, Tiến sĩ Roman Konchakov, Học viện Tổng thống Nga, nhấn mạnh tiềm năng ứng dụng công nghệ nhận diện chữ viết tay, siêu dữ liệu và học máy, góp phần khai thác hiệu quả các nguồn tư liệu lịch sử quý hiếm.

Các đại biểu thống nhất rằng thời đại số mở ra cơ hội lớn để Việt Nam và Nga mở rộng hợp tác, đặc biệt trong dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và công nghệ số phục vụ quản lý công. Nhiều ý kiến đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp chính sách, phát triển hạ tầng số, hỗ trợ vườn ươm công nghệ và tăng cường trao đổi chuyên gia nhằm nâng tầm quan hệ song phương trong giai đoạn mới.

Toàn cảnh Phiên thứ hai

Phiên thứ hai với chủ đề “Quan hệ Việt – Nga theo quan điểm lịch sử” tập trung phân tích tiến trình phát triển quan hệ song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm.

TS. Vũ Thụy Trang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và SNG, khẳng định quan hệ Việt – Nga có chiều sâu lịch sử và ý nghĩa chiến lược, đặc biệt trong giáo dục, quốc phòng và an ninh. Bà nhấn mạnh cần cụ thể hóa nội hàm Đối tác chiến lược toàn diện bằng những chương trình hợp tác thực chất ở cả cấp Trung ương và địa phương. Về kinh tế, bà đề xuất xây dựng cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ, thúc đẩy hợp tác trong năng lượng, công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, đồng thời tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu. Về văn hóa – giáo dục, bà đề xuất đẩy mạnh giảng dạy tiếng Nga, tăng trao đổi học giả và sinh viên, phát huy ảnh hưởng văn hóa Nga.

Về phần mình, TS. Ilya Zhenin, Học viện Tổng thống Nga, nhấn mạnh vai trò bảo tồn ký ức lịch sử trong giáo dục thế hệ trẻ, đề xuất kết hợp tài liệu lịch sử và công nghệ số trong giảng dạy.

Trong khi đó, GS, TS. Alexander Sokolovsky từ Đại học bang Viễn Đông đánh giá vùng Primorsky giữ vai trò chiến lược trong thúc đẩy hợp tác Nga – Việt về kinh tế, khoa học và đối thoại khu vực, nhờ vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống vận tải hiện đại kết nối trực tiếp với Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội thảo có phiên bàn tròn đặc biệt với chủ đề “Thực hành bảo tàng và nghề thủ công truyền thống trong đời sống đương đại tại Việt Nam và Liên bang Nga” được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, kết hợp trình diễn nghệ thuật làm nghề thủ công truyền thống của một số dân tộc Việt Nam.

Phát biểu bế mạc, ông I.A. Jenin, Giám đốc Trường Nghiên cứu Nhân văn Đương đại, Viện Khoa học xã hội, RANEPA và TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch VASS, đánh giá cao các báo cáo và phần thảo luận của các chuyên gia hai nước. Hai ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga, các thành viên BRICS, Việt Nam và ASEAN trong việc hướng tới một trật tự thế giới công bằng, bền vững. Những thành tựu trong quan hệ Việt Nam – Liên Xô là nền tảng vững chắc cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Liên bang Nga ngày nay. Thành công của hội thảo phản ánh tình hữu nghị truyền thống và cung cấp những gợi ý quan trọng cho chính sách đối ngoại và hợp tác song phương trong bối cảnh khu vực và thế giới đang biến động.

Kết quả hội thảo sẽ được tổng hợp thành báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền của hai nước, góp phần khai thác tiềm năng hợp tác mới, đóng góp vào sự ổn định và phát triển chung của khu vực và thế giới.


Ban biên tập


Các tin khác:

Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com