Tiền thân của Viện Nghiên cứu Châu Âu ngày nay là Trung tâm Nghiên cứu SNG và Đông Âu thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia. Qua gần 30 năm hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu SNG và Đông Âu đã lần lượt được đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu và Viện Nghiên cứu Châu Âu.
Quá trình xây dựng và trưởng thành của Viện đến nay trải qua 3 thời kỳ cơ bản sau đây:
- Thời kỳ 1993-1998
Trung tâm Nghiên cứu SNG và Đông Âu là tiền thân của Viện Nghiên cứu Châu Âu ngày nay. Trung tâm Nghiên cứu SNG và Đông Âu đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 466/TTg ngày 13/9/1993. Trung tâm Nghiên cứu SNG và Đông Âu thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn của các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và các nước Đông Âu nhằm cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước, phục vụ nhu cầu hiểu biết xã hội về các nước SNG và Đông Âu.
- Thời kỳ 1998-2005
Để đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ nghiên cứu trong tình hình mới, ngày 05 tháng 3 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 56/1998/QĐ-TTg đổi tên Trung tâm Nghiên cứu SNG và Đông Âu thành Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu. Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu có nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn của các nước và tổ chức khu vực Châu Âu nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho các cơ quan, phục vụ việc hoạch định các chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, phục vụ nhu cầu hiểu biết xã hội về Châu Âu. Cùng với Quyết định số 56/1998/QĐ-TTg, phạm vi nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu không còn bó hẹp trong phạm vi các nước SNG và Đông Âu mà đã mở rộng ra toàn Châu Âu.
- Thời kỳ 2005 đến nay
Năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu được đổi tên thành Viện Nghiên cứu Châu Âu theo Quyết định số 987/QĐ-KHXH ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Năm 2012, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ. Cùng với đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có Quyết định số 267/QĐ-KHXH ngày 27 tháng 02 năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Châu Âu.
Năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn theo Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 và Viện Nghiên cứu Châu Âu hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ mới cùng với quá trình sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Quyết định số 119/QĐ ngày 31 tháng 1 năm 2018 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Viện về cơ bản được duy trì và không có nhiều thay đổi so với Quyết định Quyết định số 267/QĐ-KHXH ngày 27 tháng 02 năm 2013.
Năm 2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu Châu Âu theo Quyết đinh số 1203/QĐ-KHXH ngày 08 tháng 9 năm 2021 thay thế các Quyết định số 119/QĐ-KHXH ngày 30 tháng 01 năm 2018 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Châu Âu và Quyết định số 382/QĐ-KHXH ngày 21 tháng 3 năm 2019 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu Châu Âu.
Viện Nghiên cứu Châu Âu có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội của các nước và tổ chức khu vực của Châu Âu nhằm cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về khoa học xã hội liên quan tới khu vực Châu Âu. Ngoài Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu là diễn đàn khoa học của ngành Châu Âu học và cơ quan ngôn luận của Viện. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động của Viện gồm 37 người, trong đó có 4 PGS, 9 tiến sĩ, 18 thạc sĩ, 5 cử nhân và 01 người lao động.
Từ năm 2002 đến nay, Viện Nghiên cứu Châu Âu đã và đang thực hiện nhiều hệ đề tài các cấp Nhà nước, nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ theo Nghị định thư, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted), đề tài cấp bộ, nhiều báo cáo thường niên và đề tài cấp Viện. Ngoài ra, Viện cũng đã có nhiều dự án hợp tác quốc tế với các đối tác chính như Viện Nghiên cứu Chính trị-xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Nga; Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga; Trường Đại học Naple Phương Đông, Italia (UNIOR); Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Italia; Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO); Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS), Đức; Quỹ Friedrich Naumann Foudation (FNF)….Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Châu Âu đã và đang khẳng định vị thế của cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín của Việt Nam về Châu Âu học.
Trên cơ sở các đề tài nghiên cứu của Viện và liên quan đến Viện, từ năm 1993 đến nay, các nhà khoa học đã và đang công tác tại Viện đã xuất bản được hơn 90 cuốn sách ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, Viện đã công bố hàng chục kỷ yếu hội thảo khoa học; cán bộ nghiên cứu của Viện công bố được hàng trăm bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Đặc biệt, từ năm 2015 trở lại đây, các nhà khoa học của Viện đã công bố các bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có uy tín trong danh mục ISI/Scopus. Các công trình nghiên cứu khoa học, sách và ấn phẩm do tập thể và các cá nhân trong đơn vị thực hiện và xuất bản có giá trị khoa học và thực tiễn cao, đóng góp thiết thực vào việc tạo dựng cơ sở khoa học cho quá trình hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo đại học, sau đại học.
Kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong lĩnh vực nghiên cứu châu Âu, thực hiện đào tạo sau đại học và tham gia phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao là một trong những chức năng và nhiệm vụ quan trọng của Viện Nghiên cứu Châu Âu. Nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện đã và đang tham gia giảng dạy đại học và sau đại học ở nhiều cơ sở đào tạo trong nước như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kinh tế, Khoa Lịch sử, Khoa Quốc tế học, ...), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Học viện Khoa học xã hội, Đại học Thái Nguyên, Khoa Luật - Đại học Vinh, Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học Đông Á, Đại học Đông Đô, Đại học Đại Nam, Đại học Trưng Vương v.v.
Các sản phẩm nghiên cứu của Viện được cán bộ của Viện tham gia đào tạo sử dụng làm tư liệu tham khảo cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh cho nhiều ngành khác nhau như Kinh tế Quốc tế, Quốc tế học, Luật học, Kinh tế học…. Đặc biệt, sau khi mã ngành Châu Âu học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo thí điểm (tháng 12/2012), với tư cách là bộ môn trực tiếp giúp Học viện Khoa học xã hội về công tác chuyên môn, Viện đã sử dụng các sản phẩm của các đề tài đã nghiệm thu để xây dựng đề cương, soạn thảo nội dung đào tạo, tổ chức viết giáo trình, tài liệu học tập cho học viên cao học.
Chính vì thế, nhiều năm Viện Nghiên cứu Châu Âu đã đạt được danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và được nhận Cờ thi đua cấp Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Năm 2012 Viện Nghiên cứu Châu Âu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Năm 2017, Viện Nghiên cứu Châu Âu được nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Năm 2013, Viện Nghiên cứu Châu Âu được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng Ba.
Website Viện Nghiên cứu Châu Âu