- Các vấn đề về kinh tế - xã hội – chính trị:
- Giá dầu cao. Một số quốc gia châu Âu vận hành lại nhiệt điện than nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Giá dầu trên thế giới từ nửa cuối tháng 6 trở lại đây đã điều chỉnh giảm từ ngưỡng 120$ về quanh 100$. Nguyên nhân được cho là áp lực từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, có thể làm chậm nền kinh tế toàn cầu khiến cho nhu cầu năng lượng giảm. Ngoài ra, sự suy giảm cầu từ Trung Quốc, một quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới tiếp tục chính sách zero-Covid đã làm giá dầu điều chỉnh giảm trong một tháng qua.
Mặc dù vậy, an ninh năng lượng ở các nước châu Âu vẫn luôn thường trực bị đe doạ vì hiện tại, thay thế dầu nhập từ Nga vẫn chưa có giải pháp rõ ràng và không thể lấp đầy trong một sớm một chiều. Từ 11/07, đường ống Nord Stream 1 được Nga tạm ngưng hoạt động để bảo trì 10 ngày theo thông báo càng làm cuộc khủng hoảng khí đốt châu Âu thêm căng thẳng. Ngoài ra, nếu không kịp dự trữ đủ nhiên liệu cho mùa đông sắp tới, châu Âu sẽ đối mặt với một kịch bản khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơn. Chính vì vậy, việc duy trì ổn định cho các nhà máy điện hạt nhân hoạt động đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, nhiều nước châu Âu đang quay lại khởi động các nhà máy nhiệt điện than để bù đắp thiếu hụt như Đức, Pháp, Ý, bất chấp điều này đi ngược lại chính sách chung về chống biến đổi khí hậu, với điểm nhấn là hạn chế và tiến đến chấm dứt nhiệt điện than vào năm 2030.
- Tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao:
Giá dầu khí tăng cao trên toàn cầu vẫn là yếu tố trực tiếp tác động lên lạm phát của tất cả các nước trên thế giới, làm đình trệ mọi triển vọng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Văn phòng thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 01/07 cho thấy lạm phát trong tháng 06 ở khu vực Eurozone so với cùng kỳ năm ngoái đã ở mức 8,6%, cao hơn mức 8,4% dự báo trước đó. Vượt hẳn mức 8,1% ghi nhận trong tháng 05 và mức 7,4% ghi nhận trong tháng 04. Phân tích các yếu tố chính của lạm phát cho thấy giá năng lượng đã tăng 41,9% (so với 39,1% trong tháng 05), giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 8,9% (so với 7,5% trong tháng 05) [1]. Sự tăng tốc lạm phát cho thấy chi phí sinh hoạt trong khối ngày càng trở nên đắt đỏ, gây sức ép lớn đến việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Với mọi tác động xấu trên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã công bố mức tăng lãi suất sẽ là 0,25 điểm phần trăm trong tháng 07 và có thể có các đợt tăng tiếp trong tháng 09 tuỳ vào tình hình thực tế. Nếu xảy ra, đây cũng là đợt tăng lãi suất lần đầu tiên của ECB kể từ năm 2011, khép lại một quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ dài hơn 10 năm [2].
- Khủng hoảng lương thực toàn cầu:
Xung đột Nga – Ukraine hiện là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến giá lương thực, nguy cơ gây khủng hoảng lương thực toàn cầu. Hiện tại, Nga và Ukraine đang chiếm khoảng 30% nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. Xung đột Nga – Ukraine cũng khiến cho khoảng 20 triệu tấn lúa mì của EU đang bị kẹt nơi đây và các bên đang tìm cách khơi thông quá trình vận chuyển này. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến thế giới tạm thiếu nguồn cung và cũng thúc đẩy việc EU phấn đấu tự sản xuất lương thực với lượng xuất khẩu ngũ cốc sẽ đạt mức 40 triệu tấn vào 2022 và 2023 [3].
Đợt nắng nóng gần đây là đợt thứ hai mà khu vực Tây Nam châu Âu phải hứng chịu, khi nền nhiệt nhiều nơi vượt 40 độ C, một số khu vực tại Tây Ban Nha tăng lên 45 độ C. Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên và cảnh bảo những hiện tượng tương tự hoặc thậm chí cực đoan hơn sẽ còn lặp lại trong tương lai. Hàng trăm người được ghi nhận đã chết do hiện tượng sốc nhiệt. Hầu hết các nạn nhân là người mắc bệnh nền hoặc người cao tuổi. Bên cạnh đó nguy cơ cháy rừng tăng cao đặt lính cứu hoả ở các quốc gia như Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp trong tình trạng báo động [4]. Nắng nóng đỉnh điểm cũng xảy ra cả ở Anh buộc chính quyền phải phát đi cảnh báo đỏ khi dự kiến nhiệt độ sắp vượt qua 40 độ C, điều hiếm gặp ở Anh.
Nắng nóng khiến cho nhu cầu tiêu thụ điện năng để sử dụng các thiết bị điện như quạt, điều hoà tăng cao ở châu Âu (vốn trước đây ít được trang bị và không phổ biến). Tình hình nắng nóng tiếp tục kéo dài khiến người dân châu Âu phải sử dụng điều hoà tối đa, kéo theo lượng khí đốt cần để sản xuất điện tăng vọt, càng gây áp lực gia tăng khi cuộc khủng hoảng khí đốt châu Âu vẫn chưa có lời giải và nhu cầu sử dụng khí đốt càng lớn hơn khi mùa đông đang đến gần.
- Dịch Covid-19 bùng phát với biến chủng phụ của Omicron:
Biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 đang bùng phát khắp châu Âu, ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới tại các quốc gia thành viên. Trong khi đó, phần lớn các nước đã loại bỏ phần lớn các biện pháp phòng ngừa. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) hiện cũng không còn cung cấp các bản tin hàng ngày về tình hình Covid [5]. Các Chính phủ không còn yêu cầu đeo khẩu trang hay xét nghiệm hàng loạt mà tập trung khôi phục nền kinh tế. Mặc dù số ca tử vong sẽ khó tăng do người dân cơ bản đã được cung cấp vắc xin tiêm chủng nhưng nỗi lo về cuộc khủng hoảng y tế trong những tháng tới là hiện hữu, gây áp lực lên hệ thống y tế các quốc gia.
- Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức. Thủ tướng Ý đệ đơn từ chức. Liên minh của Tổng thống Pháp mất đa số ghế tại Quốc hội:
Việc Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức đã được dự báo trước khi nước Anh đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nổi bật nhất là vấn đề kiểm soát nền kinh tế khi Anh đang phải chứng kiến tỉ lệ lạm phát tăng cao, cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có hồi kết, hàng loạt cuộc biểu tình đòi tăng lương cũng như Chính phủ bị chỉ trích về các kế hoạch phong toả phòng chống Covid-19 vừa qua. Trên thực tế, kể từ sau cuộc chiến thắng bầu cử năm 2019, uy tín của Đảng Bảo thủ và Thủ tướng Boris Johnson đã giảm sút đáng kể và việc Thủ tướng Anh từ chức được xem là cứu cánh cuối cùng trong việc giữ uy tín cho Đảng Bảo thủ [6]. Mặc dù vậy, trong bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng, việc Thủ tướng Anh từ chức được xem là thiệt thòi lớn cho liên minh phương Tây cũng như tinh thần của Ukraine.
Thủ tướng Anh Johnson sẽ vẫn tạm quyền đến ngày 5/9/2022, thời điểm đảng Bảo thủ chọn xong lãnh đạo mới kế nhiệm Johnson. Thủ tướng Johnson là người ủng hộ Brexit và Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Việc từ chức của Thủ tướng Johnson sẽ không làm ảnh hưởng đến việc rời bỏ EU và khả năng gia nhập lại EU của nước Anh là gần như rất khó xảy ra. Bên cạnh đó, ứng cử viên cho chức thủ tướng mới sẽ vẫn ủng hộ Ukraine vì toàn bộ chính phủ và người dân Anh đều ủng hộ Ukraine.
Không chỉ ở Anh, cuộc khủng hoảng chính trị cũng lan tới Ý khi Thủ tướng Mario Draghi cũng đệ đơn từ chức. Mặc dù sau đó Tổng thống Ý Sergio Mattarella đã bác đơn và yêu cầu một buổi phát biểu trước Quốc hội để đánh giá lại tình hình. Quyết định từ chức của Thủ tướng Ý được xem là đến từ mâu thuẫn với Đảng M5S, một Đảng theo chủ nghĩa dân tuý đã chỉ trích ông về các quyết định điều hành, kế hoạch phục hồi kinh tế với các gói viện trợ [7].
Một quốc gia chủ chốt khác là Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron và liên minh của ông đã mất thế đa số ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử gần đây. Điều này sẽ khiến các chương trình nghị sự khôi phục kinh tế của ông cũng như các quyết sách nhằm đưa Paris thành lãnh đạo EU trở nên không suôn sẻ [8].
- Xung quanh tình hình chiến sự Nga – Ukraine
- Căng thẳng giữa Ukaine-Nga-Phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt:
Xung đột Nga – Ukraine đã trải qua 05 tháng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những ảnh hưởng của cuộc xung đột đã lan ra quy mô toàn cầu và hiện nay, nó không chỉ dừng ở chiến trường Nga – Ukraine mà còn là trận chiến ngầm giữa Nga và các quốc gia phương Tây trên mặt trận kinh tế.
Hiện tại, Nga đã kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine. Các khu vực phía Đông như Donbass (bao gồm Donetsk và Lugansk) được xem là những cứ địa chiến lược của các lực lượng thân Nga và quân Nga đồn trú ở đó. Khu vực Donbass là trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Đông Ukraine và cũng là nơi sẽ mở ra con đường chiến lược giúp Nga dễ dàng kiểm soát tiếp khu vực Kharkov và Odessa, nối đến Crimea, từ đó dễ dàng kiểm soát các vùng biển. Nên bằng mọi giá, Nga sẽ chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực này. Một giải pháp ngoại giao hiện là chưa thể xảy ra khi Ukraine khẳng định chỉ đàm phán nếu Nga thất bại và phía Nga cũng tuyên bố Nga sẽ đạt được tất cả các mục tiêu của mình. Hoà bình sẽ xảy ra nhưng sẽ theo điều kiện của phía Nga [9].
Trên mặt trận kinh tế, Mỹ và các quốc gia phương Tây tiếp tục củng cố mặt trận chống Nga, áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế lớn nhất từ trước tới nay với Nga. Trên thực tế, Nga dường như đang chịu nhiều thiệt hơn khi nền kinh tế chắc chắn sẽ sụt giảm mạnh trong năm nay. Ngoài ra, việc bị cắt đứt nguồn cung ứng các nguyên vật liệu từ thế giới do bị cô lập sẽ khiến Nga phải vật lộn tìm kiếm nguồn hàng hoá nhập khẩu thay thế, nhất là phục vụ cho công nghiệp quốc phòng và các hoạt động kinh tế. Ở chiều ngược lại, Mỹ và các quốc gia phương Tây cũng đã ngấm những tổn thất kinh tế từ phía Nga khi phải nhanh chóng tìm nguồn năng lượng thay thế (đặc biệt với EU, nhiều quốc gia thành viên đang phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga). Lạm phát đã hiện hữu và tăng mạnh trong những tháng trở lại đây, buộc ngân hàng trung ương các quốc gia phải đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất. Giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng nhanh chóng. Áp lực đưa nền kinh tế trong tầm kiểm soát càng khó thực hiện khi EU nói chung đang phải cùng lúc đối phó với nhiều nỗi lo mới: dịch bệnh (chủng phụ Omicron), thiên tai (nắng nóng), tích trữ khí đốt cho mùa đông sắp tới, duy trì sự đồng thuận trong khối để ủng hộ Ukraine (tài chính, vũ khí…) trong cuộc chiến với Nga. Lạm phát cao cũng đang góp phần làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn chính trị ở phương Tây khi mới đây, Thủ tướng Anh cũng phải từ chức do không nhận được ủng hộ trong cách thức điều hành Chính phủ hay Thủ tướng Ý đã đệ đơn từ chức do đảng M5S không ủng hộ ông và rút khỏi liên minh cầm quyền do bất đồng trong các chính sách phục hồi kinh tế. Thủ tướng Pháp cùng liên minh của ông cũng bất ngờ khi mất đa số ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử gần đây.
EU muốn tăng sức ép hơn nữa để trừng phạt Nga nhằm buộc Nga phải dừng chiến dịch ở Ukraine. Cụ thể, EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 7 với Moskva, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga và các biện pháp nhằm bịt kín những lỗ hổng trong các gói trừng phạt cũ. Các nước thành viên EU nhiều khả năng sẽ thông qua gói trừng phạt mới trong một vài ngày tới. Tuy nhiên, lần trừng phạt này không cấm nhập khẩu khí đốt và cũng không có các biện pháp trừng phạt bổ sung với dầu Nga. Gói trừng phạt này chắc chắn gây ra một số tác động với Nga, nhưng phạm vi ảnh hưởng của nó không lớn. Điều này cũng thể hiện nỗi lo ngày càng lớn của EU về cách đối phó với Nga mà không gây căng thẳng cho nền kinh tế của EU.
- Khả năng gia nhập EU của Ukraine:
Ngày 16/06, lãnh đạo ba nước lớn của EU là Đức, Pháp, Ý đã có chuyến thăm đầy bất ngờ đến Ukraine, thể hiện sự ủng hộ của một EU đoàn kết với Ukraine. Chuyến đi cùng với tuyên bố của ba nước về việc ủng hộ trao quy chế ứng viên EU cho Ukraine ngay lập tức cho thấy EU đã sẵn sàng cho sự gia nhập của Ukraine trong thời gian tới [10]. Kịch bản này được xem là khả thi khi ngay sau đó một ngày, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF), Tổng thống Nga Putin cho biết “Nga sẽ không ngăn cản việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu, vì tổ chức này không phải là một khối quân sự - chính trị như NATO [11]. Đây được xem là quan điểm mở đường của Nga về việc Ukraine sẽ gia nhập EU trong thời gian tới. Mặc dù vậy, quy chế ứng viên không có nghĩa là Ukraine sẽ sớm trở thành một phần của EU. Quá trình này cần kéo dài nhiều năm với những cải cách lớn mà Ukraine phải thực hiện thay đổi để dần thích nghi với tiêu chuẩn trong khối.
- Khả năng gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển:
Sau những phản đối từ phía Thổ Nhỹ Kỳ (một thành viên NATO) về việc không đồng ý cho Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập khối do cáo buộc hai nước này chứa chấp các thành viên nhóm người Kurd (bao gồm Đảng Công nhân Kurdistan-PKK và tổ chức Fetullah-FETO, là một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố với nghi ngờ âm mưu đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 [12], Thổ Nhĩ Kỳ đã có những buổi gặp gỡ đưa ra 10 điều kiện yêu cầu Phần Lan và Thuỵ Điển đáp ứng để hai nước này có được sự đồng ý của mình vào NATO. Sau các buổi hội đàm với lãnh đạo của hai nước Bắc Âu này, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đạt được mục đích và đã rút lại việc phản đối Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập liên minh quân sự NATO. Mặc dù vậy, Tổng thống Erdogan cũng tuyên bố rằng, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể đóng băng lại tiến trình phê duyệt đơn xin gia nhập khối của Phần Lan và Thuỵ Điển nếu hai quốc gia này không có những bước đi cần thiết đáp ứng những yêu cầu được thống nhất trước đó giữa ba bên. Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước gián tiếp hưởng lợi từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Hiện tại, đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thuỵ Điển đang chờ quốc hội của mỗi nước thành viên thuộc liên minh quân sự này thông qua. Trong đó, trở ngại lớn nhất là từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung tâm Nghiên cứu EU - IES
Tài liệu tham khảo:
[1] Eurostat (2022). Euro area annual inflation up to 8.6% [Online] Available at: https://ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/14644614/2-01072022-AP-EN.pdf/72dcf5e4-56cb-5b8c-1a1f-d342666b8657#:~:text=Euro%20area%20annual%20inflation%20is,office%20of%20the%20European%20Union. [Accessed on July 14th 2022].
[2]. ECB (2022). Monetary policy normalisation in the euro area [Online] Available at: https://www.ecb.europa.eu/press/blog/date/2022/html/ecb.blog220523~1f44a9e916.en.html [Accessed on July 14th 2022].
[3]. Ursula von der Leyen (2022). Opening remarks by President von der Leyen at the joint press conference with President Michel following the special meeting of the European Council of 31 May 2022 [Online] Available at: https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/es/statement_22_3391 [Accessed on July 14th 2022].
[4]. Antoaneta Roussi and Eddy Wax (2022). ‘Just hell.’ 5 countries suffering in Europe’s heat wave. Politico.eu [Online] Available at: https://www.politico.eu/article/five-countries-suffering-from-the-heat-wave-in-europe/ [Accessed on July 14th 2022].
[5] Alain Delaquérière and Sarah Cahalan (2022). BA.4 and BA.5 power a surge of known infections in Europe, officials say. Nytimes.com [Online] Available at: https://www.nytimes.com/2022/07/08/world/europe/europe-covid-ba4-ba5.html [Accessed on July 14th 2022].
[6]. Karla Adam and William Booth (2022). Boris Johnson blames ‘the herd,’ resigns to make way for new U.K. leader [Online] Available at: https://www.washingtonpost.com/world/2022/07/07/uk-boris-johnson-resignation/ [Accessed on July 14th 2022].
[7]. Angela Giuffrida (2022). Italian prime minister Mario Draghi to resign after coalition partner snub [Online] Available at: https://www.theguardian.com/world/2022/jul/14/italian-prime-minister-mario-draghi-resigns-after-coalition-partner-snub [Accessed on July 14th 2022].
[8] Silvia Amaro (2022). France’s Macron loses parliamentary majority, putting his economic reform agenda at risk [Online] Available at: https://www.cnbc.com/2022/06/20/frances-macron-loses-parliamentary-majority-economic-reform-agenda-at-risk.html [Accessed on July 14th 2022].
[9] Nikkei Asia (2022). Ukraine latest: Russia will 'achieve all goals' and set peace terms: Medvedev [Online] Available at: https://asia.nikkei.com/Politics/Ukraine-war/Ukraine-war-Free-to-read/Ukraine-latest-Russia-will-achieve-all-goals-and-set-peace-terms-Medvedev [Accessed on July 18th 2022].
[10] David M. Herszenhorn (2022). Rhetoric and reality collide as France, Germany, Italy back Ukraine’s EU bid. [Online] Available at: https://www.politico.eu/article/rhetoric-and-reality-collide-as-france-germany-italy-back-ukraines-eu-bid/ [Accessed on July 14th 2022].
[11] Reuters (2022. EU backs Ukraine's membership bid to 'live the European dream' [Online] Available at: https://www.reuters.com/world/europe/europe-steps-up-support-ukraine-russia-presses-offensive-2022-06-17/ [Accessed on July 14th 2022].
[12] Reuters (2022). Finnish, Swedish NATO bids hinge on response to Turkey, says Erdogan aide [Online] Available at: https://www.reuters.com/world/finnish-swedish-nato-bids-hinge-response-turkey-says-erdogan-aide-2022-06-03/ [Accessed on July 14th 2022].