Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của TS. Đặng Xuân Thanh - Chủ nhiệm chương trình; PGS.TS. Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Ngiên cứu Châu Âu; TS. Phí Vĩnh Tường - Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; Đại sứ, TS. Luận Thùy Dương, Đại sứ Nguyễn Đăng Quang, Đại sứ Trần Đức Mậu, TS. Lê Vĩnh Thắng - Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao, các đại diện đến từ Viện Quan hệ Quốc tế - Bộ Quốc Phòng, Học viện Ngoại giao, Vụ Chính sách đối ngoại - Bộ Ngoại giao, Viện Khoa học chiến lược lịch sử - Bộ Công an; TS. Vũ Thụy Trang - chủ nhiệm đề tài, cùng sự góp mặt của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động Viện Nghiên cứu Châu Âu và Viện Hàn lâm.
TS. Vũ Thuỵ Trang - chủ nhiệm đề tài, phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Thuỵ Trang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và SNG đã nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của các nhà nghiên cứu và các quý vị đại biểu. Đồng thời, TS. Vũ Thuỵ Trang nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo trong cục diện khu vực và thế giới hiện nay, nhấn mạnh rằng sự kiện này là cơ hội quý báu để các chuyên gia trao đổi và thảo luận về diễn tiến của trật tự Châu Âu và toàn cầu đến giữa thế kỷ XXI.
Trong buổi hội thảo có 5 tham luận được trình bày: 1. Tham luận của Đại sứ Nguyễn Đăng Quang – Nguyên Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) với chủ đề “Châu Âu trong tính toán chiến lược của Mỹ từ nay đến giữa XXI”; 2. Tham luận “Xu hướng vận động quan hệ EU-Mỹ và tác động đến các quan hệ chủ đạo trên thế giới từ nay đến giữa thế kỷ XXI” của TS. Nguyễn Hùng Vương, Đại học Đà Nẵng; 3. Tham luận “Châu Âu trong tính toán của Trung Quốc từ nay đến giữa thế kỷ XXI” của TS. Trần Thị Hải Yến, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; 4. Tham luận “Triển vọng phát triển của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) từ xung đột Nga-Ukraine” của TS. Đinh Lê Hồng Giang và TS. Đinh Mạnh Tuấn; 5.Tham luận “Dự báo một số kịch bản đối với khu vực Châu Âu thời gian tới” của TS. Nghiêm Tuấn Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới.
TS. Đặng Xuân Thanh - Chủ nhiệm chương trình, phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu. Đại sứ Nguyễn Đăng Quang - Nguyên Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) cho biết trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc kể từ sau thời điểm Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ Ukraine. Một thực tế địa chính trị mới đang hình thành, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược nhằm tiếp tục duy trì bá quyền của mình trên chính trường thế giới. Mỹ đẩy mạnh phong trào dân chủ, chủ trương không hành động một mình mà kết hợp với các đồng minh Châu Âu, làm mới các mối quan hệ với họ, đồng thời mở rộng hệ thống các đối tác chiến lược ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, để tạo dựng một liên minh toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Trong tương lai, Mỹ và các nước đồng minh Châu Âu tiếp tục gắn kết lợi ích chính trị-kinh tế với nhau nhằm đảm bảo các lợi ích chung.
Trong phần phát biểu của mình, TS. Trần Thị Hải Yến (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới), nhận định quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) đã chuyển đổi từ mô hình “can dự & hợp tác” thành mô hình “can dự & cạnh tranh”. Do đó, Bắc Kinh cũng có những điều chỉnh chiến lược trong việc duy trì những lợi ích của mình ở Châu Âu. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Châu Âu bao gồm việc gia tăng can dự thông qua các dự án phát triển kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển. Đồng thời, đẩy mạnh việc kiểm soát truyền thông và tiếp tục tiến hành các hoạt động “chia để trị” nhằm làm suy yếu sự đoàn kết nội bộ của khối EU.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Trần Đức Mậu cho rằng cục diện Châu Âu và trật tự thế giới có sự phụ thuộc đáng kể vào diễn biến và kết thúc của cuộc xung đột ở Ukraine. Châu Âu có thể rơi vào một thời kỳ bất định với những mâu thuẫn và phân tuyến dựa trên ý thức hệ mới. Đồng thời, chúng ta cũng phải chuẩn bị cho một mô hình cấu trúc trật tự thế giới mới, có thể khác xa với tư duy truyền thống hiện nay về các cực quyền lực.
Trong phiên bế mạc, TS. Đặng Xuân Thanh - Chủ nhiệm chương trình, đã tổng kết những kết quả quan trọng của hội thảo, chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến sự tham gia tích cực và những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, chuyên gia và nhà nghiên cứu, những người đã góp phần quan trọng vào thành công của hội thảo này.
Một số hình ảnh về Hội thảo