Các sự kiện nổi bật ở Châu Âu tháng 1-2025

01/03/2025

1. Chính trị & an ninh-quốc phòng Châu Âu

●      Ba Lan đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên EU nửa đầu năm 2025

Nửa đầu năm 2025, Ba Lan chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU). Trong thời gian này, Ba Lan sẽ đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán và tổ chức các cuộc họp chính thức và hội nghị không chính thức của EU.

Nhiệm kỳ của Ba Lan diễn ra trong bối cảnh EU đối mặt với nhiều thách thức như xung đột Ukraine, khủng hoảng di cư, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và suy thoái kinh tế. Với phương châm “Security, Europe!” (An ninh, Châu Âu!), Ba Lan ưu tiên tăng cường quốc phòng, bảo vệ biên giới, an ninh kinh tế, năng lượng, y tế và nông nghiệp.

Về an ninh, Ba Lan thúc đẩy tăng chi tiêu quân sự, hợp tác với NATO và xây dựng hệ thống phòng thủ dọc biên giới với Belarus và Nga. Quốc gia này ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga và hỗ trợ Ukraine về quân sự, kinh tế, chính trị. Trong vấn đề di cư, Ba Lan kêu gọi kiểm soát biên giới hiệu quả hơn và giảm di cư bất hợp pháp.

Ngoài ra, nhiệm kỳ này tập trung vào an ninh kinh tế với mục tiêu mở rộng thị trường chung, giảm thủ tục hành chính và đảm bảo nguồn năng lượng ổn định, chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu từ Nga. Về nông nghiệp, Ba Lan muốn bảo vệ thu nhập của nông dân và đảm bảo tiêu chuẩn thực phẩm trong EU.

●      Đức và Pháp phản ứng mạnh mẽ với tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề Greenland

Chính phủ Đức và Pháp đã có phản ứng mạnh mẽ với tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sử dụng lực lượng quân sự hoặc các biện pháp kinh tế để kiểm soát Greenland sau khi tổng thống Mỹ đắc cử đề xuất sử dụng quân đội hoặc thuế quan để chiếm giữ hòn đảo thuộc quản lý của Đan Mạch.

Chủ tịch Chính phủ Đức Olaf Scholz nhấn mạnh rằng nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới là cơ sở của luật pháp quốc tế, và không một quốc gia nào, dù nhỏ hay mạnh, có quyền thay đổi biên giới bằng vũ lực. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot đồng tình, khẳng định Liên minh châu Âu sẽ bảo vệ biên giới chủ quyền của mình trước mọi mối đe dọa, dù là từ Mỹ. Tuy nhiên, ông Barrot cũng cho rằng khả năng Mỹ tấn công Greenland là điều khó xảy ra.

Trong khi đó, Đan Mạch bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Mỹ để giải quyết những lo ngại về an ninh đối với Greenland, nhưng từ chối bất kỳ sự đe dọa về quân sự hay ép buộc nào. Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen kêu gọi giảm nhiệt căng thẳng và khẳng định tương lai của Greenland thuộc về người dân của đảo này.

Đan Mạch kiên quyết bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào về việc bán Greenland. Greenland hiện là một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và có quyền tuyên bố độc lập thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Sự gia tăng sự quan tâm đến Greenland trong bối cảnh tình hình khí hậu thay đổi và các tuyến đường thương mại mới mở ra đã làm tăng tính chiến lược của khu vực này.

●      EU gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga đến tháng 7/2025

Ngày 27/1/2025, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm sáu tháng, đến ngày 31/7/2025, nhằm duy trì áp lực tài chính đối với Moskva trong bối cảnh cuộc xung đột với Ukraine vẫn tiếp diễn.

Lệnh trừng phạt, lần đầu tiên được áp dụng từ năm 2014 và mở rộng đáng kể kể từ tháng 2/2022, bao gồm một loạt biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế các nguồn thu tài chính và công nghệ của Nga. Cụ thể, EU tiếp tục duy trì lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và than đá từ Nga, hạn chế tiếp cận thị trường tài chính châu Âu, kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến, cùng với việc đình chỉ các hoạt động phát sóng của một số cơ quan truyền thông Nga. Ngoài ra, EU cũng tiếp tục đóng băng 210 tỷ euro tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương Nga.

Việc gia hạn lệnh trừng phạt là một phần trong chiến lược rộng hơn của EU nhằm hạn chế khả năng quân sự của Nga. Trong thời gian tới, EU dự kiến sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả của các biện pháp này và cân nhắc các bước đi tiếp theo để bảo vệ an ninh và ổn định khu vực.

●      Nga cảnh báo đáp trả lệnh trừng phạt mới của Mỹ

Ngày 10/1, Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, nhắm đến các tập đoàn dầu khí lớn, hệ thống vận chuyển và bảo hiểm hàng hải. Moskva tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả, đồng thời cảnh báo các lệnh trừng phạt này có thể gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu.

Gói trừng phạt lần này là đợt cấm vận lớn nhất từ trước đến nay đối với ngành năng lượng Nga. Hai tập đoàn dầu khí Gazprom Neft và Surgutneftegaz, cùng 183 tàu chở dầu bị đưa vào danh sách trừng phạt. Mỹ cũng siết chặt bảo hiểm hàng hải, cấm hai nhà cung cấp bảo hiểm lớn của Nga là Ingosstrakh và Alfastrakhovanie, gây khó khăn cho hoạt động vận chuyển dầu của nước này.

Ngoài ra, các công ty dịch vụ dầu khí của Mỹ được yêu cầu rút khỏi thị trường Nga trước ngày 27/2/2025, ảnh hưởng đến các dự án khai thác năng lượng quy mô lớn, đặc biệt tại Bắc Cực và ngoài khơi.

Nga ngay lập tức lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại do lệnh trừng phạt, đồng thời cáo buộc Washington cố tình làm suy yếu các doanh nghiệp Nga. Bất chấp sức ép từ phương Tây, chính quyền Nga tuyên bố Nga vẫn là một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực năng lượng quốc tế. Dù chịu áp lực từ các biện pháp trừng phạt, nền kinh tế Nga vẫn duy trì ổn định và tiếp tục phát triển, đồng thời sẵn sàng triển khai các biện pháp đối phó phù hợp với tình hình mới.

2. Kinh tế-xã hội & khoa học-công nghệ Châu Âu

●      Nga ngừng cung cấp khi đốt qua đường ống Ukraine

Vào ngày 1/1/2025, Nga thông báo ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Ukraine sau khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Gazprom và Naftogaz hết hạn và Ukraine từ chối gia hạn. Điều này đã làm dấy lên nhiều lo ngại về tác động đối với nền kinh tế châu Âu, mặc dù Liên minh châu Âu (EU) cho biết có thể xoay xở mà không cần khí đốt từ Nga qua Ukraine. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo việc cắt đứt nguồn cung khí đốt này có thể khiến giá năng lượng tăng cao hơn, đặc biệt tại các quốc gia như Áo, Hungary và Slovakia, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế trong khu vực.

Trước chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga cung cấp gần 40% khí đốt cho EU, chủ yếu qua các đường ống Nord Stream, Yamal-Europe, TurkStream và Urengoy Pomary Uzhgorod (UPU) qua Ukraine. Tuy nhiên, sau khi căng thẳng gia tăng do chiến sự, nhiều tuyến đường ống, đặc biệt là Nord Stream, đã dừng hoạt động, khiến EU phải tìm nguồn thay thế từ Na Uy và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar.

Dù khối EU đã giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, tuy nhiên việc ngừng trung chuyển qua Ukraine vẫn gây ảnh hưởng rõ rệt, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp và chi phí sinh hoạt. Theo ước tính, Slovakia có thể chịu thiệt hại khoảng 184 triệu USD do mất nguồn thu phí trung chuyển và phải trả mức giá cao hơn khi nhập khẩu LNG.

Một số quốc gia châu Âu đã có những biện pháp giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga. Các quốc gia như Áo, Slovakia và Italy đã tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các quốc gia khác như Azerbaijan và Algeria. Tuy nhiên, Moldova là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất nguồn cung khí đốt Nga qua Ukraine. Vùng ly khai Transnistria của Moldova, phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt Nga để sản xuất điện, đã không thể tiếp tục cung cấp điện cho các khu vực khác, khiến quốc gia này phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì thiếu năng lượng.

Mặc dù EU đã chuẩn bị cho tình huống này từ lâu và giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt, việc mất nguồn khí đốt qua Ukraine vẫn khiến chi phí năng lượng cao hơn và làm gia tăng gánh nặng đối với nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt.

●      ECB tiếp tục hạ thấp lãi suất trong tình hình lạm phát ở Đức gia tăng

Nền kinh tế châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức khi tăng trưởng chững lại, trong đó Đức - nền kinh tế đầu tàu của khu vực - rơi vào tình trạng trì trệ giữa áp lực lạm phát và bất ổn chính trị. Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã quyết định cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế, dù động thái này vẫn đi kèm với nhiều rủi ro.

Trong cuộc họp ngày 30/1/2025, ECB đã hạ lãi suất tiền gửi xuống còn 2,75%, đồng thời điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay cận biên nhằm kích thích tăng trưởng. Quyết định này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Đức tiếp tục suy yếu khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 2,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo 2,2% của tháng trước đó. Lạm phát lõi cũng tăng lên 3,1%, phản ánh áp lực giá cả ngày càng lớn trong lĩnh vực dịch vụ. Cùng lúc, hoạt động sản xuất của Đức suy giảm, niềm tin doanh nghiệp đi xuống, khiến nhiều tập đoàn lớn buộc phải cắt giảm nhân sự để ứng phó với tình hình khó khăn. Sự bất ổn trong liên minh cầm quyền, cùng với khả năng diễn ra bầu cử sớm vào tháng 2, cũng làm gia tăng lo ngại về môi trường đầu tư của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Trong khi đó, tình hình kinh tế của các quốc gia khác trong khu vực có sự phân hóa rõ rệt. Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận tăng trưởng khả quan nhờ sự phục hồi của ngành du lịch và chi tiêu công. Đan Mạch và Na Uy hưởng lợi từ ngành dược phẩm và khai thác khí đốt, trong khi Thụy Điển và Phần Lan lại gặp khó khăn do thu nhập thực tế giảm và thị trường nhà ở suy yếu. Điều này cho thấy bức tranh kinh tế châu Âu vẫn tồn tại nhiều điểm bất ổn, dù một số khu vực đang phục hồi khá tích cực.

Trước viễn cảnh tăng trưởng chậm lại nhưng lạm phát vẫn ở mức cao, ECB sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Dù dự báo ECB có thể tiếp tục hạ lãi suất từ 2-3 lần nữa trong năm 2025, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh rằng mọi quyết định sẽ phụ thuộc vào diễn biến thực tế của nền kinh tế. Trong khi đó, đồng euro tiếp tục chịu áp lực mất giá so với USD do kỳ vọng ECB sẽ nới lỏng chính sách mạnh tay hơn so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bối cảnh hiện tại đặt ra nhiều thách thức đối với kinh tế châu Âu, đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt từ các chính sách vĩ mô để vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa đảm bảo ổn định giá cả.

 

-------------------
Nguồn tài liệu:

https://nghiencuuchienluoc.org/ba-lan-co-the-lam-duoc-gi-trong-nhiem-ky-moi-chu-tich-hoi-dong-chau-au-2025/

https://www.theguardian.com/us-news/2025/jan/08/france-warns-trump-against-threatening-eu-sovereign-borders-greenland

https://www.reuters.com/world/europe/eu-expects-renew-russia-sanctions-after-hungarian-hold-up-2025-01-27

https://tass.com/politics/1897999

https://vneconomy.vn/lam-phat-o-duc-bat-ngo-leo-thang-ecb-gap-kho-ve-lai-suat.htm

https://www.ey.com/en_pl/insights/economic-analysis-team/ey-european-economic-outlook-january-2025


Ban biên tập


Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com