Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu: TS. Lê Vĩnh Thắng, Phó vụ trưởng, Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao; Ông Lê Minh Tâm, Ban Đối ngoại Trung ương; Ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán thương mại tại EU; GS.TS. Vũ Dương Huân, Học viện Ngoại giao; PGS.TS. Bùi Hồng Hạnh, Trưởng bộ môn Châu Âu học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trường Đại học KHXH&NV; PGS.TS. Đinh Công Tuấn, Nguyên Tổng biên tập, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu; TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Ấn Độ và Tây Nam Á; TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Về phía Viện Nghiên cứu Châu Âu có: PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; PGS.TS. Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; cùng sự tham gia các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Châu Âu; cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên trong và ngoài Viện Hàn lâm.
Thế giới bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21 đầy biến động và nhiều thách thức. Bối cảnh quốc tế và khu vực với một loạt vấn đề thách thức tới sự phát triển của mỗi quốc gia, khu vực từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung từ thời Tổng thống Donal Trump, sự trỗi dậy của Nga, Ấn Độ, những bất ổn ở châu Âu, châu Á, Bắc Phi - Trung Đông, những vấn đề toàn cầu nổi lên về biến đổi khí hậu, sự phát triển của khoa học công nghệ và CMCN 4.0, rồi dịch COVID-19 nổ ra….
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các quý vị đại biểu và nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo trong bối cảnh hiện nay. Ngày 24/2/2024 là tròn 2 năm khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Một mặt, các bên vẫn ở thế giằng co và chưa có triển vọng về đàm phán hòa bình. Mặt khác, phương Tây đang gia tăng sức ép lên Nga bằng các lệnh trừng phạt. Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine không chỉ tác động từ địa chính trị đến kinh tế, an ninh, quân sự sẽ là thách thức hàng đầu không chỉ LB Nga, Liên minh Châu Âu, thế giới, các khu vực và Việt Nam. Chính vì thế, Nga, EU đã và đang tiếp tục có những điều chỉnh chính sách nhằm ứng phó với những “bất ổn” do hệ quả của cuộc xung đột mang lại. Trong khuôn khổ của buổi hội thảo: Điều chỉnh một số chính sách của LB Nga, Liên minh Châu Âu sau 2 năm xung đột Nga – Ukraine: Những điều chỉnh chính sách của Nga, EU trong 2 năm xung đột là gì? Cục diện Châu Âu thay đổi như thế nào trong 2 năm xung đột vừa qua?; Dự báo của việc điều chỉnh chính sách của Nga, EU với cuộc xung đột ở Ukraine trong thời gian tới như thế nào?; Tác động của việc điều chỉnh chính sách của EU, Nga tới khu vực và Việt Nam
Phát biểu đề dẫn Hội thảo PGS.TS. Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết: Mâu thuẫn Nga- Ukraine ngày càng ra tăng kể từ sau khi Nga sáp nhập Crưm (2014), kéo theo Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2/2022. Hai bên, một bên là Mỹ, EU và các nước phương Tây, một bên là Nga đã không ngừng ban hành các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau. Điều này khiến cho quan hệ giữa Nga – EU, Nga – Mỹ, Nga – Anh, Nga - Ukraine… ngày càng xấu đi. Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khiến Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU) đoàn kết với nhau hơn khi quyết định cung cấp tài chính, tài trợ vũ khí cho Ukraine, gia tăng lệnh trừng phạt, từng bước thay thế nguồn năng lượng của Nga… tạo ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, đà tăng phi mã của giá dầu, làm rối loạn thị trường tài chính, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, nguy cơ lạm phát tăng bất thường tại nhiều quốc gia, khiến cho triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2 năm vừa qua giảm sút nghiêm trọng. Mặt khác, một số quốc gia có nguyện vọng gia nhập EU (Ukraine) và NATO (Thụy Điển, Phần Lan) khiến châu Âu đứng trước bài toán làm thế nào để cân bằng giữa việc đối phó với Nga, bảo vệ an ninh, các nguyên tắc của liên minh, và giữ cho châu Âu tránh khỏi cú sốc kinh tế-xã hội. Khả năng mở rộng nhanh chóng của EU và NATO có thể đẩy châu Âu đến bờ vực của một cuộc xung đột toàn diện. Việc tiếp tục đối đầu căng thẳng giữa Nga với Mỹ và EU có khả năng tạo ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở châu Âu.
Tại Hội thảo tập trung thảo luận 05 tham luận: 1. Cục diện Châu Âu sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, tác động và kiến nghị chính sách ( do PGS.TS. Đinh Công Tuấn – Nguyên TBT Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu trình bày); 2. Chính sách của Liên minh Châu Âu đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dưới tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine (2022-2024) (do PGS.TS. Bùi Hồng Hạnh – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày); 3. Vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu từ sau xung đột Nga – Ukraine: Trường hợp Ukraine (do Ths. Nguyễn Thanh Lan – Viện Nghiên cứu Châu Âu trình bày); 4. Nhận diện một số điều chỉnh cơ bản trong chính sách đối ngoại của LB Nga từ năm 2022 đến nay (do TS. Vũ Thụy Trang – Viện Nghiên cứu Châu Âu trình bày); 5. Điều chỉnh một số chính sách trong lĩnh vực kinh tế của Liên bang Nga từ sau xung đột Nga – Ukraine (do TS. Đinh Mạnh Tuấn – Viện Nghiên cứu Châu Âu trình bày).
Phát biểu tại Hội thảo GS.TS. Vũ Dương Huân, Học viện Ngoại giao, cho biết: Ngày 24/2/2022, Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Đông Ukraine nhằm đáp lại lời đề nghị hỗ trợ bảo đảm an ninh của lãnh đạo hai nước Cộng hòa tự xưng Donestsk (DPR) và Lugansk (LPR). Đến nay, mọi nỗ lực hòa giải đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa đạt kết quả. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về mọi mặt, cuộc xung đột còn kéo theo các biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga và Mỹ/phương Tây, tác động nghiêm trọng tới cục diện thế giới.
GS.TS. Vũ Dương Huân cho biết hiện nay, một số kịch bản được đưa ra đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kịch bản thứ nhất, giải quyết bằng quân sự. Kịch bản thứ hai, hai bên tiến tới đạt được một thỏa thuận hòa bình. Theo đó, xung đột sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình, mặc dù việc giải quyết là vô cùng khó khăn bởi hai nước vẫn cách xa nhau quan điểm về các điều khoản mà hai bên có thể chấp nhận được nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Kịch bản Nga rút quân đội khỏi Ukraine trong điều kiện Ukraine chấp nhận những vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập đã được một số nhà phân tích đưa ra, song điều này được cho là rất khó xảy đố. Kịch bản thứ ba, “đóng băng”, có thể nóng lên hoặc hạ nhiệt, tùy thuộc vào các yếu tố đòn bẩy. Tuy nhiên, nếu những kịch bản trên không thể xảy ra, Nga, Ukraine và phần còn lại của thế giới cần sự thỏa hiệp hoặc dùng những lực đẩy tác động từ bên ngoài để tạo lối thoát cho các bên.
Trao đổi tại Hội thảo PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện Nghiên cứu Châu Âu, nhận định: Trong tình hình hiện nay, xu thế về các liên minh liên kết kinh tế là trở nên phức tạp hơn, các mô hình toàn cầu hóa quen thuộc đang thay đổi. Ngay cả trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine vào năm 2022, nền kinh tế thế giới đã bị chia cắt bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau, các rào cản thương mại và đầu tư gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ tài nguyên và lời kêu gọi các công ty “rút lui”, “gần bờ, ” hoặc sản xuất “bạn bè”. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là Mỹ - Trung Quốc diễn ra gay gắt, đặc biệt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ, Trung Quốc có thể đứng đầu hai cực đối lập, hoặc có quan điểm khác nhau nhau trong một số lĩnh vực (công nghệ, tiền tệ, an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu…). Trong khi đó, một số nước, nhất là các cường quốc tầm trung, không muốn bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp, nên chọn lập trường không liên kết để tránh phải “chọn phe” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tập hợp thành một “nhóm nước thứ 3” tương đối trung lập với Mỹ và Trung Quốc. Xu hướng liên kết kinh tế và quan hệ quốc tế nói chung nêu trên tác động sâu sắc đến tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa, nhưng thế giới cũng không một lần nữa lâm vào Chiến tranh lạnh, do các quốc gia, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, hiện đã phụ thuộc lẫn nhau quá lớn về kinh tế.
Phát biểu tại Phiên Bế mạc, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, đã tóm tắt các kết quả đạt được của hội thảo, nêu những vấn đề cần tiếp tục làm rõ và trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực và đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã góp phần cho thành công của Hội thảo này.
Toàn cảnh Hội thảo