Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ và thân mẫu của đồng chí Trần Phú là ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát.
Từ năm 1918 - 1922, Trần Phú theo học tại Trường Quốc học Huế. Tháng 6/1922, đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Trường Quốc học Huế, được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An).
Giữa năm 1925, Trần Phú gia nhập Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam và Tân Việt Cách mạng Đảng), tổ chức của những trí thức yêu nước. Tháng 9/1925, Trần Phú sang Lào để vận động cách mạng.
Năm 1926, Đồng chí tham gia các hoạt động: phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh, mở lớp dạy chữ quốc ngữ.
Tháng 6/1926, Hội Phục Việt cử Trần Phú và một số hội viên sang Quảng Châu (Trung Quốc), Đồng chí tham gia lớp huấn luyện chính trị khóa 2 do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Kết thúc khóa học, tháng 10/1926, Trần Phú được kết nạp vào Thanh niên Cộng sản Đoàn, được Tổng bộ Thanh niên phân công về Trung Kỳ xây dựng và phát triển cơ sở Hội.
Đầu tháng 1/1927, đồng chí Trần Phú trở lại Quảng Châu. Tại đây, Đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học tại Trường đại học Phương Đông.
Đầu tháng 11/1929, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, Đồng chí nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, bí mật lên tàu đi Lêningrát (nay là Xanh Pêtécbua) bắt đầu hành trình về nước hoạt động.
Ngày 8/2/1930, Đồng chí về đến Sài Gòn. Ít ngày sau Đồng chí sang Hồng Kông và gặp được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người đã giới thiệu đồng chí Trần Phú về tham gia hoạt động trong Ban Chấp uỷ lâm thời (Ban Chấp hành Trung ương lâm thời).
Tháng 4/1930, Đồng chí về đến Hải Phòng. Tháng 7/1930, Đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp uỷ lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tháng 10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc) Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Đồng chí đã trực tiếp chủ trì: Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 12/1930, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 1/1931 và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn tháng 3/1931. Dưới sự chủ trì của Đồng chí, các quyết nghị của Trung ương giai đoạn này đã góp phần đưa phong trào cách mạng Đông Dương phát triển lên tầm cao mới.
Ngày 18/4/1931, Đồng chí bị địch bắt tại số nhà 66, đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh) và đưa về giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, ngày 6/9/1931, Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn.
*
* *
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Trần Phú đã sớm chọn con đường chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí là tấm gương mẫu mực cho tinh thần ham học hỏi. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Đồng chí đã tìm đọc các loại sách báo tiến bộ để trau dồi kiến thức. Khi là thầy giáo, Đồng chí đã truyền cho các lớp học sinh tinh thần yêu nước và vận động quần chúng tham gia đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho một xã hội tốt đẹp, không còn bị áp bức, bất công… Sau khi được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, từ chủ nghĩa yêu nước, đồng chí Trần Phú đã đến với lý tưởng cộng sản và quyết tâm dâng hiến đời mình cho lý tưởng cao đẹp đó. Sự trưởng thành vượt bậc của đồng chí Trần Phú trong xây dựng hoạch định đường lối và chỉ đạo triển khai các nghị quyết của Đảng trong thực tiễn phong trào cách mạng đã khẳng định sự sáng suốt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong lựa chọn, đào tạo, huấn luyện, sử dụng cán bộ, nhất là việc lựa chọn và sử dụng cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trong đó Trần Phú là một học trò tiêu biểu.
Đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn ngày 18/4/1931. Trước những thủ đoạn của kẻ thù, đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường trước kẻ thù. Ngày 6/9/1931, trước lúc hy sinh, Đồng chí vẫn nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".
Đồng chí Trần Phú đã để lại cho các thế hệ đi sau tấm gương sáng ngời của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Phẩm chất cộng sản kiên trung và khí tiết lẫm liệt của Trần Phú trước kẻ thù đã cổ vũ các thế hệ người Việt Nam trong cuộc chiến đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc, ấm no hạnh phúc của Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã đấu tranh giành lại độc lập, tự do, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa theo các mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
*
* *
Hơn 90 năm qua, tư tưởng của Tổng Bí thư Trần Phú về con đường cách mạng Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ngày càng sáng rõ. Các văn kiện Đại hội của Đảng tiếp tục khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản; lực lượng của cách mạng là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và toàn thể Nhân dân lao động; cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới, “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Đảng ta là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, có bản lĩnh chính trị, có học vấn chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động để đảm nhận sứ mệnh lịch sử to lớn được xác định rõ trong các văn kiện Đảng và nghị quyết chuyên đề về giai cấp công nhân.
Những tư tưởng về xây dựng Đảng mà đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đề xuất và lãnh đạo thực hiện vào những năm 30 của thế kỷ XX được Đảng bổ sung, hoàn thiện. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng được tăng cường. Công tác tổ chức bộ máy của Đảng có bước chuyển biến mạnh mẽ. Các quy định, nguyên tắc, cơ chế vận hành tổ chức bộ máy ngày càng hoàn thiện. Các văn kiện về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ liên tục được bổ sung. Các nguyên tắc xây dựng Đảng được giữ vững. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được chỉ đạo. Công tác giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được đẩy mạnh. Tính tiền phong, gương mẫu, đi đầu của mỗi cán bộ lãnh đạo được đề cao; kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng cơ hội, dao động, hữu khuynh, xa rời lý tưởng cộng sản, xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đi ngược lại lợi ích của giai cấp, lợi ích của dân tộc; kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực thù địch phản động, chống phá Đảng, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới đất nước; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xa rời quần chúng Nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng.
Học tập tấm gương bản lĩnh, trí tuệ, trọn đời hiến dâng cho Đảng, vì đất nước, vì Nhân dân của đồng chí Trần Phú, toàn Đảng ta nguyện nêu cao ý chí, tinh thần cách mạng, khoa học của người cộng sản; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đổi mới đất nước để tiến cùng xu thế phát triển của thời đại, sớm hiện thực hóa mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.