Báo cáo tình hình Liên minh Châu Âu Tháng 05/2022

29/05/2022

Báo cáo tình hình Liên minh Châu Âu 05/2022

1. Các vấn đề về kinh tế - xã hội:

- Giá dầu tiếp tục neo cao, đẩy áp lực lạm phát toàn cầu khu vực:

Giá dầu liên tục leo cao ở mức trên 100$ là nguyên nhân trực tiếp tác động đến lạm phát toàn khu vực. Với việc xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và với kịch bản Nga ngừng toàn bộ việc cung cấp dầu mỏ và khí đốt toàn EU (hiện đã dừng cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria hồi đầu tháng năm), chắc chắn giá dầu sẽ bị đẩy lên phi mã, an ninh năng lượng toàn khu vực bị đe doạ trong khi chưa thể tìm được nguồn cung thay thế (hiện tại 1/4 lượng dầu thô và 1/3 lượng khí đốt tự nhiên của EU đang nhập từ Nga).

Lạm phát hàng loạt các nước EU đã tăng lên mức cần báo động. Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại công ty nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics, Andrew Kenningham, nhận định 2022 sẽ là một năm lạm phát đình trệ tại khu vực đồng euro. Việc giá năng lượng cao khiến lạm phát tăng, thắt chặt thu nhập hộ gia đình và làm giảm niềm tin của doanh nghiệp [1] 

Một cuộc lạm phát đình trệ sẽ có rất ít công cụ tiền tệ hơn để giải quyết vấn đề.

Tại Đức, báo cáo của Văn phòng Thống kê Liên bang (ngày 11/05) cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm của Đức trong tháng 04/2022 đã tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức cao nhất trong 40 năm qua. Giá năng lượng cũng tăng 35,3% và giá dầu sưởi nói riêng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thực phẩm cũng bị áp lực tăng mạnh mới mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái (so với mức tăng 6,2% của tháng trước). Các kịch bản lạc quan về tăng trưởng kinh tế 2022 cũng bị Đức đánh giá lại chỉ còn ở mức 2,2% thay vì dự báo hồi tháng 01/2022 là 3,6% [2] 

- Tăng trưởng GDP và việc làm của khu vực đồng Euro ở EU:

Một điểm tích cực trong Quý 1/2022 là GDP khu vực đồng euro tăng 0,3% và ở EU tăng 0,4% so với quý 4/2021.  Tình hình việc làm có cải thiện khi số người có việc làm tăng 0,5% ở khu vực đồng euro và tăng 0,4% ở khu vực EU. So với cùng quý của năm trước, số lượng việc làm đã tăng 2,6% ở khu vực đồng euro và tăng 2,5% khu vực EU [3]. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu thống kê trong quý 1 đầu năm 2022. Trước những biến động khó lường từ xung đột Nga – Ukraine, những triển vọng về GDP hay dự báo về tình hình việc làm sẽ có thể xuất hiện nhiều điều chỉnh trong thời gian tới.

2. Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO:

Xung đột Ukraine khiến dư luận Phần Lan, Thụy Điển ngày càng bất an, buộc hai quốc gia Bắc Âu xem xét gia nhập NATO để tìm kiếm sự bảo vệ vững chắc.

Sau khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2/2022, Phần Lan và Thụy Điển quyết định xem xét khả năng gia nhập NATO, từ bỏ chính sách trung lập trong nhiều thập kỷ qua. Ngày 12/5/2022, Tổng thống Niinisto đồng ý cho Phần Lan gia nhập NATO, quyết định mang tính bước ngoặt trong chính sách an ninh của nước này. Ngày 16/5/2022, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã chính thức tuyên bố quốc gia Bắc Âu này sẽ từ bỏ lịch sử trung lập và sẽ cùng Phần Lan xin gia nhập NATO.

Nga đã cảnh báo Phần Lan sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu tính cách trở thành thành viên liên minh quân sự.  Moscow cũng đã tuyên bố việc Phần Lan gia nhập NATO có thể được coi như là một mối đe dọa an ninh với Nga và nước này sẽ phải đáp trả. 

3. Kinh tế Ukraine:

Nền kinh tế của Ukraine giảm 16% trong quý 1 năm 2022 so với quý 1 của năm ngoái. Kinh tế của Ukraine có thể giảm đến 40% vào cuối năm nay [4]. Ukraine cần phải một nguồn việc trợ lớn để phục hồi được nền kinh tế và hỗ trợ cư dân đang phải đối mặt với các tình huống hết sức khó khăn. Sự hiện diện của hải quân Nga ở Biển Đen, và việc triển khai mìn để phòng vệ của hải quân Ukraine đã dẫn đến cảng Odessaa, là cảng quan trọng của Ukraine bị đóng cửa hoàn toàn. Cảng chính thứ 2 và 3 cũng trong tình trạng tương tự. Berdyansk và Mariupol là cảng lớn thứ tư và năm thì lại nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Vì vậy, việc đóng cửa đối với tàu hàng từ Ukraine ở Biển Đen đã cắt giảm khoảng 90% xuất khẩu ngũ cốc và phân nửa tổng sản lượng xuất khẩu của nước này. Chiến sự còn ảnh hưởng đến việc trồng trọt và thu hoạch tại nhiều nơi ở Ukraine. 

4. Phản ứng của Châu Âu với xung đột Nga - UKraine:

Liên minh châu Âu đang cố gắng ngăn cản dòng chảy dầu và các sản phẩm dầu của Nga đến hầu hết các nước thành viên cuộc xung đột Nga- Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nếu Liên minh châu Âu đạt được đồng thuận về lệch cấm dầu thì lệnh cấm này sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, việc Liên minh châu Âu chưa đạt được sự đồng thuận của lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga cho thấy khó khăn của biện pháp này, khi thách thức lớn nhất đối với châu Âu là nếu không nhập dầu từ Nga thì liệu các nguồn cung còn lại có đủ để châu Âu nhập khẩu thay thế. Ngày 11/5/2022, các đại sứ EU tổ chức một phiên họp tại Brussels, Bỉ, nhằm thảo luận lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, song kết quả đã không đạt được do không thể thuyết phục Hungary ủng hộ.

Liên minh châu Âu cần nguồn cung dầu từ Mỹ để giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga nhưng các công ty dầu mỏ của Mỹ cũng không thể tăng được nguồn cung trong thời gian ngắn. Đồng thời, các tập đoàn dầu khí của Mỹ đang được hưởng lợi từ giá xăng dầu tăng mạnh. Sản lượng khai thác dầu trong 2 tháng qua của Mỹ về cơ bản không thay đổi, cũng như không có khả năng tăng đáng kể trong ít nhất 1 hoặc 2 năm tới.  

5. Xung đột Nga - UKraine:

Hiện tại, sau hơn ba tháng chiến sự, tình hình xung đột Nga – Ukraine chưa có nhiều khởi sắc. Ảnh hưởng của cuộc chiến là trực tiếp, sâu rộng đến mọi mặt của nền mặt kinh tế toàn cầu. Và cũng từ nay trở về sau, tình hình địa chính trị, quan hệ các nước lớn sẽ thay đổi, kéo theo cục diện thế giới sẽ có nhiều biến động. Những nguy cơ về khủng hoảng tị nạn, chạy đua vũ trang, bất ổn tiềm tàng, thậm chí lằn ranh chiến tranh hạt nhân hoàn toàn có thể bị vượt qua nếu không có các biện pháp kiềm chế kịp thời. Có lẽ, bản thân hai quốc gia cũng không muốn cuộc chiến kéo dài nhưng giải pháp để đưa cuộc chiến kết thúc vẫn còn bỏ ngỏ. Và hiện tại, bất đồng trở nên căng thẳng hơn khi cả Thuỵ Điển và Phần Lan đều đang đẩy nhanh tốc độ gia nhập NATO, bất chấp những cảnh báo ngày càng tăng từ phía Nga.

- Giải pháp ngoại giao hướng đến chấm dứt xung đột, hoà bình lập lại ở khu vực là chưa thể diễn ra ở thời điểm hiện tại:

Mặc dù có những nỗ lực từ các nước láng giềng muốn đứng ra làm trung gian hoà giải như Thổ Nhĩ Kỳ hay ở cấp đa phương như Liên Hợp Quốc nhưng hai bên sẽ không ngồi vào bàn đàm phán cũng như xung đột sẽ khó kết thúc nếu cả hai chưa đạt được mục đích của mình. Ngược lại, việc phương Tây can dự ngày càng sâu vào cuộc chiến, cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine càng làm tình hình trở nên trầm trọng. Điều này dường như cũng là mong muốn của Mỹ khi muốn Nga sa lầy vào cuộc chiến càng lâu càng tốt, càng tổn hại nguồn lực nhiều càng tốt. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ từng tuyên bố “Chúng tôi muốn nhìn thấy Nga suy yếu" [5]. 

và một mặt trận chống Nga từ phía Đông đến phía Tây dần hình thành. Bên cạnh đó, việc Nga và các nước phương Tây liên tục trục xuất các nhà ngoại giao của nhau khiến cho hai bên khó tìm tiếng nói chung.

- Cuộc chiến sẽ tiếp tục kéo dài tuy giới hạn cuộc chiến có thể sẽ nằm trong phạm vi nhỏ hơn:

Sau ba tháng tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã giảm bớt các mục tiêu tấn công của mình. Kiev không còn là mục tiêu ưu tiên tấn công và kiểm soát của Nga, mà thay vào đó, các khu vực phía Đông Ukraine như Donbass (gồm hai nhà nước cộng hoà tự xưng  Donetsk và Lugansk) sẽ là nơi Nga ưu tiên gia tăng ảnh hưởng, cũng là địa bàn chiến lược của Nga. Bên cạnh đó, giai đoạn thứ hai chiến dịch quân sự của Nga cũng là kiểm soát phía Nam, vùng Odessa, biên giới với Transnistria, nhằm ngăn Ukraine tiếp cận Biển Đen.

Việc giới hạn cuộc chiến trong một mặt trận nhỏ hơn sẽ giúp Nga tập trung được lực lượng, tránh dàn trải, có nhiều khả năng giành chiến thắng tại những vùng được xem là có vị trí chiến lược đối với Nga này, và quan trọng hơn là tránh bị sa lầy vào cuộc chiến, điều mà bản thân Nga cũng không mong muốn. Nếu kiểm soát được vùng phía Đông và phía Nam Ukraine, Nga sẽ thành công trong việc thiết lập một vùng đệm tạm đủ an toàn với biên giới Nga, cũng như kiểm soát được vùng Biển Đen chiến lược. Bằng việc xây dựng được một lực lượng thân Nga đủ lớn tại các vùng này (thông qua các nhà nước cộng hoà tự xưng), Nga có thể dễ dàng hơn trong việc rút quân khỏi Ukraine và tạo tiền đề kết thúc chiến dịch quân sự tại đây.

- Sẽ có một thoả thuận ngầm giữa Nga và các nước phương Tây nhằm kết thúc cuộc chiến:

Như đã trình bày ở trên, về phía Mỹ và các quốc gia phương Tây đang ra sức xây dựng một mặt trận chống Nga, và xung đột Nga – Ukraine là cái cớ phù hợp để Mỹ thực hiện ý đồ này, trực tiếp củng cố vị thế và vai trò của Mỹ trong bối cảnh vị thế này bị sứt mẻ ít nhiều dưới thời chính quyền cũ. Việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine nhằm chống lại các cuộc tấn công vào Nga cũng nhằm muốn Nga sa lầy vào cuộc chiến, về lâu dài sẽ làm tổn hại vị thế của Nga trên trường quốc tế và thông qua các lệnh trừng phạt nhằm cô lập nền kinh tế Nga. Bên cạnh đó, việc ngầm ủng hộ các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập vào NATO cũng là lời cảnh báo tới Nga trong bối cảnh cuộc chiến vẫn căng thẳng. Mặc dù vậy, bản thân Mỹ và các nước phương Tây đều hiểu rằng đẩy mâu thuẫn căng thẳng với Nga lên quá cao cũng sẽ là con dao hai lưỡi, nhất là trong bối cảnh Nga vẫn là cường quốc hạt nhân, quân sự hàng đầu thế giới. Các nước Liên minh Châu Âu càng không mong muốn một kịch bản an ninh khu vực tiếp tục bị đe doạ trầm trọng hơn. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phát biểu: “Việc tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Nga nên được coi là ưu tiên hàng đầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) [6].

Về phía Nga, tình hình hiện tại dường như khác nhiều so với kịch bản và dự tính ban đầu của Nga trước cuộc xung đột. Việc tập trung nguồn lực để dành được thắng lợi ở các khu vực phía Đông và phía Nam Ukraine đang là ưu tiên hàng đầu và Nga sẽ bằng nhiều biện pháp để đạt được, hoàn tất xây dựng một vùng đệm an toàn với biên giới Nga và nắm quyền kiểm soát chiến lược ra Biển Đen. Nếu sớm kiểm soát được những vùng đất này và xây dựng được lực lượng đủ mạnh trụ vững ở đây, Nga sẽ sớm có thể rút quân và kết thúc cuộc chiến. Nhiều khả năng, Nga và NATO sẽ có một thoả thuận ngầm nhằm tạm kết thúc cuộc chiến, tranh mâu thuẫn đẩy lên cao trào, gây ra những hệ luỵ vô cùng lớn đến an ninh khu vực và những tác động kinh tế.

Tài liêu tham khảo:

[1] Valentina Romei and Alan Smith (2022). The global stagflation shock of 2022: how bad could it get?. [Online] Available at: https://www.ft.com/content/d490ef4e-3187-471e-84ff-9c065871a1a5. [Accessed on May 14th 2022].
[2] Destatis (2022). Inflation rate at +7.4% in April 2022. [Online] Available at: https://www.destatis.de/EN/Press/2022/05/PE22_196_611.html. [Accessed on May 14th 2022].
[3] Eurostat (2022. GDP and employment flash estimates for the first quarter of 2022. [Online] Available at: https://ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/14636038/2-17052022-AP-EN.pdf/4b1709eb-3a52-30c3-2e0a-d19b564735fa?t=1652774749012  [Accessed on May 14th 2022].
[4] https://www.worldbank.org/en/region/eca/publication/europe-and-central-asia-economic-update 
[5] CNN (2022). Austin's assertion that US wants to 'weaken' Russia underlines Biden strategy shift. [Online] Available at: https://edition.cnn.com/2022/04/25/politics/biden-administration-russia-strategy/index.html [Accessed on May 14th 2022].
[6] Reuters (2022). Scholz says top priority is avoiding NATO confrontation with Russia. [Online] Available at: https://www.reuters.com/world/europe/scholz-says-top-priority-is-avoiding-nato-confrontation-with-russia-2022-04-22/ [Accessed on May 14th 2022].

Ban biên tập



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com