- Các vấn đề về kinh tế - xã hội – chính trị:
- Kế hoạch "Tiết kiệm khí đốt cho một mùa Đông an toàn":
Đây được xem là kế hoạch lớn của Liên minh châu Âu nhằm đặt mục tiêu cho 27 quốc gia thành viên giảm nhu cầu khí đốt của mình xuống 15% trong thời gian từ tháng 08/2022 đến tháng 03/2023. Trên thực tế, chiến sự Nga – Ukraine đã trải qua sáu tháng chưa có dấu hiệu dừng lại cũng như căng thẳng giữa Nga – Ukraine và phương Tây ngày càng gia tăng khiến cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở các nước EU rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nếu không có các giải pháp kịp thời, EU sẽ phải đối mặt với “mùa đông lạnh giá”. Theo kế hoạch, đến tháng 09/2022, các quốc gia thành viên sẽ phải đưa ra kế hoạch cụ thể cắt giảm khí đốt như thế nào để đạt được mục tiêu trên [5]. Kế hoạch này được xem là bất đắc dĩ trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đã phải cắt giảm nhu cầu sử dụng khí đốt của mình trong thời gian trước đó, nhưng nếu không quyết liệt trong thời gian tới thì nguy cơ thiếu hụt khí đốt trầm trọng sẽ là hiện hữu.
- Nền kinh tế lớn nhất châu Âu gặp khó khăn:
Việc Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đối mặt với nhiều khó khăn trong điều hành nền kinh tế là báo động đỏ cho toàn khối EU. Theo số liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố ngày 01/08, doanh số bán lẻ của Đức đã giảm 8.8% trong tháng 06 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất tính từ năm 1994 (năm bắt đầu thu thập dữ liệu này) [2]. Việc lạm phát duy trì ở mức cao dưới áp lực thiếu khí đốt trầm trọng khiến cho triển vọng nền kinh tế Đức ảm đạm. Với vai trò là trung tâm sản xuất và chiếm 25% GDP của EU, sự suy thoái của nền kinh tế Đức sẽ có tác động không nhỏ đến tình hình chung của khối.
Có thể nói, nền kinh tế Đức rất dễ bị tổn thương do phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga. Dù rất ý thức việc phải nỗ lực giảm sự phụ thuộc nhưng quá trình này không thể diễn ra một sớm một chiều. Bên cạnh đó, Đức cũng đang lên kế hoạch giảm mạnh thuế VAT khí đốt tự nhiên từ 19% xuống còn 7% trong một khoảng thời gian giới hạn như một giải pháp nhằm hỗ trợ cho người tiêu dùng [3].
- Tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao:
Giá dầu khí tăng cao trên toàn cầu vẫn là yếu tố trực tiếp tác động lên lạm phát của tất cả các nước trên thế giới, làm đình trệ mọi triển vọng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Văn phòng thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 29/07 cho thấy lạm phát trong tháng 07 ở khu vực Eurozone lập kỷ lục 8.9%. Lạm phát gần đây liên tục lập đỉnh do tác động từ xung đột Nga – Ukraine và các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch. Phân tích các yếu tố chính của lạm phát cho thấy giá năng lượng đã tăng 39,7% trong tháng bảy so với gần 42% trong tháng sáu. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 9,8% trong tháng bảy so với 8,9% trong tháng sáu [6]. Sự tăng tốc lạm phát cho thấy chi phí sinh hoạt trong khối ngày càng trở nên đắt đỏ, gây sức ép lớn đến việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.
- Dịch Covid-19 bùng phát với biến chủng phụ của Omicron:
Biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 đang bùng phát khắp châu Âu, ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới tại các quốc gia thành viên. Trong khi đó, phần lớn các nước đã loại bỏ phần lớn các biện pháp phòng ngừa. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) hiện cũng không còn cung cấp các bản tin hàng ngày về tình hình Covid [1]. Các Chính phủ không còn yêu cầu đeo khẩu trang hay xét nghiệm hàng loạt mà tập trung khôi phục nền kinh tế. Mặc dù số ca tử vong sẽ khó tăng do người dân cơ bản đã được cung cấp vắc xin tiêm chủng nhưng nỗi lo về cuộc khủng hoảng y tế trong những tháng tới là hiện hữu, gây áp lực lên hệ thống y tế các quốc gia.
- Thượng viện Mỹ bỏ phiếu ủng hộ Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO:
Sau khi rào cản lớn nhất là Thổ Nhỹ Kỳ (một thành viên NATO) đã rút lại việc phản đối Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập khối thì ngày 03/08, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn việc hai quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO. Đây được xem là thành công tiếp tục trên chặng đường xin gia nhập khối của Phần Lan và Thuỵ Điển mặc dù việc gia nhập cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội tất cả các nước thành viên, thường kéo dài tới một năm. Lưỡng đảng của Mỹ đều đánh giá cao việc Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO có ý nghĩa quan trọng và ủng hộ mạnh mẽ sự hợp tác chặt chẽ này [7].
- Xung quanh tình hình chiến sự Nga – Ukraine
Xung đột Nga – Ukraine đã trải qua 06 tháng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những ảnh hưởng của cuộc xung đột đã lan ra quy mô toàn cầu và hiện nay, nó không chỉ dừng ở chiến trường Nga – Ukraine mà còn là trận chiến ngầm giữa Nga và các quốc gia phương Tây trên mặt trận kinh tế.
Hiện tại, Nga đã kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine. Các khu vực phía Đông như Donbass (bao gồm Donetsk và Lugansk) được xem là những cứ địa chiến lược của các lực lượng thân Nga và quân Nga đồn trú ở đó. Khu vực Donbass là trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Đông Ukraine và cũng là nơi sẽ mở ra con đường chiến lược giúp Nga dễ dàng kiểm soát tiếp khu vực Kharkov và Odessa, nối đến Crimea, từ đó dễ dàng kiểm soát các vùng biển. Nên bằng mọi giá, Nga sẽ chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực này. Một giải pháp ngoại giao hiện là chưa thể xảy ra khi Ukraine khẳng định chỉ đàm phán nếu Nga thất bại và phía Nga cũng tuyên bố Nga sẽ đạt được tất cả các mục tiêu của mình. Hoà bình sẽ xảy ra nhưng sẽ theo điều kiện của phía Nga [9]. Trong thời gian gần đây, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tiếp tục là điểm nóng. Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và là một trong mười nhà máy lớn nhất Thế giới. Mặc dù nhà máy đã bị Nga kiểm soát từ hồi tháng 3 nhưng cơ sở này vẫn do kỹ thuật viên của Ukraine vận hành. Zaporizhzhia với 6 lò phản ứng lớn hiện cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình của Ukraine. Và mọi giao chiến quanh Zaporizhzhia hay việc ngắt Zaporizhzhia khỏi mạng lưới điện lưới Ukraine đều có thể dẫn đến những thiệt hại thảm khốc khó đoán định. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterrres hôm 18/8 cũng yêu cầu cần phi quân sự hoá khu vực Zaporizhzhia song phía Nga đã bác đề xuất [4].
Trên mặt trận kinh tế, Mỹ và các quốc gia phương Tây tiếp tục củng cố mặt trận chống Nga, áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế lớn nhất từ trước tới nay với Nga. Trên thực tế, Nga dường như đang chịu nhiều thiệt hơn khi nền kinh tế chắc chắn sẽ sụt giảm mạnh trong năm nay. Ngoài ra, việc bị cắt đứt nguồn cung ứng các nguyên vật liệu từ thế giới do bị cô lập sẽ khiến Nga phải vật lộn tìm kiếm nguồn hàng hoá nhập khẩu thay thế, nhất là phục vụ cho công nghiệp quốc phòng và các hoạt động kinh tế. Ở chiều ngược lại, Mỹ và các quốc gia phương Tây cũng đã ngấm những tổn thất kinh tế từ phía Nga khi phải nhanh chóng tìm nguồn năng lượng thay thế (đặc biệt với EU, nhiều quốc gia thành viên đang phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga). Lạm phát đã hiện hữu và tăng mạnh trong những tháng trở lại đây, buộc ngân hàng trung ương các quốc gia phải đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất. Giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng nhanh chóng. Áp lực đưa nền kinh tế trong tầm kiểm soát càng khó thực hiện khi EU nói chung đang phải cùng lúc đối phó với nhiều nỗi lo mới: dịch bệnh (chủng phụ Omicron), thiên tai (nắng nóng), tích trữ khí đốt cho mùa đông sắp tới, duy trì sự đồng thuận trong khối trong ủng hộ Ukraine (tài chính, vũ khí…) trong cuộc chiến với Nga. Hiện tại, bản thân các nước EU cũng đang có những bất đồng trong việc cô lập Nga. Trong khi nhiều nước công khai ngừng cấp một số thị thực nhất định đối với công dân Nga (Séc, Litva, Estonia, Latvia, Ba Lan, Phần Lan…) thì Đức từ chối ủng hộ sự lựa chọn này. Lãnh đạo Đức cho rằng vì đây không phải là cuộc chiến của nhân dân Nga [8].
- Thiệt hại lớn của nền kinh tế Nga
Theo báo cáo của Đại học Yale của Mỹ [10], nền kinh tế Nga đã bị tổn hại nặng nề bởi lệnh trừng phạt của các nước phương Tây. Vị trí chiến lược của Nga với tư cách là nước xuất khẩu hàng hóa đã bị suy yếu khi Nga đã bị mất đi các thị trường xuất khẩu lớn. Nhập khẩu của Nga hoàn toàn sụp đổ khi Nga phải đối diện với các thách thức lớn về đảm bảo nhập khẩu các đầu vào, thiết bị, và công nghệ thiết yếu từ các đối tác thương mại, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cho nền kinh tế Nga. Báo cáo nhận định Nga hiện đang lầm tưởng rằng nền kinh tế Nga có thể tự cung tự cấp, và thay thế nhập khẩu; tuy nhiên khả năng sản xuất trong nước của Nga đã bị đình trệ hoàn toàn, không có khả năng thay thế được các cơ sở kinh doanh, và tình trạng chảy máu chất xám khi nhiều tài năng đã chuyển sang nước ngoài. Nền kinh tế Nga bị thiếu hụt các cơ sở sản xuất và sáng tạo, dẫn đến giá cả tăng vọt và sự lo lắng tăng lên của người tiêu dùng. Kết quả của việc tháo chạy của các công ty đã làm cho nền kinh tế Nga bị tổn thất khoảng 40% GDP. Tổng thống Putin đã cố gắng can thiệp vào nền kinh tế bằng chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách này được xem là đã dẫn đến thâm hụt ngân sách và bòn rút các nguồn lực dự trữ ngoại tệ kể cả khi Nga được hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao. Tài chính của Nga đang gặp tình trạng vô cùng khó khăn.
Nhóm Nghiên cứu
Tài liệu tham khảo:
- Alain Delaquérière and Sarah Cahalan (2022). BA.4 and BA.5 power a surge of known infections in Europe, officials say. Nytimes.com [Online] Available at: https://www.nytimes.com/2022/07/08/world/europe/europe-covid-ba4-ba5.html [Accessed on August 14th 2022].
- Destatis (2022). Wholesale und retail trade [Online] Available at: https://www.destatis.de/EN/Themes/Economy/Wholesale-Trade-Retail-Trade/_node.html [Accessed on August 14th 2022].
- DW (2022). Germany cuts tax on gas as prices rise amid war in Ukraine [Online] Available at: https://www.dw.com/en/germany-cuts-tax-on-gas-as-prices-rise-amid-war-in-ukraine/a-62849908 [Accessed on August 14th 2022].
- DW (2022). Ukraine: UN chief Guterres meets Zelenskyy with focus on grain, nuclear power plant [Online] Available at: https://www.dw.com/en/ukraine-un-chief-guterres-meets-zelenskyy-with-focus-on-grain-nuclear-power-plant/a-62844377 [Accessed on August 18th 2022].
- European Commission (2022). Save Gas for a Safe Winter: Commission proposes gas demand reduction plan to prepare EU for supply cuts [Online] Available at: https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_22_4608 [Accessed on August 14th 2022].
- Eurostat (2022). Flash estimate - August 2022 [Online] Available at: https://ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/14644650/2-29072022-AP-EN.pdf/8b14d87f-df6c-aeb5-7dc9-40c60e4f6bc2 [Accessed on August 14th 2022].
- Karoun Demirjian (2022). Senate votes to approve NATO membership for Sweden and Finland [Online] Available at: https://www.washingtonpost.com/national-security/2022/08/03/senate-nato-sweden-finland/ [Accessed on August 14th 2022].
- Luke McGee (2022). Europe can't decide if it wants to punish ordinary Russians for Putin's war. [Online] Availablet at: https://edition.cnn.com/2022/08/18/europe/russia-visas-european-union-finland-intl-cmd/index.html [Accessed on August 18th 2022].
- Nikkei Asia (2022). Ukraine latest: Russia will 'achieve all goals' and set peace terms: Medvedev [Online] Available at: https://asia.nikkei.com/Politics/Ukraine-war/Ukraine-war-Free-to-read/Ukraine-latest-Russia-will-achieve-all-goals-and-set-peace-terms-Medvedev [Accessed on August 18th 2022].
- Sonnenfeld, Jeffrey and Tian, Steven and Sokolowski, Franek and Wyrebkowski, Michal and Kasprowicz, Mateusz, Business Retreats and Sanctions Are Crippling the Russian Economy (July 19, 2022). Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=4167193 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4167193