CÁC SỰ KIỆN NỔI BẬT Ở CHÂU ÂU THÁNG 8/2024

03/09/2024

CÁC SỰ KIỆN NỔI BẬT Ở CHÂU ÂU THÁNG 8/2024

1. Chính trị & an ninh-quốc phòng Châu Âu:

  • Diễn biến mới trong xung đột ở Đông Âu: Quân đội Ukraine tấn công vào tỉnh Kursk (Nga)

Được bắt đầu vào ngày 6/8, cuộc tấn công vào vùng Kursk đánh dấu cuộc tấn công xuyên biên giới lớn nhất của Ukraine kể từ khi xung đột giữa hai nước nổ ra vào năm 2022. Cuộc tấn công táo bạo và đầy mạo hiểm của quân đội Ukraine tại tỉnh Kursk (Nga) đã trở thành một điểm nóng mới trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, khoảng 1.000 binh sĩ Ukraine cùng hàng chục thiết giáp đã tiến vào lãnh thổ Nga, tấn công tỉnh Kursk từ nhiều hướng khác nhau. Khác với những lần xâm nhập trước đây thường do các nhóm vũ trang thân Ukraine hoặc các đơn vị hoạt động ngầm thực hiện, lần này Kiev triển khai lực lượng chính quy, với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, pháo hạng nặng và thiết bị tác chiến điện tử hiện đại. Lực lượng Ukraine nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ Nga, chiếm giữ một phần khu vực phía Tây, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công vào các thị trấn gần biên giới.

Theo quyền thống đốc vùng Kursk Alexey Smirnov, tính đến ngày 12/8, Ukraine đã kiểm soát 28 khu định cư tại tỉnh này và lực lượng của Kiev đã tiến sâu 12 km vào lãnh thổ Nga. Các cuộc giao tranh lớn cũng nổ ra tại các khu vực chiến lược như thị trấn Sudzha – nơi vận chuyển khí đốt từ Nga sang Ukraine, cũng như gần thị trấn Korenevo và Martynovka.

Sau giai đoạn đầu bị bất ngờ, quân đội Nga đã tái tổ chức và bắt đầu phản công mạnh mẽ. Nga đã điều thêm quân tới khu vực Kursk và tiến hành các cuộc phản công bằng kết hợp nhiều hình thức, bao gồm không kích, pháo binh và sử dụng máy bay không người lái (UAV). Theo báo cáo từ Bộ Quốc phòng Nga, tính đến ngày 11/8, Ukraine đã mất hơn 1.350 binh sĩ và hàng trăm phương tiện quân sự trong các cuộc đụng độ ác liệt.

  • Gia tăng căng thẳng giữa Hungary và Ba Lan liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine

Mối quan hệ giữa Budapest và Warsaw xấu đi sau khi Hungary duy trì mối quan hệ gần gũi với Nga và quyết định chặn các khoản hỗ trợ từ EU cho các quốc gia cung cấp vũ khí cho Kiev. Căng thẳng gia tăng khi một chính phủ thân EU lên nắm quyền tại Ba Lan vào tháng 12 năm ngoái, chấm dứt giai đoạn hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia trong các vấn đề liên quan đến pháp quyền và quyền của người LGBT trong khuôn khổ EU.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Visegrad Insight, ông Sikorski chỉ trích Ngoại trưởng Szijjártó về việc thay đổi quan điểm về một cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng ngoại giao EU liên quan đến Ukraine. Ông Szijjártó đã phản bác và chỉ trích Sikorski “vượt qua giới hạn” với những lời cáo buộc này.

Cuộc tranh cãi càng trở nên gay gắt hơn khi Thủ tướng Hungary, Viktor Orbán, lên tiếng chỉ trích Ba Lan, cáo buộc nước này áp dụng “tiêu chuẩn kép” và mua dầu của Nga thông qua trung gian. Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Władysław Teofil Bartoszewski, đã phủ nhận các cáo buộc và đề xuất rằng Hungary nên rời khỏi các tổ chức phương Tây nếu không đồng tình với chính sách của họ.

Những căng thẳng này phản ánh sự phân rã sâu sắc trong EU về cách ứng phó với Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Trong khi Ba Lan và nhiều quốc gia châu Âu khác mạnh mẽ ủng hộ Ukraine, Hungary, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Orbán, lại giữ mối quan hệ gần gũi với Nga.

Trước đây, Ba Lan và Hungary từng có mối quan hệ chặt chẽ, đặc biệt trong các vấn đề như di cư và pháp quyền trong EU. Tuy nhiên, sự rạn nứt trong mối quan hệ này đã trở nên rõ ràng hơn kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi chính phủ thân EU của Thủ tướng Donald Tusk lên nắm quyền tại Warsaw.

Cuộc tranh cãi giữa hai quốc gia không chỉ làm nổi bật sự khác biệt trong quan điểm về cách ứng phó với Nga mà còn đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết và tương lai của EU trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.

  • Anh và Đức đàm phán để ký kết một thỏa thuận quốc phòng song phương

Ngày 28/8, Văn phòng Thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo rằng Anh và Đức đang tiến hành đàm phán để ký kết một thỏa thuận quốc phòng song phương, dự kiến hoàn tất vào đầu năm 2025. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ củng cố mối quan hệ giữa Anh và Đức, và được xây dựng dựa trên những cam kết hợp tác quốc phòng hiện có.

Theo Steffen Hebestreit, người phát ngôn của Chính phủ Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tổ chức các cuộc gặp gỡ với Starmer tại Berlin vào ngày 28/8, để thảo luận về các chính sách song phương, ngoại giao và các vấn đề liên quan đến kinh tế và châu Âu. Đặc biệt, hai bên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hiệp ước quốc phòng này trong bối cảnh Anh đang nỗ lực thiết lập mối quan hệ mới với châu Âu sau Brexit.

Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, nhóm đàm phán của Starmer sẽ dành sáu tháng tới để hoàn thiện các điều khoản của hiệp ước. Đảng Lao động Anh đã cam kết trong tuyên ngôn bầu cử của mình sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Đức, Pháp và các đối tác trong Lực lượng Viễn chinh Chung (JEF), đồng thời không có ý định quay trở lại thị trường chung châu Âu.

2. Kinh tế-xã hội & khoa học-công nghệ Châu Âu

  • Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục ảm đạm trong quý 2 năm 2024

Dù có nhiều nỗ lực phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột, nhưng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục ảm đạm trong quý 2 năm 2024. Đặc biệt, nền kinh tế Đức, quốc gia dẫn đầu trong Eurozone, vẫn rơi vào tình trạng trì trệ, điều này đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại về sự tụt hậu của kinh tế khu vực.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), GDP của 20 quốc gia sử dụng đồng euro chỉ tăng trưởng khiêm tốn 0,3% trong quý 2, cho thấy sự trì trệ kéo dài với mức tăng không đáng kể sau thời gian GDP gần như đứng yên ở ngưỡng 0%. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do lạm phát gia tăng, dẫn đến sức mua của người tiêu dùng bị suy giảm.

Trong khi đó, Tây Ban Nha tiếp tục thể hiện vai trò là động lực tăng trưởng với mức tăng trưởng 0,8%. Ngược lại, Pháp chỉ đạt mức tăng trưởng 0,3%, chủ yếu nhờ vào kim ngạch xuất khẩu tăng 0,6% và sự phục hồi trong đầu tư doanh nghiệp. Dù chi tiêu của người tiêu dùng nhìn chung ổn định, nhưng trong tháng 6, chỉ số này đã giảm 0,5%, chủ yếu do hộ gia đình tiêu thụ ít thực phẩm và năng lượng hơn.

Nền kinh tế Italia giảm nhẹ xuống 0,2%, nhưng tình hình vẫn khả quan hơn so với Đức, với GDP được thúc đẩy nhờ sản lượng chung tăng. Các lĩnh vực yếu hơn như nông nghiệp và đánh bắt cá gặp khó khăn do thời tiết khắc nghiệt.

Tình trạng trì trệ của Đức trở nên nghiêm trọng khi GDP quay trở lại mức quy thoái -0,1%, được coi là mắt xích yếu trong Eurozone. Các chuyên gia nhận định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tại Đức có thể kéo dài hơn dự đoán do các yếu tố bên ngoài và nội tại. Ngành công nghiệp - một trụ cột của nền kinh tế - đang gặp khó khăn khi đơn đặt hàng giảm và sản xuất đi xuống, chủ yếu do nhu cầu từ nước ngoài giảm.

Nền kinh tế châu Âu hiện đối mặt với nhiều thách thức, từ nhu cầu yếu, đầu tư thấp đến tình trạng doanh nghiệp giữ lao động nhiều hơn cần thiết. Tỷ lệ tiết kiệm cao ở Eurozone hiện là 14% thu nhập, cao hơn mức bình quân lịch sử, cho thấy tâm lý người tiêu dùng còn thấp.

Mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, từ mức 10,6% vào tháng 10-2022 xuống còn 2,5% vào tháng 6-2024, nhưng hoạt động xây dựng và đợt tăng giá nhà kéo dài nhiều năm đã bị kìm hãm. Theo ý kiến của một số nhà kinh tế, châu Âu phải đối mặt với những khó khăn dài hạn, bao gồm thuế suất cao và quy định nặng nề, làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP thực tế so với Mỹ.

Tại hội nghị ECB vào tháng 9 tới, các chính sách kinh tế tiếp theo đối với khu vực sẽ được quyết định, trong bối cảnh sự phục hồi vẫn dễ bị tổn thương trước những rủi ro từ căng thẳng thương mại và địa chính trị.

  • CEO Telegram bị bắt ở Pháp

Vào ngày 24/8, Pavel Durov, nhà sáng lập nền tảng nhắn tin Telegram, đã bị bắt tại Pháp do nền tảng này từ chối hợp tác với chính quyền trong việc ngăn chặn sự lan truyền nội dung khiêu dâm trẻ em, ma túy và hoạt động rửa tiền. Sau bốn ngày bị giam, ông được tại ngoại với điều kiện bảo lãnh 5,5 triệu USD, bị cấm xuất cảnh và đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến hoạt động bất hợp pháp trên ứng dụng.

Vụ bắt giữ này đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội, với nhiều người cho rằng đây là sự can thiệp thái quá của chính phủ. Cựu điệp viên Edward Snowden đã mô tả đây là “cuộc tấn công vào quyền cơ bản của con người về tự do ngôn luận”. Snowden nổi tiếng với những tiết lộ gây chấn động vào năm 2013 về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi thông tin cá nhân của người dân. Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao tại Citizen Lab thuộc Đại học Toronto John Scott-Railton nhận định vụ bắt giữ này tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại khi một CEO bị giam giữ vì nội dung mà người dùng chia sẻ trên nền tảng của mình.

Pavel Durov, 40 tuổi, đã sáng lập Telegram vào năm 2013 với mục tiêu tạo ra một hệ thống nhắn tin mã hóa, cho phép người dùng giao tiếp an toàn và riêng tư. Quan điểm này đã khiến chính phủ Nga không hài lòng, dẫn đến việc ông phải rời khỏi đất nước vào năm 2014. Telegram hiện có hơn 950 triệu người dùng và được định vị như “nơi trú ẩn cho ngôn luận tự do và an toàn”.

Tuy nhiên, tính năng bảo vệ danh tính trên Telegram cũng đã tạo điều kiện cho các nhóm lừa đảo và phần tử cực đoan hoạt động mà không bị giám sát. Liên minh châu Âu đã áp dụng nhiều chính sách nghiêm ngặt nhằm kiểm soát nội dung trên Telegram, yêu cầu nền tảng này phải tuân thủ các quy định. Năm 2022, EU đã thông qua Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, yêu cầu Telegram phải chủ động xử lý các nội dung gây hại và bất hợp pháp.

  • Thời tiết nắng nóng cực đoan ở Châu Âu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đầu tháng 8/2024 cho biết mỗi năm nắng nóng cực đoan khiến hơn 175.000 người tử vong tại châu Âu, nơi nhiệt độ đang tăng nhanh hơn phần còn lại của thế giới.

Nhiệt độ tại Châu Âu tăng nhanh gấp 2 lần so với mức trung bình toàn cầu. Số ca tử vong liên quan đến nắng nóng tại Châu Âu đã tăng 30% trong 20 năm qua.

---------------------

Nguồn tài liệu:

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/ukraine-dang-day-xa-hon-trien-vong-noi-lai-dam-phan-va-cham-dut-xung-dot--i740215/

https://baotintuc.vn/the-gioi/cang-thang-gia-tang-giua-hungary-va-ba-lan-ve-xung-dot-nga-ukraine-20240731233126553.htm

https://ria.ru/20240828/evropa-1968870636.html

https://vnexpress.net/tai-sao-vu-bat-ceo-telegram-tao-ra-lan-song-phan-ung-4786950.html

https://hanoimoi.vn/kinh-te-khu-vuc-dong-tien-chung-chau-au-eurozone-con-nhieu-con-gio-nguoc-673631.html

https://vtv.vn/the-gioi/nhiet-do-chau-au-tang-nhanh-hon-phan-con-lai-cua-the-gioi-20240809231804334.htm


Ban biên tập


Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com