- Các vấn đề về kinh tế - xã hội – chính trị:
- Lạm phát tiếp tục tăng kỷ lục trong tháng 8:
Xung đột Nga – Ukraine với áp lực đảm bảo an ninh năng lượng vẫn là yếu tố trực tiếp tác động lên lạm phát của tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt ở Châu Âu, nơi đang thường trực tồn tại những bất ổn. Văn phòng thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 16/09 cho thấy lạm phát trong tháng 08 ở khu vực Eurozone đã tăng chạm mức 9.1% (vượt hẳn mức 8.9% ghi nhận trong tháng 07). Con số lạm phát còn đạt 10.1% khi đánh giá ở khu vực EU. Tỷ lệ lạm phát tăng cao rất nhiều khi so sánh với cùng kỳ năm 2021 vốn chỉ ghi nhận ở mức 3% khu vực Eurozone và 3.2% khu vực EU. Trong tháng 08, các nước ghi nhận mức lạm phát cao nhất là Estonia (25.2%), Latvia và Lithuania (21.4%). Pháp, Đức ghi nhận mức lạm phát dưới mức trung bình của khu vực Eurozone lần lượt là 6.6% và 8.8%.
Áp lực tăng giá năng lượng vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây lên lạm phát tăng cao ở khu vực Eurozone với tỷ lệ 3.95%. Tiếp đó là đóng góp của sự tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác: thực phẩm, rượu và thuốc lá (2.25%), dịch vụ (1.62%) và hàng công nghiệp phi năng lượng (1.33%) [3].
Dưới áp lực lạm phát tăng cao, ngày 8/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, lên mức 1,25%, mức tăng cao nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được đưa vào sử dụng. Đây cũng là lần tăng lãi suất thứ 2 chỉ trong vài tuần qua nhằm đối phó với lạm phát đang ở mức cao kỷ lục [2].
- Nga ngừng cung cấp khí đốt đến châu Âu vô thời hạn và áp lực cho doanh nghiệp châu Âu:
Ngày 3/9, tập đoàn năng lượng Gazprom Nga thông báo ngừng cung cấp vô thời hạn khí đốt tự nhiên cho EU qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), với lý do trục trặc kỹ thuật. Bên cạnh đó, Nga cũng khẳng định sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia áp đặt giá trần đối với năng lượng Nga và nói rằng việc áp giá trần như vậy sẽ gây ra sự bất ổn lớn với thị trường dầu toàn cầu. Đây được xem là đòn đáp trả từ phía Nga khi ngày 2/9, Bộ trưởng Tài chính 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã thống nhất quyết định áp giá trần đối với dầu Nga nhằm ngăn chặn nguồn thu của Nga và tránh giá dầu leo thang. Trong khi đó, Nga đã cắt cung khí đốt đến một số quốc gia châu Âu như Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Ba Lan vì những nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng ruble từ Moskva [7]. Những diễn biến này khiến châu Âu phải tích cực tìm kiếm nguồn cung thay thế để đảm bảo an ninh năng lượng, trong bối cảnh mùa đông ngày càng đến gần. Tuy nhiên, việc tìm nguồn năng lượng thay thế không thể đáp ứng một sớm một chiều và một mùa đông đến gần sẽ là thử thách cho sự đoàn kết của châu Âu sắp tới.
- Nga ngừng cung cấp khí đốt đến châu Âu vô thời hạn và áp lực cho doanh nghiệp châu Âu:
Việc Nga ngưng xuất khẩu dầu sang châu Âu đặt áp lực trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất của khối này. Theo đó, sự ổn định của kinh tế châu Âu phụ thuộc lớn vào sản xuất và công nghiệp nhẹ từ các ngành thép, hoá chất, sản xuất ô tô. Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến cho nhiều nhà máy có thể phải đóng cửa và hàng nghìn việc làm bị mất. Mặc dù nguồn cung thay thế từ Mỹ và Qatar đang được châu Âu tích cực tiếp cận song khó có thể thay thế nguồn khí đốt giá rẻ như của Nga đã cung cấp cho châu Âu khiến châu lục này có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia phát triển khác cũng như bù đắp được chi phí lao động cao và các quy định nghiêm ngặt về môi trường [4]. Viễn cảnh càng sản xuất càng lỗ khiến cho các doanh nghiệp châu Âu phải vận động hành lang nhằm tìm nguồn lực thay thế. Thời gian từ nay đến cuối năm sẽ là những tháng thử thách cho sức chịu đựng của nền kinh tế châu Âu nói chung và ngành sản xuất, công nghiệp nói riêng.
- Nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao ở các quốc gia thành viên:
Ngày 3/9, tại Quảng trường Wenceslas ở thủ đô Praha, Cộng hòa Séc đã diễn ra cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng chục nghìn người yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Petr Fiala từ chức trước ngày 25/9. Đại diện đoàn người biểu tình là các chính trị gia, nhà khoa học và nhân vật công chúng, đã đổ lỗi cho Chính phủ về cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng thấy trong 3 thập kỷ qua và gây ra lạm phát trên diện rộng. Hiện Cộng hoà Séc là quốc gia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU [8]. Trước đó, trong mùa hè năm nay, công nhân nhiều nước châu Âu đã đình công, yêu cầu mức lương cao hơn để giúp họ đối phó với tình hình lạm phát ngày càng tăng. Hàng loạt cuộc đình công đã diễn ra ở Anh, Pháp, Áo, Bỉ…khiến giao thông công cộng tê liệt. Người lao động trong ngành hàng không ở Đức, Tây Ban Nha, hay công nhân xe lửa ở Hà Lan cũng đều đình công yêu cầu tăng lương [1]. Những cuộc đình công hay biểu tình dự kiến sẽ diễn ra nhiều hơn khi mùa đông ở châu Âu đang đến dần, sự thiếu hụt năng lượng là hiện hữu và bất ổn xã hội được dự báo sẽ còn diễn ra phức tạp hơn.
- Nữ hoàng Elizabeth II qua đời:
Nữ hoàng Elizabeth II qua đời đã đánh dấu 70 năm phụng sự Vương quốc. Bà là vị quân chủ trị vì lâu nhất Vương quốc Anh, hưởng thọ 96 tuổi. Ngoài những di sản để lại, bà được đánh giá là “pháo đài” bảo vệ các giá trị truyền thống, đóng góp lớn cho chính sách đối nội và đối ngoại của nước Anh đến ngày nay. Bên cạnh sự tiếc thương của hàng triệu người dân Anh thì cũng nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện Nữ hoàng Elizabeth II qua đời cũng là cơ hội để nhìn lại lịch sử của chế độ thực dân bao gồm đô hộ và cưỡng bức, đàn áp tàn bạo và khai thác tài nguyên thuộc dịa. Nhiều nhà phê bình chỉ trích chế độ quân chủ của Hoàng gia và chế độ này đã để lại nhiều chương lịch sử đau buồn cho các quốc gia thuộc địa [9].
Lễ tưởng niệm Nữ hoàng Elizabeth II được thực hiện từ lâu đài ở Scotland, kéo dài 10 ngày và kết thúc tại Nhà nguyện St George. Tân vương Charles III là người kế vị ở tuổi 73 được xem là sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, từ bối cảnh xã hội thay đổi đến nền kinh tế Anh đang có nhiều bất ổn. Bên cạnh đó, sự gắn kết của Liên hiệp Anh sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời được xem là khó đoán định. Liệu người Scotland có một lần nữa thực hiện bỏ phiếu về việc tách khỏi Vương quốc Anh (như từng xảy ra năm 2014) hay chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy khiến cho xứ Wales và Bắc Ireland muốn rời khỏi Vương quốc Anh, ủng hộ sự độc lập của riêng mình? Kể từ khi sự kiện Brexit diễn ra, sự đoàn kết của Vương quốc Anh đang gặp những thách thức lớn. Uy tín, hình ảnh của Hoàng gia Anh trong những năm gần đây cũng bị giảm sút từ những câu chuyên xung quanh hoàng tử Harry-Meghan và Hoàng gia.
- Xung quanh tình hình chiến sự Nga – Ukraine
- Mặt trận đấu tranh kinh tế giữa Nga và phương Tây
Xung đột Nga – Ukraine đã trải qua 07 tháng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những ảnh hưởng của cuộc xung đột đã lan ra quy mô toàn cầu và hiện nay, nó không chỉ dừng ở chiến trường Nga – Ukraine mà còn là trận chiến ngầm giữa Nga và các quốc gia phương Tây trên mặt trận kinh tế.
Phương Tây dường như đang muốn đẩy nền kinh tế Nga “sụp đổ” thông qua các lệnh trừng phạt chưa từng có của mình. Các nước phương Tây hiểu rằng, vũ khí lớn nhất giúp nền kinh tế Nga vẫn trụ được suốt thời gian qua là dầu mỏ. Nguồn cung dầu mỏ “gần như vô tận” của Nga trong suốt thời gian qua đã giúp nước này thu được lượng lớn ngoại tệ, đặc biệt là cung cấp cho các quốc gia lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Vì vậy, ý tưởng áp giá trần lên dầu Nga được xem là biện pháp cứng rắn và gia tăng sự kiểm soát của phương Tây nhằm đạt được mục tiêu kép vừa kiềm chế giá năng lượng toàn cầu, vừa giảm được doanh thu của Nga phục vụ trụ vững nền kinh tế. Mặc dù vậy, kế hoạch này của các nước phương Tây cần nhận được sử ủng hộ từ các nền kinh tế khác như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước thuộc OPEC đặc biệt là Ả Rập Saudi. Bên cạnh đó, phương Tây cũng phải tính đến những phản ứng của Nga trong việc Nga thực hiện dừng bán dầu cho các nước thực hiện kế hoạch áp giá trần trước tháng 12 (mốc thời gian bắt đầu có hiệu lực áp giá trần với dầu thô), khiến giá dầu có thể bị tăng mạnh một lần nữa [5].
- Nga – Ukraine: kịch bản chấm dứt xung đột ở hiện tại là không thể
Một giải pháp ngoại giao hiện là chưa thể xảy ra khi Ukraine khẳng định chỉ đàm phán nếu Nga thất bại và phía Nga cũng tuyên bố Nga sẽ đạt được tất cả các mục tiêu của mình. Hoà bình sẽ xảy ra nhưng sẽ theo điều kiện của phía Nga.
Dưới sự hậu thuẫn của phương Tây, Ukraine đã đạt được một số bước tiến trong việc phản công lại quân đội Nga ở khu vực Luhansk, sau khi giành lại làng Bilohorivka. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không từ bỏ cuộc chiến giành lại lãnh thổ đã mất vào tay Nga, giữa lúc quân đội nước này mở đường cho cuộc tấn công vào lực lượng Nga ở Donbas. Trong khi đó, Nga cũng đã vạch ra “giới hạn đỏ” cho Mỹ và coi rằng Mỹ sẽ trở thành “một bên trong cuộc xung đột” nếu như Mỹ quyết định cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine trước mối lo Mỹ chuyển giao cho Ukraine bệ phóng HIMARS có thể sử dụng để phóng tên lửa chiến thuật tầm xa ATACMS, với tầm bắn lên đến 300km, hoàn toàn có thể vào sâu lãnh thổ của Nga [6]. Bên cạnh đó, Anh và Liên minh châu Âu tiếp tục cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine bằng những gói viện trợ vũ khí quân sự.
Có thể nói, hiện chưa có một kịch bản khả thi nào đưa Nga và Ukraine đến thoả thuận ngừng bắn và ngồi vào bàn đàm phán. Các quốc gia phương Tây dường như muốn cuộc xung đột càng kéo dài, càng có lợi cho mặt trận chống Nga. Việc không ngừng cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine và trừng phạt Nga trên bình diện kinh tế không ngoài mục đích đó. Mặc dù vậy, trước áp lực lạm phát và tình trạng bất ổn kéo dài ngày càng gia tăng, đặc biệt mùa đông đang đến dần sẽ là thời gian thử thách sự ủng hộ của châu Âu với Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài này.
- 4 vùng Ukraine trưng cầu sáp nhập Nga
Các quan chức thân Nga ở vùng Donetsk, Lugansk ở miền đông Ukraine và Kherson, Zaporizhzhia ở miền nam thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập Nga vào ngày 23-27/9. Ngay sau khi có thông báo, Ukraine đã tuyên bố phản đối việc trung cầu dân ý. Mỹ cùng các đồng minh phản đối việc 4 vùng ở Ukraine thông báo kế hoạch trưng cầu dân ý sáp nhập Nga, tuyên bố họ không bao giờ công nhận kết quả.
Nga đã kiểm soát Kherson và phần lớn Zaporizhzhia từ hồi tháng 3. Phe ly khai thân Nga kiểm soát 60% diện tích Donetsk và toàn bộ tỉnh Lugansk. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine đang tiến hành chiến dịch phản công vào Lugansk và tuyên bố đã giành lại một làng nhỏ tại đây.
Tài liệu tham khảo:
1. Anadolu Agency (2022). Workers stage strikes across Europe amid rising cost of living
2. ECB (2022). Monetary policy decisions.
3. Eurostat (2022). Euroindicators: August 2022.
4. Financial Times (2022). European metals industry warns of ‘existential threat’
5. Jeffrey Sonnenfeld (2022). How the Russian Oil Price Cap Will Work. Foreign Policy.
6. Reuters (2022). Russia says longer-range U.S. missiles for Kyiv would cross red line
7. Sam Meredith (2022). Russia has cut off gas supplies to Europe indefinitely. CNBC.
8. The Guardian (2022). Thousands gather at ‘Czech Republic First’ rally over energy crisis
9. Time (2022). Queen Elizabeth II's Death Is a Chance to Examine the Present-Day Effects of Britain's Colonial Past.