Báo cáo tình hình Liên minh Châu Âu Tháng 11/2022

21/11/2022

  1. Các vấn đề về kinh tế - xã hội – chính trị:
  • Lạm phát tiếp tục lập kỷ lục trong tháng 10:

Vấn đề về lạm phát tiếp tục là mối lo chính, đẩy các nước khu vực Eurozone vào thế tiến thoái lưỡng nan khi Chính phủ các nước vừa phải đối mặt với áp lực tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát trong khi nền kinh tế vốn vừa vực dậy yếu ớt sau khủng hoảng kinh tế hậu Covid.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) công bố hôm 31/10, lạm phát ở khu vực Eurozone tăng lên mức kỷ lục 10.7% trong tháng 10, từ mức 9.9% trong tháng 9, ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất 25 năm qua (từ 1997 đến nay). Con số lạm phát này cao hơn nhiều so với các dự báo trước đây. Đối với các quốc gia thành niên, có 11 trên 19 nước ghi nhận lạm phát ở mức hai con số, cao nhất là Estonia (22,4%), Lithuania (22%) và Latvia (21,8%). Ba nước lạm phát thấp nhất là Pháp (7,1%), Tây Ban Nha (7,3%) và Malta (7,5%). Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức ghi nhận lạm phát tháng 10 là 11,6%, tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1951[1].

Tác nhân chính dẫn đến lạm phát phi mã là giá cả năng lượng tăng cao trong tháng 10, cao hơn 41,9% so với cùng kỳ 2021, trong khi giá thực phẩm tăng 13,1%. Lạm phát cốt lõi - không bao gồm nhiên liệu - cũng tăng lên 5%, từ mức 4,8% trong tháng 9. Cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa đến hồi kết khiến cho tương lai nền kinh tế các nước châu Âu nói chung trở nên khó đoán định. Với việc mùa đông đang đến gần và nhu cầu sử dụng nhiều khí đốt sẽ tăng lên, nền kinh tế châu Âu sẽ đối mặt với áp lực thu hẹp khả năngphục hồi, đặc biệt trong bối cảnh những diễn biến trong chiến sự Nga-Ukraine ngày càng khó kiểm soát.

  • Bất ổn xã hội dưới áp lực lạm phát và khan hiếm năng lượng vào mùa đông:

Sau 9 tháng chiến sự giữa Nga – Ukraine nổ ra, hiện nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu chỉ còn ở mức tối thiểu. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, châu Âu đã tích trữ đủ năng lượng dùng cho mùa đông năm nay nhưng kèm theo đó là giá cả nhập khẩu tăng phi mã và việc tìm đối tác cung cấp cho những năm tới vẫn gặp nhiều khó khăn.

Hôm 18/10, hơn 100 ngàn người đã xuống đường biểu tình khắp nước Pháp nhằm yêu cầu Chính phủ tăng lương trong bối cảnh lạm phát gia tăng và giá cả năng lược tăng cao. Nhiều cuộc biểu tình của người dân đã đụng độ bạo lực với cảnh sát, đập phá nhà cửa, cửa hàng. Song song với đó, các nhóm giáo viên, nhân viên đường sắt và y tế cũng đã xuống đường tuần hành làm trầm trọng thêm những bất ổn xã hội của quốc gia này. Trong khi đó, nhiều công nhân tại các nhà máy lọc dầu lớn đã đình công, càng làm tình trạng thiếu xăng dầu trở nên nghiêm trọng. Theo đó, khoảng 28% trạm xăng trên cả nước Pháp đã phải đóng cửa vì hết nhiên liệu [2]. Tại Đức, hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường tại các thành phố như Berlin, Potsdam, Leipzig trong tháng 10 nhằm gây áp lực lên Chính phủ phải thiết lập trần giá điện, hỗ trợ tài chính hơn nữa cho các gia đình dễ bị tổn thương. Trong đó, nhiều nhóm biểu tình nhằm phản đổi việc Đức chuyển giao vũ khí cho Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga [3]. Xu hướng biểu tình lan sang cả các quốc gia Đông Âu như Romania, Séc hay Nam Âu như Ý. Theo đó, nguồn nhập khẩu khí đốt từ Nga sang EU hiện chỉ chiếm còn 9% so với mức 40% trước khi xâm lược Ukraine và nhập khẩu dầu thô Nga của EU cũng đã giảm 33% trước thời hạn lệnh cấm vận dầu thô Nga có hiệu lực vào tháng 12 [4].

Dù thế nào thì tương lai an ninh năng lượng châu Âu sẽ tiếp tục bị đe doạ trong những năm tới và hiện tại giá năng lượng tăng phi mã ở châu Âu đặt gánh nặng trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Khả năng cúp điện hay chia khẩu phần khí đốt vẫn còn trong những tháng sắp tới nếu xảy ra thêm những cú sốc nguồn cung mới hoặc mùa đông lạnh giá hơn bình thường. Những kế hoạch tiết kiệm năng lượng cho người dân đã được Chính phủ thông báo tới các hộ gia đình. Đối với các nhà máy tại châu Âu (thép, phân bón, kim loại) hiện đang bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt tăng cao và đứng trước nguy cơ cắt giảm sản lượng, thậm chí là đóng cửa.

  1. Xung quanh tình hình chiến sự Nga – Ukraine

Ngay sau khi Nga huy động 300.000 quân dự bị cho chiến sự cũng như Quốc hội Nga thông qua văn kiện sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine, EU đã ngay lập tức thông qua gói trừng phạt thứ 8 với Nga nhằm trả đũa [5]. Theo đó, gói trừng phạt đã được đưa vào Luật của EU, nhằm làm cơ sở áp giá trần đối với dầu mỏ Nga. Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng gia hạn lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Nga. EU cũng áp nhiều hạn chế lên các sản phẩm khác từ Nga như thuốc lá, mỹ phẩm, giấy, bột gỗ, các nguyên liệu…và đặc biệt, gói trừng phạt nhắm vào các quan chức phía Nga, những người liên quan đến kế hoạch trưng cầu dân ý ở Ukraine nhằm sáp nhập 4 tỉnh về Nga. Phạm vi địa lý áp dụng các biện pháp trừng phạt được đưa ra từ ngày 23/2 – đặc biệt bao gồm lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ các khu vực không do chính phủ (Kiev) kiểm soát ở Donetsk và Lugansk – sẽ được mở rộng để bao gồm cả các khu vực không do chính phủ kiểm soát ở Zaporozhye và Kherson.

  • Nguy cơ chiến sự leo thang nếu các bên không kiểm soát tốt tình hình:

Với những diễn biến khó lường trong thời gian gần đây, cả Nga, phương Tây, Ukraine đều đẩy tình hình lên mức căng thẳng hơn bao giờ hết, rủi ro Nga sử dụng vũ khí hạt nhận chiến thuật là có thật khi Tổng thống Putin đã tiên bố “Moscow sẽ sử dụng mọi phương tiện sẵn có nếu sự thống nhất lãnh thổ của Nga bị đe doạ. Nếu các bên không đánh giá đúng tình hình, chỉ một vụ nổ hạt nhân dù ở quy mô nhỏ cũng có thể khiến hàng nghìn người chết và để lại một khu vực không thể sinh sống trong nhiều năm. Đặc biệt khi vừa mới đây, vụ rơi tên lửa ở Ba Lan làm hai người Ba Lan chết đã đẩy sức nóng chiến sự trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Ba Lan ngay lập tức triệu tập đại sứ Nga, cân nhắc kích hoạt Điều 4 NATO nếu xác nhận đó là tên lửa từ phía Nga bắn sang. Tuy nhiên sau đó, Tổng thống Ba Lan cũng như Tổng thống Mỹ Biden đã lên tiếng xác nhận vụ tên lửa rơi có thể là tai nạn của phòng không Ukraine và nó “không chắc” được bắn từ Nga. Có thể thấy rằng, chỉ một tính toán sai lầm dù là nhỏ nhất cũng có thể làm leo thang chiến sự, xung đột có thể không chỉ dừng ở Nga – Ukraine mà hoàn toàn có thể chuyển sang sự đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

  • Đàm phán hoà bình là chưa thể xảy ra ở thời điểm hiện tại

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine mới đây tuyên bố Nga không thể đưa ra các quy tắc cho cuộc đàm phán giữa hai nước, thay vào đó Kiev nêu một loạt điều kiện để hai bên nối lại đối thoại: “Ngừng chiến tranh ngay lập tức, rút toàn bộ quân đội Nga, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bồi thường thiệt hại và đưa ra các đảm bảo hiệu quả về việc không lặp lại hành động xâm chiếm. Sẽ không thể đạt được hòa bình bền vững với bất kỳ điều kiện nào khác” [6]. Và ngày sau đó trong Thượng đỉnh G20, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã cho rằng các điều kiện mà Ukraine đưa ra cho việc khởi động đàm phán hòa bình với Nga là "phi thực tế và thiếu đầy đủ" và cho rằng Ukraine càng kéo dài việc bác bỏ đàm phán thì hai bên càng khó tìm được tiếng nói chung. Cùng với tình hình chiến sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mọi kịch bản dù là lạc quan nhất đều không thể diễn ra một cuộc hoà đàm giữa hai nước trong thời gian hiện tại.

  • Mỹ trừng phạt các thực thể bị cáo buộc giúp vận chuyển UAV của Iran cho Nga và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine:

Theo đó, Chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện đang đề nghị quốc hội Mỹ cân nhắc ngân sách 37,7 tỷ USD nhằm hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, với tình hình chính trị Mỹ khi Đảng Cộng hoà đã kiểm soát Hạ viện Mỹ thì các đề xuất của Tổng thống hoàn toàn có thể bị can thiệp, kiểm soát bằng cách cắt giảm viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Bên cạnh đó ngày 15/11, Mỹ đã áp trừng phạt đối với một số thực thể bị cáo buộc giúp vận chuyển máy bay không người lái (UAV) của Iran cho Nga sử dụng ở Ukraine. Quyết định của Mỹ được đưa ra sau khi giới chức Iran hồi đầu tháng 11 thừa nhận rằng, nước này đã vận chuyển máy bay không người lái cho Nga.

  • Ảnh hưởng của mùa Đông đến tình hình chiến sự:

Nhiều chuyên gia nhận định việc Nga trong thời gian qua dồn dập tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine là một lá bài chiến lược khi mùa đông lạnh giá sắp tới, Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai quân đội, gây áp lực, giảm tinh thần chiến đấu. Mùa đông sẽ làm thay đổi điều kiện tác chiến của lực lượng Nga và Ukraine. Những thay đổi về thời gian ngày - đêm, nhiệt độ và thời tiết sẽ mang đến những thách thức cho các binh sĩ từ cả 2 bên [7]. Ngoài vấn đề về điều kiện tác chiến, thời tiết lạnh giá có thể dưới 0 độ vào mùa đông có thể khiến cho các nỗ lực cứu chữa thương binh trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, các binh sĩ cũng bị gia tăng nguy cơ bị hạ thân nhiệt và bị bệnh vì lạnh giá.

  • GDP Nga liên tục đi xuống

Kinh tế Nga đã co lại 3 tháng liên tiếp, trong bối cảnh lạm phát cao và chịu sức ép từ hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Hôm 2/11, hãng thông tấn Nga Interfax trích số liệu mới nhất từ Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho biết trong tháng 9, GDP nước này giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này đã giảm 4% hồi tháng 8 và 4,3% tháng 7. Cũng theo bộ này, quy mô kinh tế Nga co lại 4,4% trong quý III sau khi giảm 4,1% quý II. Quý đầu năm, GDP nước này còn tăng 3,5% so với năm ngoái [8].

Người tiêu dùng Nga thì đang đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng do lạm phát hiện ở mức cao. Tháng trước, lạm phát tại Nga là 12,9%. Dù vậy, tốc độ này đang giảm dần từ 14,3% trong tháng 8, sau khi Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất để kiềm chế giá cả.

Nga luôn khẳng định nền kinh tế này đủ sức chống chịu các thách thức từ lệnh trừng phạt. Là nước xuất khẩu dầu khí lớn, họ đã tìm được cách duy trì nguồn thu từ năng lượng, khi chuyển hướng bán sản phẩm sang các đối tác ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.

Dù vậy, các tổ chức phương Tây như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) lại dự báo GDP Nga sụt giảm nghiêm trọng năm nay. Kịch bản tốt nhất là giảm 5,5% và tệ nhất là giảm gần 9%.

Tài liệu tham khảo:

[1] Eurostat (20220). Inflation in the euro area

[2] Le Monde with AFP (2022). Thousands strike in France for higher wages. Le Monde

[3] DW (2022). Thousands protest energy costs in German cities. DW

[4] Kadri Simson (2022). ‘Nothing is decided’: EU energy ministers clash over price cap on Russian gas

[5] European Commission (2022). Ukraine: EU agrees on eighth package of sanctions against Russia.

[6] Oleh Nikolenko (2022). “Spokesperson for the Ministry of Foreign Affairs of Ukraine said that Russia is “in no position” to be setting rules for negotiations”, CNN

[7] Helene Cooper, Eric Schmitt and Julian E. Barnes (2022). Winter Will Be a Major Factor in the Ukraine War, Officials Say

[8] Hà Thu (2022). GDP Nga liên tục đi xuống.



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com