Hội thảo "CBAM và doanh nghiệp Việt Nam: Thích ứng nền kinh tế xanh"

24/10/2024

Tiếp nối chuỗi hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Châu Âu và Quỹ FNF, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, sáng ngày 24 tháng 10 năm 2024, tại trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Âu tổ chức hội thảo với chủ đề: "CBAM và doanh nghiệp Việt Nam: Thích ứng nền kinh tế xanh".

Tham dự Hội thảo có Ông Lê Thanh Tùng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên Môi trường; Ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Xuân Hào, Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao; TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Liên đoàn thương mại và Công nghiệp VN (VCCI); Ông Nguyễn Cảnh Cường, Nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước Châu Âu; TS. Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Nguyên Môi trường; Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam (VSA); Bà Nguyễn Thị Hòa, Chánh văn phòng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam; Đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường

Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng. Hội thảo còn nhận được sự quan tâm tham dự của các nhà nghiên cứu, các cán bộ đến từ Viện NC Nam Á, Tây Á và Châu Phi, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Xã hội học. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các cán bộ đến từ Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Học viện kiểm sát, Trường Đại học kỹ thuật sư phạm Hưng Yên, … 

Về phía Viện Nghiên cứu Châu Âu có PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng; PGS.TS. Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng; PGS.TS. Nguyễn An Hà, Nguyên Viện trưởng; cùng toàn thể cán bộ của Viện Nghiên cứu Châu Âu.

Về phía đối tác, nhà tài trợ có Bà Lê Thị Thu Trang, Quản lý Dự án, Quỹ FNF, CHLB Đức tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu khẳng định“Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon - CBAM của EU không chỉ là biện pháp bảo vệ môi trường mà còn có vai trò thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững”. CBAM nhằm mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải carbon từ các sản phẩm nhập khẩu, khuyến khích các quốc gia và doanh nghiệp nâng cao tiêu chuẩn môi trường. Qua đó, nó không chỉ tạo ra một sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong EU mà còn thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ xanh và các phương pháp sản xuất bền vững trên toàn cầu. Việc triển khai CBAM sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài EU đầu tư vào năng lượng tái tạo và các quy trình sản xuất ít carbon hơn, góp phần tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững hơn. Đồng thời, cơ chế này cũng giúp người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về tác động môi trường của sản phẩm họ tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Chúng ta cần thảo luận sâu hơn về cách mà CBAM có thể được áp dụng một cách hiệu quả, những thách thức mà các quốc gia phải đối mặt, cũng như những giải pháp khả thi để đạt được mục tiêu chung của một nền kinh tế bền vững. Tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và các bạn tham dự trong buổi hội thảo hôm nay.

Chủ tọa: PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng

Hội thảo chia làm hai phiên chính:

Phiên 1: CBAM và Doanh nghiệp Việt Nam: Thích ứng với nền kinh tế xanh, với 4 tham luận chính: Tham luận 1 “Giới thiệu và tổng quan về Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon” do TS.Hồ Thanh Hương, Viện Nghiên cứu Châu Âu trình bày; Tham luận 2 “Xu hướng mở rộng của CBAM và các chính sách tương tự CBAM” do TS.Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, trình bày; Tham luận 3 “CBAM của EU: Những lưu ý với doanh nghiệp” do TS.Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, trình bày; Tham luận 4 “Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp đối với CBAM” do ThS.Nguyễn Hồng Loan và Phạm Phương Linh, Công ty CP Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), trình bày.

Phiên 2: là phiên thảo luận xung quanh chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm ứng phó với CBAM.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi và đón nhận những ý kiến của các đại biểu tham dự về các khuyến nghị và đề xuất đối với Việt Nam để giảm thiểu tác động tiêu cực và tối đa hóa các lợi ích của CBAM đối với chuyển dịch năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và phát triển cacbon thấp ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước Châu Âu, đã có những nhận định rất đáng chú ý về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Ông cho rằng CBAM không chỉ tạo ra những thách thức cho Việt Nam mà còn mở ra những cơ hội phát triển mới. Để tận dụng những cơ hội này, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược toàn diện. Điều này bao gồm: Thứ nhất, tập trung vào việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giảm thiểu phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và nâng cao hiệu suất năng lượng; Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp: Cung cấp các chính sách và chương trình hỗ trợ để doanh nghiệp có thể đầu tư vào công nghệ xanh, cải thiện quy trình sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh; Thứ ba, tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế để bảo vệ lợi ích của Việt Nam, đồng thời học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc ứng phó với CBAM. Ông nhấn mạnh rằng bằng cách làm chủ công nghệ và cải thiện quy trình sản xuất, Việt Nam có thể biến CBAM từ một thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường quốc tế mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

TS. Đinh Thị Ngọc Bích, Viện Nghiên cứu Châu Âu đã đưa ra những bình luận sâu sắc về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, nhấn mạnh sự quan trọng của nó trong bối cảnh phát triển bền vững của doanh nghiệp. TS đã chỉ ra ba điểm đáng chú ý: 1. Nhìn nhận CBAM dưới góc độ quản trị khí hậu: CBAM không chỉ là một công cụ kinh tế mà còn là một phần trong chiến lược quản trị khí hậu toàn cầu. Nó thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới những giải pháp bền vững hơn, đồng thời tạo ra áp lực buộc các quốc gia và doanh nghiệp phải giảm thiểu khí thải. Từ góc độ này, CBAM có thể được coi là một cách để đạt được các mục tiêu khí hậu dài hạn. 2. Mối liên hệ với các chương trình và khung chính sách khác: TS. Đinh Thị Ngọc Bích cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét CBAM trong bối cảnh rộng lớn hơn, bao gồm các chương trình chính sách khác liên quan đến môi trường và phát triển bền vững. Điều này có thể bao gồm các quy định về bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, và các sáng kiến khác nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh. 3. Thách thức trong việc thực thi: Cuối cùng, TS. Bích chỉ ra rằng việc thực thi CBAM thể gặp nhiều thách thức, từ vấn đề kỹ thuật cho đến sự đồng thuận chính trị. Việc đảm bảo rằng cơ chế này được áp dụng công bằng và hiệu quả sẽ là một bài toán khó, đặc biệt là trong bối cảnh khác biệt về mức độ phát triển và năng lực của các quốc gia.

Ông Hoàng Văn Tâm, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng thuộc Bộ Công thương, đã chia sẻ những nỗ lực của bộ trong việc xây dựng các cơ chế và chính sách liên quan đến quản lý phát thải khí nhà kính. Ông cho biết: Hiện nay, Bộ Công thương đã triển khai các quy định và cơ chế tính toán, kiểm định phát thải khí nhà kính, nhằm đảm bảo rằng hơn 1.800 doanh nghiệp thuộc sự quản lý của bộ đều có kế hoạch và biện pháp giảm thiểu khí thải. Điều này bao gồm cả các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn nhất của cả nước. Sự quản lý chặt chẽ này không chỉ giúp theo dõi và kiểm soát mức độ phát thải mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực, áp dụng công nghệ xanh và tuân thủ các yêu cầu từ cơ chế như CBAM. Các biện pháp này không chỉ là những bước đi cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh CBAM đang được triển khai.

Tại phiên thảo luận, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), đã nhấn mạnh vị thế của ngành thép Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong ASEAN. Ông cho biết, trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 3,1 triệu tấn thép sang châu Âu, đạt trị giá khoảng 2,4 tỷ đô la. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đang và sẽ có những tác động mạnh mẽ đến ngành thép Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU. Ông nêu rõ rằng CBAM sẽ dẫn đến việc tăng chi phí và tạo thêm gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp, liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và việc kiểm kê phát thải khí nhà kính.

Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng đã nhấn mạnh những kết quả tích cực của buổi thảo luận. Ông cho rằng hội thảo đã giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, cũng như tác động của việc thực hiện CBAM đến các doanh nghiệp trong các ngành như nhôm và thép. PGS. Thắng cũng chỉ ra rằng CBAM không chỉ là thách thức mà còn mở ra nhiều cơ hội trong quản trị môi trường cho Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp bền vững và cải thiện quy trình sản xuất. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các diễn giả và khách quý đã tham gia, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn tới Quỹ FNF, Cộng hòa Liên bang Đức đã tài trợ và đồng hành với Viện Nghiên cứu Châu Âu trong suốt thời gian qua. Ông cũng bày tỏ hy vọng về những hợp tác tốt đẹp giữa hai tổ chức trong tương lai, nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo:


Ban biên tập


Các tin khác:

Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com