Báo cáo: Đánh giá tác động của xung đột quân sự Nga - Ukraine đến kinh tế thế giới và Việt Nam

10/03/2022

NHÓM NGHIÊN CỨU:

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng

TS. Hoàng Xuân Trung

TS. Nguyễn Bích Thuận

TS. Trần Đình Hưng

Th.S. Dương Thái Hậu

Tóm tắt: Ngày 24/02/2022, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra đã thổi bùng những rủi ro lớn hơn cho nền kinh tế thế giới vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau hai năm chống chọi với đại dịch. Hàng loạt lệnh trừng phạt được đưa ra nhằm trả đũa giữa các nước phương Tây và Nga trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang. Nền kinh tế thế giới ngay lập tức bị tác động tiêu cực với đà tăng phi mã của giá dầu, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, nguy cơ lạm phát tăng bất thường tại nhiều quốc gia, khiến cho triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023 giảm sút nghiêm trọng. Đối với kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng rõ ràng nhất là việc giá xăng dầu trong nước tăng vượt đỉnh lịch sử, kéo theo áp lực trực tiếp đến đà tăng lạm phát. Giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng trong lúc chi phí nguyên vật liệu đầu vào leo thang. Trong bối cảnh này, cần có biện pháp ứng phó kịp thời với sự gia tăng của giá năng lượng, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu; từ đó nhằm kiểm soát giá cả hàng hoá nói chung, tránh nguy cơ lạm phát kép. Ngoài ra, bên cạnh những tác động tiêu cực, cần theo dõi, nhận diện và tận dụng những cơ hội cho kinh tế trong nước có lợi thế về xuất khẩu hay đón các luồng đầu tư mới từ EU vào Việt Nam.

Từ khóa: xung đột Nga – Ukraine, lạm phát, lệnh trừng phạt

I. CÁC BIỆN PHÁP ĐỐI ĐẦU GIỮA NGA VÀ PHƯƠNG TÂY

Ngay sau khi xung đột quân sự Nga-Ukraine diễn ra, các nước phương Tây và Nga đã có hàng loạt các biện pháp trừng phạt, cấm vận lẫn nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế các quốc gia này nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

1) Trừng phạt hệ thống tài chính, ngân hàng

Ngày 26/02, có 7 ngân hàng của Nga đã bị Mỹ, Anh và EU loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Nga. Mỹ và EU cấm các tổ chức tài chính Nga chẳng hạn như Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện các giao dịch bằng đồng đô la Mỹ. Anh tuyên bố đóng băng toàn bộ tài sản đối với các ngân hàng của Nga, các lệnh cấm này để ngăn Nga bán ra khoảng 630 tỷ đô la Mỹ là khoản dự trữ ngoại hối của Nga. Các biện pháp trừng phạt khiến đồng Rúp rơi xuống mức kỷ lục. Nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt, tổng thống Nga cấm người dân chuyển tiền ra nước ngoài, các nhà xuất khẩu của Nga phải dự trữ 80% bằng đồng Rúp. Ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% để bù đắp nguy cơ đồng nội tệ mất giá và rủi ro về lạm phát [10]. Vì tầm quan trọng của Nga trong việc cung cấp khí đốt cho EU nên các ngân hàng như Sberbank và Gazprombank, là kênh thanh toán dầu và khí đốt của Nga không nằm trong danh sách bị trừng phạt. Điều này cũng thể hiện sự phụ thuộc của EU với khí đốt và dầu từ Nga.

Mỹ tuyên bố trừng phạt 20 cá nhân và công ty ở Belarus trong đó có 2 ngân hàng sở hữu nhà nước lớn của Belarus, 9 công ty quốc phòng của Belarus. Tại Châu Âu, Đức và Pháp tịch thu tài sản của nhiều quan chức, tỷ phú và công dân Nga. Đáp trả, Hạ viện Nga đã thông qua việc mở rộng các đạo luật trừng phạt với tất cả người nước ngoài xâm phạm lợi ích của người Nga, các biện pháp bao gồm lệnh cấm nhập cảnh vào Nga, tịch thu tài sản tại Nga, cấm giao dịch tài sản và đầu tư, đình chỉ hoạt động của các công ty nước ngoài

2) Cấm vận hàng không

Để trừng phạt Nga, EU đã thông báo bất kỳ máy bay nào do hãng hàng không Nga vận hành cũng sẽ bị cấm hạ cánh và cất cánh trên lãnh thổ của EU hoặc bay qua lãnh thổ của EU, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Mỹ và Canada cũng áp dụng biện pháp tương tự. Nga cũng thực hiện các lệnh cấm sử dụng không phận đối với 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có 27 quốc gia thuộc thành viên Liên minh Châu Âu [9].

3) Ngừng cung cấp dịch vụ

Hàng loạt các công ty đa quốc gia thông báo về việc đình chỉ chấm dứt công việc tại Nga, bao gồm Apple, Intel, Microsoft, ExxonMobil, Ford và nhiều công ty khác. Hai công ty thanh toán thẻ Visa và Mastercard đồng loạt ngừng hoạt động tại Nga vào ngày 5-3, nối tiếp các doanh nghiệp Mỹ đình chỉ hoạt động tại nước này do tình hình chiến sự tại Ukraine. Ngày 6/3, một số công ty lớn khác bao gồm nhà sản xuất giày thể thao Nike, nhà bán lẻ đồ nội thất gia đình của Thụy Điển IKEA và nhà sản xuất túi Herme của Pháp thông báo sẽ đóng cửa các cửa hàng và văn phòng đại diện do các hạn chế thương mại, khan hiếm nguồn cung cùng với áp lực chính trị tại Nga [7]. Công ty kiểm toán và tư vấn khổng lồ KPMG cho biết, các chi nhánh tại Nga và Belarus của họ sẽ rời khỏi mạng lưới KPMG, động thái này sẽ ảnh hưởng đến hơn 4.500 đối tác và nhân viên ở Nga và Belarus. PwC cũng cho biết rằng chi nhánh PwC Nga sẽ rời mạng lưới của mình. Công ty này đã hoạt động ở Nga hơn 30 năm và có 3.700 đối tác, nhân viên.

4) Cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga:

Ngày 8/3/2022 Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh cấm toàn bộ nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga [12]. Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong năm 2021, trung bình mỗi tháng, Mỹ nhập khẩu hơn 20,4 triệu thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Nga, chiếm 8% lượng nhập khẩu nhiên liệu dạng lỏng của Mỹ. Mỹ được coi là ít phụ thuộc vào năng lượng của Nga hơn so với châu Âu. Năm ngoái, trung bình, mỗi ngày châu Âu nhập khẩu khoảng 4,5 triệu thùng dầu từ Nga. Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt và 30% nhu cầu dầu mỏ cho châu Âu.

Tuy chưa ban hành một lệnh cấm vận như của Mỹ, nhưng chính phủ Anh tuyên bố sẽ giảm dần phụ thuộc vào năng lượng của Nga với kế hoạch giảm nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu của Nga trước cuối năm nay. Kế hoạch này giúp các doanh nghiệp và thị trường Anh có đủ thời gian tìm kiếm nguồn nhập khẩu thay thế.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga với các biện pháp như tìm nguồn cung thay thế, tăng cường dự trữ và cải thiện hiệu quả tiêu thụ năng lượng.

II. TÁC ĐỘNG NỔI BẬT TỚI KINH TẾ THẾ GIỚI

Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế của các nước trên thế giới. Các tác động bao gồm:

1) Giá năng lượng tăng cao

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, giá dầu thế giới tạo đáy vào tháng 4/2020 đã bật tăng trở lại cùng kì vọng nền kinh tế toàn cầu từng bước phục hồi dần. Giá dầu Brent đóng phiên ngày 03/01/2022 (giao tháng 03/2022) đạt 78,98 USD/thùng, đã tăng lên mức xấp xỉ 100 USD/thùng vào 23/02/2022, thời điểm trước ngày giao tranh Nga và Ukraine nổ ra. Trải qua hai tuần chiến sự, xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu thế giới vốn đang ở mức cao tiếp tục bật tăng gần 30% tiệm cận mốc 130 USD/thùng (phiên ngày 08/03/2022 cho dầu Brent giao tháng 05/2022) [5].

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 trên thế giới, cung cấp khoảng 1/10 lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu. Nền kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô [4]. Lĩnh vực này chiếm tới 60% giá trị xuất khẩu của Nga (số liệu năm 2019). Nga phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô để thu ngoại tệ, đặc biệt là dầu và khí đốt. Hơn nữa, chiến tranh xảy ra khi nguồn cung năng lượng châu Âu ở mức thấp, điều này càng làm tăng thêm sự biến động của thị trường. Nga xuất khẩu 4 triệu thùng/ngày sang các nước Tây Âu, chiếm khoảng 30% nhu cầu của lục địa này. Một nửa được vận chuyển bằng hai đường ống xuyên Belarus và Ukraine, và phần còn lại bằng đường biển. 

Châu Âu nhập khẩu gần 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, việc gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ khiến người dân Châu Âu thiếu nhiên liệu để sưởi ấm và phí sưởi ấm sẽ tăng cao. Ngày 7/3 Nga cảnh báo rằng Moscow có thể khóa van đường ống vận chuyển khí đốt sang Châu Âu nhằm đáp trả lại những biện pháp trừng phạt mà các bên áp lên nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa có quyết định nào liên quan tới việc khóa van và đường ống này vẫn đang hoạt động hết công suất.

2) Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đứt gãy

Chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với tình trạng đứt gãy nghiêm trọng và chi phí tăng cao khi ngành vận tải hàng không và đường biển bị tác động bởi các lệnh cấm. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng còn bị ảnh hưởng bởi việc vận chuyển bằng đường biển hay đường hàng không qua Nga và Ukraina đều đang gặp khó khăn. Trong khi một số cảng biển ở Ukraine là một trong những nơi trung chuyển hàng hoá quan trọng ở bờ biển Đen thì việc Nga tấn công các khu vực này sẽ khiến việc vận chuyển bị ngưng trệ trong một thời gian dài. Giao tranh ở gần cảng biển ở Ukraine khiến cho việc vận chuyển hàng hoá qua khu vực này trở nên rất nguy hiểm. Nhiều công ty vận tải đã tạm dừng các chuyến đi đến những cảng bị ảnh hưởng khiến cho chi phí bảo hiểm tăng vọt và chậm thời hạn giao hàng. Bên cạnh đường biển thì vận chuyển bằng đường bộ qua Nga cũng bị hạn chế. Cuối cùng, với việc trả đũa lại việc các nước EU cấm các hãng hàng không vào không phận khu vực này, Nga cũng đang cấm bay 36 nước, khiến cho việc vận chuyển bằng đường hàng không cũng bị gián đoạn. 

Do một số ngân hàng Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT, việc giao dịch giữa các doanh nghiệp nước ngoài với Nga trở nên khó khăn. Các doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian thích nghi hoặc tìm hệ thống khác nhằm thực hiện các giao dịch của mình. Trong khi đó, SWIFT được coi là một hệ thống tài chính ngân hàng với hệ thống bảo mật khá cao, chi phí rẻ…

3) Lạm phát gia tăng

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia của Anh, nếu giá dầu Brent đạt 120 USD/thùng, lạm phát trong khu vực đồng Euro sẽ đứng ở mức 3,6% vào cuối năm và ở Mỹ là 7% [11]. Trong trường hợp giá dầu tiếp tục tăng lên 140 USD/thùng, lạm phát tại khu vực đồng Euro sẽ là 5,5% vào năm 2022 và 2,1% vào năm 2023. Còn tại Mỹ, lạm phát sẽ ở mức trung bình 7,1% vào năm 2022 và 3,5% vào năm 2023.

Giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao sẽ dẫn đến lạm phát toàn cầu trong năm nay và có thể kéo dài đến hết năm 2023. Các dự báo trước đây của EIU cho thấy lạm phát toàn cầu ở mức 6% trong năm 2022, tuy nhiên, với ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt đã áp dụng, mốc đó dự kiến ​​sẽ bị vượt qua do giá hàng hóa tăng đột biến.

Hiện Nga là nhà sản xuất phân bón lớn trên thế giới với hơn 50 triệu tấn mỗi năm, chủ yếu là Kali, phân lân, các loại phân bón chứa nitơ, những loại chăm bón chính chăm sóc cho đất và cây trồng. Nga cũng chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại phân bón chính trên toàn cầu [10]. Với các lệnh cấm vận từ Mỹ, các nước EU lên Nga nói chung, thị trường phân bón toàn cầu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến tăng giá.

Lúa mì và ngô là nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Theo đó, Ukraine chiếm 16% lượng ngô thế giới và 12% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới, trong khi đó, Nga là nhà cung cấp lúa mì chiếm 17% kim ngạch thương mại toàn cầu [6]. Chỉ tính riêng thương mại lúa mì của Nga và Ukraine đã chiếm xấp xỉ 30% thương mại toàn cầu nên giá lúa mì trong thời gian qua đã tăng phi mã, áp lực rất lớn cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Có thể thấy, giá cả leo thang cũng khiến các ngân hàng trung ương phải có những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của mình để kiềm chế lạm phát. Hầu hết các nước đã có những kế hoạch thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát sau phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tuy vậy, lo ngại về tác động của xung đột Nga – Ukraine sẽ có thể khiến các nước phải điều chỉnh những kế hoạch này.

4) Tăng trưởng toàn cầu suy giảm

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia của Anh, tác động của cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm giảm tăng trưởng GDP toàn cầu khoảng -0,4% trong năm 2022, nếu cuộc chiến kéo dài có thể làm giảm GDP toàn cầu khoảng -1% năm 2023, tức là khoảng 1 nghìn tỷ USD, ngoài ra còn làm tăng lạm phát toàn cầu thêm 3% năm 2022 và 2% năm 2023.

Tác động kinh tế của cuộc xung đột sẽ được thấy chủ yếu ở Ukraine và Nga, khiến cả quốc gia này dự kiến sẽ trải qua những cuộc suy thoái mạnh trong năm nay. Những quốc gia Đông Âu có nhiều giao thương với Nga, như Lithuania và Latvia, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Trong khi đó, các nước châu Âu khác sẽ phải chịu một cú sốc về năng lượng, chuỗi cung ứng và thương mại. Theo đánh giá của EIU, dự báo tăng trưởng của châu Âu năm 2022 bị điều chỉnh xuống còn khoảng 2% so với dự báo trước đó là 3,9%. Tăng trưởng trong khu vực đồng Euro hiện dự kiến ​​sẽ ở mức 3,7% trong năm nay, từ mức dự báo trước đó là 4%. Các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều có thể bị sụt giảm -0,3% trong mức tăng trưởng vào năm 2022, xuống lần lượt là 3,8% và 4,7% [4].

III. TÁC ĐỘNG TỚI KINH TẾ VIỆT NAM

1) Tác động tiêu cực

Tác động lên Xuất nhập khẩu

Với việc hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, Việt Nam cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine. Cả hai đều là đối tác lâu năm của Việt Nam, trong đó tăng trưởng thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Liên bang Nga hai tháng đầu năm 2022 vẫn đạt 2 con số (xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga tăng 16.9% và nhập khẩu từ Nga tăng 35.8%) còn đối với Ukraine thì xuất khẩu sang Ukraine tăng 23%, nhập khẩu từ nước này giảm 35%. Tính đến cuối năm 2021, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và CH Liên bang Nga đạt khoảng 7,3 tỷ đô la Mỹ, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 4,5 tỷ đô la Mỹ. Với Ukraine, thương mại hai chiều mới đạt 720 triệu đô la Mỹ. Tức cả hai thị trường này chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 [1]. Tuy cả Nga và Ukraine đều không phải là đối tác lớn của Việt Nam, tác động trực tiếp từ căng thẳng 2 bên không ảnh hưởng quá lớn tới nước ta; tuy nhiên, những hệ lụy thì không thể tránh khỏi.

Áp lực lên lạm phát

Ảnh hưởng rõ rệt nhất là việc giá xăng dầu trong nước tăng cao đặt áp lực trực tiếp lên các doanh nghiệp vận tải và người dân, áp lực lớn đến lạm phát của Việt Nam vốn đang dần hiện hữu kể từ trước chiến sự Nga – Ukraine (khi giá dầu vẫn chưa vượt ngưỡng 100 USD/thùng). Việc điều hành giá cả và lạm phát trong thời gian tới là rất khó khăn vì rủi ro về giá dầu trên thế giới là rất lớn, ngoài ra, đây là lạm phát nhập khẩu, lạm phát chi phí đẩy và khó có thể kiểm soát được toàn diện.

Tác động lên hoạt động thanh toán với đối tác Nga

Ngay sau khi 7 ngân hàng của Nga bị trừng phạt bằng cách bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn hỏa tốc gửi các ngân hàng thương mại về yêu cầu rà soát các hoạt động thanh toán của các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Nga thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, cũng như báo cáo về tình hình hợp tác giữa bản thân các ngân hàng với thị trường Nga. Điều này được xem là rất quan trọng trong việc giúp các ngân hàng và doanh nghiệp phía Việt Nam chủ động trong việc giao dịch, thanh toán với đối tác Nga. Việc nhiều ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT trước mắt khiến các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa sang Nga gặp khó khăn khi thanh toán, đặc biệt với các doanh nghiệp đã giao hàng nhưng chưa nhận được tiền. Bên cạnh đó, việc đồng Rup mất giá như hiện tại sẽ làm giảm khả năng nhập khẩu của thị trường này.

Tác động đến giá vận chuyển của doanh nghiệp Xuất nhập khẩu

Đối với thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên. Với 13 Hiệp định FTA đang triển khai, Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế rất lớn. Mặc dù vậy, tình trạng giá dầu thế giới tăng phi mã từ đầu năm đến nay đã khiến giá vận chuyển leo thang, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng kịch bản đối phó với tình trạng giá vận chuyển tiếp tục tăng cao do diễn biến giá dầu, tình trạng thiếu tàu hay thiếu container vận chuyển chưa thể đáp ứng. Hiện tại, tất cả các cảng của Ukraine ở Biển Đen đều phải đóng cửa do tình trạng chiến tranh và một số hãng tàu cân nhắc dừng vận chuyển hàng đến và đi Nga do tình hình xung đột tiếp tục leo thang. Có thể nói, rất nhiều yếu tố bất lợi đang ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới mà doanh nghiệp Việt cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó.

Tác động đến các dự án dầu khí có sự tham gia của đối tác Nga

Bên cạnh tác động khá rõ ràng của xung đột Nga-Ukraine lên giá dầu, nguồn cung dầu khí, các lệnh trừng phạt lên Nga có thể gây ra những ảnh hưởng tiềm tàng đối với hoạt động của các dự án có hợp tác với Nga, chi tiết như phân tích tại Bảng dưới đây:

Bảng 1. Tác động của các lệnh trừng phạt đến các dự án dầu khí có sự tham gia của đối tác Nga

Lệnh trừng phạt

Rủi ro tiềm tàng đối với hoạt động của các dự án có phần vốn của Nga hoặc sử dụng thiết bị, dịch vụ từ Nga

Cấm huy động vốn tại thị trường trong nước: Mỹ, Anh

Đối với các Dự án có phần vốn của Nga: Các công ty Dầu khí Nga bị hạn chế tiếp cận vốn do không vay được tiền từ các ngân hàng lớn của Mỹ, Anh, v.v..

Phong tỏa tài sản của các cá nhân, tổ chức Nga tại các quốc gia: Mỹ, Anh, Thụy Sỹ, Pháp, Nhật.

Các công ty dầu khí Nga có thể bị cầm giữ vốn, giảm năng lực tài chính để duy trì hoạt động các dự án dầu khí.

Cấm hoạt động giao dịch tài chính: Mỹ tiếp tục cấm hoạt động giao dịch của 02 ngân hàng và 03 tổ chức tài chính lớn của Nga trên lãnh thổ Mỹ: Sberbank, VTBbank, Otkritie, Novikom và Sovcom

Mua bán hàng hóa thiết bị với Nga sẽ khó khăn trong thanh toán. Các công ty Nga không còn nguồn USD, GBP, EUR cho hoạt động góp vốn và thanh toán. Phát sinh chi phí và rủi ro an toàn trong thanh toán với các công ty, đối tác trong nước Nga.

Cấm vận thông qua loại việc loại bỏ một số ngân hàng Nga ra khỏi SWIFT

Thanh toán thông qua các ngân hàng bị loại khỏi SWIFT sẽ chậm hơn và phát sinh chi phí, thủ tục.

Cấm vận đối với việc xuất khẩu các thiết bị, công nghệ cao trong lĩnh vực Dầu khí     sang Nga.

Thiết bị và dịch vụ dầu khí từ Nga có thể bị tụt hậu công nghệ. 

Nguồn: Tập đoàn dầu khí Việt Nam

2) Tác động tích cực

Bên cạnh những tác động tiêu cực, một số lĩnh vực của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo Hiệp hội Thép thế giới (WSA), sản lượng sản xuất thép năm 2021 của Nga đạt khoảng 76 triệu tấn và Ukraine đạt 21.4 triệu tấn, đều là những nước có sản lượng sản xuất thép hàng năm và xuất khẩu lớn hàng đầu thế giới [14]. Với thị trường EU, Nga là nhà xuất khẩu lớn thứ hai và Ukraine là nhà xuất khẩu đứng thứ sáu (năm 2020) cho các sản phẩm thép với tổng tỉ trọng khoảng 20,8% (năm 2020) tổng lượng thép nhập khẩu của EU [13]. Đối với Việt Nam, EU là thị trường lớn thứ ba trong top các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam, chiếm 13% tỷ trọng (khoảng 1,6 triệu tấn). Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngành thép Việt Nam đã chứng kiến những tiến bộ lớn và sản lượng thép xuất khẩu sang thị trường EU tăng dần đều.

Với cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, trong kịch bản Nga vẫn tiếp tục bị cấm vận và ngành thép của Nga không thể xuất khẩu sang EU cũng như ngành công nghiệp luyện thép của Ukraine bị ngừng trệ thì Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc nâng cao tỷ trọng xuất khẩu thép sang thị trường EU. Có thể nói, xuất khẩu thép là một trong những ngành được hưởng lợi lớn trong giai đoạn hiện tại, cùng với giá thép thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch, nhu cầu sản xuất, xây dựng sử dụng sản phẩm từ thép ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp lớn sản xuất và xuất khẩu thép từ Việt Nam sang EU có thể được hưởng lợi nếu bắt kịp cơ hội như: Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim.

Tương tự như vậy, nhóm ngành hàng hóa như nhôm và phân bón có thể là đối tượng được hưởng lợi chính do Nga là nhà cung cấp thép, kim loại và phân bón lớn hàng đầu thế giới. Các lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu của Nga có thể làm tăng giá hàng hóa trong ngắn hạn, có tác động tích cực đối các nhà sản xuất ở Việt Nam.

Xuất khẩu cá tra là một trong những ngành có thể hưởng lợi thế của Việt Nam. Cụ thể, EU hiện đang nhập khẩu 160.000 tấn cá minh thái từ Nga mỗi năm, chiếm khoảng 19% tổng nhập khẩu cá minh thái sang EU [3]. Đây được xem là loại sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với cá tra của Việt Nam tại thị trường EU, có thể thay thế lẫn nhau. Ngược lại, EU hiện là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ tư của Việt Nam năm vừa qua. Nếu tận dụng tốt cơ hội này cùng hiệu quả của Hiệp định EVFTA, ngành cá tra Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU trong bối cảnh EU tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt, cấm nhập khẩu hàng hóa từ Nga.

Kết luận: Sự bùng phát của xung đột Nga - Ukraine làm gia tăng thêm những thách thức đến kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, vốn vẫn đang trải qua quá trình chống đỡ và phục hồi sau đại dịch COVID-19 và hàng loạt những khó khăn khác về nguy cơ lạm phát, nợ công. Đối với Việt Nam, ứng phó với sự gia tăng của giá năng lượng, cụ thể là giá xăng dầu trong nước là một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lạm phát kép, chủ động lên các kịch bản ứng phó với giá nguyên vật liệu tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn chưa thể khôi phục hoàn toàn, không để bị động. Ngoài ra, tích cực rà soát các dự án hợp tác với đối tác Nga, đặc biệt là các dự án hợp tác dầu khí nhằm có giải pháp xử lý các rủi ro tiềm tàng trong lúc Nga đang bị phương Tây cấm vận.

Mặc dù khó khăn là hiện hữu, nhưng cần theo dõi, kịp thời nhận diện và tận dụng những cơ hội có lợi cho kinh tế đất nước như xuất khẩu các mặt hàng là thế mạnh ra thị trường thế giới trong bối cảnh nguồn cung trên toàn cầu bị thắt chặt.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Diệu Linh (2022). Xung đột Nga - Ukraine sẽ tác động lâu dài đến xuất nhập khẩu. Thời báo Tài chính Việt Nam [Online] Xem tại: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xung-dot-nga-ukraine-se-tac-dong-lau-dai-den-xuat-nhap-khau-101249.html [Ngày truy cập 09/03/2022]

2. EIU (2022). Global economic implications of the Russia-Ukraine war. [Online] Xem tại: https://www.eiu.com/n/global-economic-implications-of-the-russia-ukraine-war/

3. Dominic Welling (2022). Russia-Ukraine crisis: Trade sanctions would have ‘major disruptive’ consequences for EU pollock, cod market. [Online] Xem tại: https://www.intrafish.com/markets/russia-ukraine-crisis-trade-sanctions-would-have-major-disruptive-consequences-for-eu-pollock-cod-market/2-1-1174182 [Ngày truy cập 09/03/2022]

4. IEA (2022), Russian supplies to global energy markets, IEA, Paris. [Online] Xem tại: https://www.iea.org/reports/russian-supplies-to-global-energy-markets [Ngày truy cập 09/03/2022]

5. Investing (2022). Tổng quan Hợp đồng Tương lai Dầu Brent. [Online] Xem tại: https://vn.investing.com/commodities/brent-oil [Ngày truy cập 08/03/2022]

6. Karen Braun (2022). Column: Concerns rise over Black Sea spring crops amid Russia-Ukraine war. [Online] Xem tại: https://www.reuters.com/markets/commodities/concerns-rise-over-black-sea-spring-crops-amid-russia-ukraine-war-2022-03-01/ [Ngày truy cập 06/03/2022]

7. Kate Gibson và Irina Ivanova (2022). These are the corporations that have pulled out of Russia since its invasion of Ukraine. CNBC. [Online] Xem tại: https://www.cbsnews.com/news/russia-corporations-pull-out-ukraine-invasion/ [Ngày truy cập 09/03/2022]

8. Reuters (2022). Russian central bank hikes rate to 20% in emergency move, tells firms to sell FX. [Online] Xem tại: https://www.reuters.com/business/finance/russia-hikes-key-rate-20-tells-companies-sell-fx-2022-02-28/ . [Ngày truy cập 08/03/2022]

9. Reuters (2022). Russian flights bans hit airlines from 36 countries - aviation authority. [Online] Xem tại: https://www.reuters.com/business/aerospace-defense/russia-imposes-sweeping-flight-bans-airlines-36-countries-2022-02-28/ [Ngày truy cập 08/03/2022]

10. Reuters (2022). Russian ministry recommends fertiliser producers halt exports. [Online] Xem tại: https://www.reuters.com/article/ukraine-crisis-russia-fertilizers-idINL2N2V71JG  [Ngày truy cập 06/03/2022]

11. Stephane Monier (2022). La guerre en Ukraine, un tournant radical pour les perspectives économiques et énergétiques. [Online] Xem tại: https://www.lombardodier.com/fr/contents/corporate-news/investment-insights/2022/march/war-in-ukraine-triggers-radical.html. [Ngày truy cập 09/03/2022]

12. The White House (2022). FACT SHEET: United States Bans Imports of Russian Oil, Liquefied Natural Gas, and Coal. [Online] Xem tại: https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/03/08/fact-sheet-united-states-bans-imports-of-russian-oil-liquefied-natural-gas-and-coal/ [Ngày truy cập 08/03/2022]

13.WSA (2021). Steel in figures 2021. [Online] Xem tại: https://aceroplatea.es/docs/European-Steel-in-Figures-2021.pdf [Ngày truy cập 06/03/2022]

14. WSA (2022). Total production of crude steel (World total 2021). [Online] Xem tại: https://worldsteel.org/steel-by-topic/statistics/annual-production-steel-data/P1_crude_steel_total_pub/CHN/IND. [Ngày truy cập 06/03/2022]



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com