Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Pháp 2023: Hướng tới phát triển xanh và bền vững

07/07/2023

Chiều ngày 07/07/2023, Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Pháp 2023 với chủ đề “Hướng tới phát triển xanh và bền vững” do Trường Đại học Kinh tế, Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN cùng Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Pháp và Viện Nghiên cứu Châu Âu – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức đã thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Pháp 2023: Hướng tới phát triển xanh và bền vững

        Về phía các Bộ, ban, ngành: Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Lê Công Thành, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và nhiều vụ, viện, trường đại học trong và ngoài nước.

        Về phía trường có PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng, Ban chức năng, Trường ĐH Kinh tế, Khoa Quốc tế Pháp ngữ và các nhà khoa học của ĐHQGHN tham dự diễn đàn.

         Về phía Viện nghiên cứu châu Âu có PGS.TS.Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu, cùng cán bộ Viện.

                                                Toàn cảnh diễn đàn

         Phát biểu khai mạc Diễn đàn PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết: Diễn đàn được tổ chức nhằm tôn vinh mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, đồng thời là cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và học giả giao lưu, đề xuất các kế hoạch hơp tác sâu rộng, góp phần đưa quan hệ hai nước vươn tới một tầm cao mới, toàn diện, lâu dài. Đây là hoạt động có ý nghĩa nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Đại học Quốc gia Hà Nội luôn giữ một mối liên hệ mật thiết với nước Pháp. Chúng tôi đã học hỏi và nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhà giáo dục và nhà khoa học Pháp. Dưới sự khuyến khích và bảo trợ của Chính phủ hai quốc gia, hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội hàng năm đều đã và đang xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các trường đại học, tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Pháp, từ đó tạo ra những cơ hội hợp tác, trao đổi và chia sẻ kiến thức, góp phần vào sự phát triển bền vững của cả hai bên. Có thể khẳng định rằng, Đại học Quốc gia Hà Nội, với nhân sự gần 4000 cán bộ, giảng viên, trong số đó có rất nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ và giảng viên đã từng sống, học tập và làm việc tại Pháp, với thế mạnh và đam mê về nghiên cứu và hợp tác quốc tế, đã và đang đóng góp quan trọng, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Pháp trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, khoa học công nghệ, đến văn hóa, giáo dục.

PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN

Theo ông Nicholas Warnery - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2022, kim ngạch thương mại 2 nước đã tăng gấp 5 lần và đạt 16 tỷ EUR. Tất cả các công ty lớn nhất của Pháp, cùng với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có mặt tại Việt Nam, trong khi ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam – trước hết là FPT và VinFast – đã hoạt động đầu tư tại Pháp.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp đổi mới danh mục đầu tư tại Việt Nam, trong đó ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng xanh, các-bon thấp, có sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, phát triển vốn tự nhiên; các dự án đầu tư ngoài việc đóng góp cho các mục tiêu phát triển gắn với các cam kết toàn cầu về khí hậu và môi trường.

Tính lũy kế đến hết Quý I/2023, các doanh nghiệp Pháp đã đầu tư hơn 3,8 tỷ USD thông qua 673 dự án trên lãnh thổ Việt Nam. Pháp hiện là quốc gia đầu tư nguồn vốn FDI lớn thứ 2 đến từ Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam. Điều đó khẳng định tầm quan trọng của quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai quốc gia.

         Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Pháp 2023 với 3 bài tham luận và phiên thảo luận bàn tròn. Ba bài tham luận với 3 chủ đề về Mối quan hệ kinh tế giữa Pháp và Việt Nam: Thách thức và triển vọng do ông Pierre Martin – Phó Trưởng Ban Kinh tế, Đại sứ quán Pháp trình bày; Chính sách tăng trưởng xanh của Pháp và gợi mở cho Việt Nam của PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu trình bày; Phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội trong môi trường giáo dục đại học được trình bày bởi ông Alexandre de Navailles – Tổng Giám đốc Trường Kinh doanh KEDGE (Pháp).

Phiên thảo luận bàn tròn có sự tham gia phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học Pháp và Việt Nam. Đó là ông Pierre Martin, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, bà Nguyễn Thị Thu Trang (Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI) và ông Thomas Honnet (Đại diện Hội Hữu nghị Pháp – Việt Nam) và một số đại diện doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.

Các khách mời, chuyên gia, nhà khoa học cả phía Việt Nam và Pháp cùng thảo luận, trao đổi tại Diễn đàn

Tại đây, các chuyên gia đã mang tới một số gợi mở chính sách cho Việt Nam từ nhiều bài học kinh nghiệm từ phía Pháp.đã mang tới một số gợi mở chính sách cho Việt Nam từ nhiều bài học kinh nghiệm từ phía Pháp.

Tại Diễn đàn, các khách mời, chuyên gia, nhà khoa học cả phía Việt Nam và Pháp cùng chia sẻ thông tin, phân tích về thực trạng và xu hướng phát triển trong quan hệ song phương Việt Nam – Pháp, đặc biệt về lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư. Một số gợi mở chính sách cho Việt Nam thông qua bài học kinh nghiệm từ phía Pháp đã được chia sẻ, tập trung vào chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông vận tải, ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp, hỗ trợ phát triển tài chính xanh, chuyển đổi việc làm trong nền kinh tế xanh…

Các đại biểu đánh giá, Diễn đàn là cầu nối cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và học giả giao lưu và trao đổi các sáng kiến, khai thác cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, góp phần tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện, bền vững trên nhiều lĩnh vực.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Pháp 2023 được kỳ vọng sẽ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, doanh nghiệp Pháp về phát triển xanh và bền vững, những vấn đề, cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang đối mặt. Từ đó giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục giữa Pháp và Việt Nam, hướng tới việc hoàn thiện một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam trong những năm tiếp theo. Trao đổi sinh viên với các trường Đại học Pháp cũng là ưu tiên hàng đầu của nhà trường, với rất nhiều lượt sinh viên Pháp học tập tại trường cũng như các sinh viên UEB trao đổi tại các trường đối tác Pháp.

 

 


Ban biên tập


Các tin khác:

Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com