Hội thảo: “Nút thắt trong quản lý khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch ở một số địa phương Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

15/08/2024

Trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp Bộ: “Khai thác bền vững di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch: Kinh nghiệm của một số nước châu Âu và gợi mở cho Việt Nam” do PGS.TS.Đặng Thị Phương Hoa làm chủ nhiệm. Sáng ngày 15/8/2024, Viện Nghiên cứu Châu Âu tổ chức hội thảo với chủ đề: “Nút thắt trong quản lý khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch ở một số địa phương Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Tham dự Hội thảo có TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; TS. Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị du lịch và Ngôn ngữ quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS. Trần Đức Nguyên, Trưởng Khoa Di sản, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Quế Hương, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo; ThS. Lưu Thị Thu Thủy, Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; Các nhà nghiên cứu đến từ các Viện thuộc Viện Hàn lâm. Trường Đại học Văn hóa, cùng sự góp mặt của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động Viện Nghiên cứu Châu Âu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết quản lý khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch là một vấn đề quan trọng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách và luật lệ để bảo vệ di sản văn hóa, ví dụ như Công ước UNESCO về bảo tồn di sản văn hóa thế giới. Các nước như Italia, Pháp và Nhật Bản có hệ thống pháp lý mạnh mẽ để bảo vệ di sản trong bối cảnh phát triển du lịch. Việt Nam cũng có nhiều quy định như Luật Di sản văn hóa (2009) nhằm bảo vệ và khai thác di sản văn hóa một cách bền vững, với sự chú ý đến bảo tồn giá trị văn hóa trong phát triển du lịch. Do vậy, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia cùng thảo luận, đánh giá chính sách và luật lệ để bảo vệ di sản văn hóa, từ đó rút ra những bài học chính sách cho Việt Nam.

TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ: Nghị quyết 08- NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với sự phát triển của ngành Du lịch. Đây là một dấu ấn rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của Du lịch. Nghị quyết 08-NQ/TW xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa phát triển du lịch đã trở thành định hướng chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cùng với các ngành có tiềm năng, thế mạnh khác như nông nghiệp và công nghệ cao. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023 do năm nay các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch.  Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh được thống kê vào năm 2020. Trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Di tích Quốc gia có 3.589, Di tích Quốc gia đặc biệt: 128, Di tích được UNESCO công nhận di sản thế giới: 9. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.

TS. Trần Đức Nguyên, Trưởng Khoa Di sản, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhấn mạnh: Việc phân cấp quản lý di sản thế giới ở nước ta chưa có sự thống nhất, điều đó dẫn đến nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý di sản như về năng lực và quyền hạn trong quản lý di sản. Chiến lược Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ 2023 hướng tới việc thúc đẩy du lịch văn hoá bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng cần thiết cho các lĩnh vực và hoạt động du lịch chuyên biệt, nhằm tăng doanh thu du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho mọi thành phần xã hội với việc sử dụng cân bằng và bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, tài sản lịch sử và địa lý.

 ThS. Lưu Thị Thu Thủy, Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: Nhật Bản là một trong số những nước bảo tồn được gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống, và là một trong những nước đầu tiên ở châu Á và thế giới quan tâm đến vấn đề bảo tồn các di sản. Với ý thức bảo tồn từ rất sớm, Nhật Bản đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật và chính sách bảo tồn đáng chú ý. Nhật Bản ban hành những quy định về các lĩnh vực cần bảo tồn, được chia thành: di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản văn hóa dân gian, tài sản văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng và danh thắng tự nhiên, di sản văn hóa là quần thể kiến trúc.  Khai thác và sử dụng các giá trị của di sản và tài sản văn hóa bằng cách đưa chúng thâm nhập vào đời sống xã hội, mang giá trị hiện hữu trong hiện tại. Để thực hiện được mục tiêu này, Nhật Bản tiến hành hợp tác trên diện rộng giữa Chính phủ và tổ chức phi chính phủ, Trung ương, địa phương, hợp tác công tư, hợp tác quốc tế…

TS. Nguyễn Thị Quế Hương, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo chia sẻ: Theo Nghị định 08/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, các di sản thiên nhiên được phân rõ các vùng với mức độ bảo vệ khác nhau. Vùng lõi là khu vực chứa đựng các giá trị cốt lõi theo tiêu chí xác lập, công nhận di sản thiên nhiên và được quản lý, bảo vệ hiệu quả, bao gồm: khu bảo tồn thiên nhiên; khu vực bảo vệ I của danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; khu vực có các giá trị cốt lõi cần phải được bảo vệ nguyên vẹn, giữ được nét nguyên sơ của tự nhiên của di sản thiên nhiên theo quy định; Vùng đệm, bao gồm: khu vực có giá trị cần bảo vệ ở mức thấp hơn so với vùng lõi của di sản thiên nhiên; khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa theo quy định của pháp luật di sản văn hóa; và khu vực nằm sát ranh giới của vùng lõi có tác dụng ngăn chặn, giảm nhẹ tác động tiêu cực của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội bên ngoài di sản thiên nhiên đến vùng lõi của di sản thiên nhiên. Việc phân loại này vô cùng quan trọng

TS. Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị du lịch và Ngôn ngữ quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết giải quyết những nút thắt này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch, đến cộng đồng dân cư và các tổ chức bảo tồn. Sự kết hợp giữa bảo tồn và phát triển bền vững là chìa khóa để khai thác di sản văn hóa một cách hiệu quả và bền vững trong ngành du lịch.

 ThS. Nguyễn Danh Cường, Viện Nghiên cứu Tây Á, Nam Á và Châu Phi: Nút thắt là vấn đề thể chế, Hà Nội có 21 di tích quốc gia đặc biệt xong nhiều di tích vẫn bị xâm phạm, xuống cấp ở mức độ khác nhau. Điều này đòi hỏi công tác quản lý cần được tăng cường. Theo Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, việc lập quy hoạch là cơ sở để định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, trong đó có phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch; danh mục công trình cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng công trình...

Quy hoạch cũng là cơ sở để phát huy giá trị di tích trong lĩnh vực du lịch; xác định chiều cao, mật độ xây dựng, định hướng kiến trúc trong không gian lập quy hoạch.

TS. Phạm Thị Trầm, Viện Địa lý nhân văn: Tôi quan tâm nhiều đến vấn đề quản lý di sản. Quản lý bằng nhiều cách trong khuôn khổ chính sách, hoặc quản lý về mục đích kinh tế. Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên nhân văn, là kho báu quý giá, vô tận, là chất liệu, là nguồn vốn thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá du lịch thông qua các phương tiện truyền thông, tổ chức các sự kiện mang tính văn hóa.  Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch, đào tạo nhân lực du lịch, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch, cũng như trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, như lập ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa, số hóa hoạt động quản lý di sản văn hóa.

PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng tổng kết hội thảo: Hội thảo đã cùng nhau thảo luận về những thách thức và cơ hội trong quản lý khai thác di sản văn hóa để phục vụ phát triển du lịch tại một số địa phương ở Việt Nam. PGS rút ra một số kết luận sau: 1. Thiếu hụt quy hoạch đồng bộ: Nhiều địa phương chưa có quy hoạch tổng thể cho việc khai thác di sản văn hóa, dẫn đến tình trạng phát triển du lịch không đồng bộ. 2. Ý thức cộng đồng thấp: Một số cộng đồng địa phương chưa nhận thức rõ giá trị của di sản, dẫn đến việc khai thác không bền vững. 3. Tải trọng du lịch quá lớn: Một số di sản đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, gây ảnh hưởng đến chất lượng bảo tồn và trải nghiệm du lịch. 4. Thiếu sự hợp tác liên ngành: Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và các bên liên quan còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc triển khai các chương trình bảo tồn và phát triển.

                                                                                      Toàn cảnh Hội thảo

 

 


Ban biên tập


Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com