Trong khuôn khổ thực hiện dự án IB21 “Nâng cao chất lượng nông sản thông qua xây dựng chuỗi cung ứng ngắn trong bối cảnh triển khai EVFTA” do Viện Nghiên cứu Châu Âu là cơ quan chủ trì, Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tại Việt Nam là cơ quan tài trợ, dự án này sẽ được thực hiện trong 3 năm (2021 – 2023). Sáng ngày 29/10/2021, tại Khách sạn Sheraton, K5 Nghi Tàm, 11 Xuân Diệu, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng các đối tác phối hợp tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu được thực hiện trong năm đầu tiên.
Tham dự Hội thảo: Về phía Văn phòng KAS (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam, Cơ quan tài trợ cho Dự án có Bà Vũ Thị Thu Phương, Giám đốc Chương trình; Đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam có Quỹ FNF, Cộng hòa Liên bang Đức. Về phía các khách mời tham dự hội thảo có Học viện Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trường Kinh tế Quốc dân; Bộ Công thương; Bộ Kế hoạch Đầu tư; Hội Nông dân Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp …
Chuỗi cung cấp thực phẩm ngắn (SFSC) được định nghĩa là hệ thống phân có mối quan hệ trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng bao gồm các hình thức bán hàng trực tiếp khác nhau như cửa hàng nông trại, chợ nông sản, cửa hàng thực phẩm địa phương hoặc mở rộng theo không gian để xuất khẩu. SFSC thường được coi là một cách để thực hiện một hệ thống chuỗi bền vững hơn, cung cấp sản phẩm nông nghiệp lành mạnh và chất lượng tốt hơn với giá cả hợp lý, nhiều giá trị gia tăng hơn cho các nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp và bảo vệ môi trường. SFSC cũng có thể được coi là phương tiện để tái cấu trúc chuỗi sản phẩm nông nghiệp nhằm hỗ trợ các phương pháp canh tác bền vững và tạo ra sinh kế dựa vào trang trại bền vững.
SFSC có đặc điểm là ít trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đôi khi người sản xuất phân phối sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng. Chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn nhằm mục đích cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm phản ánh các đặc điểm như: bản sắc địa phương, bản chất, sự lành mạnh và đáng tin cậy. Các chính sách quy định khuyến khích phát triển SFSCs bền vững cho đến nay vẫn chưa có ở mức độ lớn ở Việt Nam. Ngoài ra, mối liên kết trực tiếp giữa nông dân và các doanh nghiệp / hợp tác xã nông nghiệp còn yếu với nhiều khâu trung gian dẫn đến thiếu các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Hình thức chuỗi cung ứng thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia như đối với hộ nông dân, phương thức này chính là kênh để đa dạng hóa các sản phẩm, hướng tới sản xuất tốt hơn, sạch hơn, thu được giá trị gia tăng cao hơn và nhờ đó bảo đảm doanh thu ổn định hơn; đối với người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm nông sản sạch, an toàn do chính địa phương của mình làm ra với chi phí phù hợp hơn; đối với nhà nước, chuỗi cung ứng ngắn đóng vai trò là một công cụ hữu ích trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo sinh kế bền vững cho các nông hộ, phát triển hợp tác xã, gắn kết các nông hộ, tạo lập hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn, chiến lược thực phẩm tích hợp, phát triển kinh doanh và doanh nhân, hệ sinh thái khởi nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng thân thiện về xã hội và môi trường…
Tuy nhiên, SFSCs gần như là một khái niệm mới ở Việt Nam và chưa thu hút được nhiều sự quan tâm. Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích phát triển SFSCs bền vững. Đồng thời, sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp / hợp tác xã nông nghiệp còn yếu; Các hợp tác xã và nông dân - những tác nhân chính trong SFSC thường bị hạn chế trong việc tiếp cận với kiến thức về sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tiếp thị sản phẩm và công nghệ tiên tiến, Hệ thống phân phối nông sản còn nhiều bất cập và liên quan đến nhiều khâu trung gian.... Do đó, các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp không có điều kiện ổn định để đáp ứng các yêu cầu đối với các quy định của EU.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Minh Đức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu cảm ơn sự tham gia đông đảo của các đại biểu đến tham dự Hội thảo. PGS.TS. Đặng Minh Đức cho biết, Ở EU, Một số các mô hình chuỗi cung ứng nông sản ngắn đặc biệt thành công trên thế giới có thể kể đến như chuỗi Campana Amica của Italia, tính đến tháng 5/2016 đã thiết lập 10,199 điểm bán hàng trực tiếp bao gồm cơ sở bán hàng của các trang trại, nhà hàng du lịch nông nghiệp, các cửa hàng nhỏ; chuỗi Gruppi di Acquisto Solidale- Italia trong giai đoạn 2004-2014 đã thu hút hơn 2000 nhóm tham gia và đạt doanh số bình quân năm 90 triệu euro; chuỗi Flavour and Provenance’, Pays de la Loire,chuỗi ‘Le goût d’ici’, Bretagne, Pháp; Trang web Aitojamakuja.fi website, Phần Lan; Hệ thống thực phẩm địa phương, Szekszárd, Hungary;The NEBUS Network, Flanders, Bỉ …đang đạt được sự tăng trưởng về kim ngạch và quy mô không ngừng mở rộng qua các năm.
PGS.TS. Đặng Minh Đức cũng cho biết thêm, ở Việt Nam hiện nay chuỗi cung ứng hàng nông sản của Việt Nam mới chỉ được hình thành qua: Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, Nghị định 98 ngày 5/7/2018“ khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, Nghị định 57/ ND-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hay nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…một phần nào đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, đảm bảo đời sống cho người nông dân không ngừng được nâng lên… Tuy nhiên, xét cụ thể đối với chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản thì các chính sách trên lại chưa đề cập cũng như chưa có cơ chế riêng để hỗ trợ thúc đẩy cũng như giám sát sự phát triển chuỗi này.
Phó Viện trưởng, PGS.TS. Đặng Minh Đức cũng chia sẻ, Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn Tỉnh Sơn La làm địa bàn nghiên cứu, Sơn La có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: xoài, nhãn, bơ, chanh leo, mận, mơ, cam, quýt, bưởi, dứa, na, chuối, dâu tây…..được trồng.tập trung, với quy mô lớn. Cũng theo thống kê của Tỉnh, thì Toàn tỉnh có 181 mã số vùng trồng cây ăn quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu với tổng diện tích 4.670 ha; trong đó, xuất sang thị trường Trung Quốc 130 mã, gồm: Nhãn, xoài, chuối, thanh long, với tổng diện tích 4.271 ha; có 51 mã số vùng trồng gần 400 ha nhãn, xoài, mận, bơ được xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ...
Hiện nay, Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng đã và đang tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế và tập trung vào những ngành có lợi thế cạnh tranh, tiềm năng của tỉnh để hình thành các ngành, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực... trong thời gian qua đã mang lại những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Sơn La. Xu hướng phát triển nông nghiệp theo chuỗi với mục tiêu tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, có khả năng truy xuất và hơn hết, gây dựng lại được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm địa phương... đang được xem là những thách thức đặt ra mà Sơn La cần tìm hướng giải quyết.
Tại Hội thảo, TS Hoa Hữu Cường và TS. Bùi Việt Hưng (Viện Nghiên cứu Châu Âu), Thành viên nhóm nghiên cứu, đã Báo cáo các phát hiện nghiên cứu của dự án với khung lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế về thực hiện chuỗi cung ứng ngắn cũng như các phát hiện từ khảo sát tình hình thực hiện chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản tại Mộc Châu, Sơn La. Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học các chuyên gia đã bình luận, phản biện và đóng góp ý kiến về các phát hiện của nhóm nghiên cứu trình bày trong báo cáo.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, PGS.TS. Đặng Minh Đức đánh giá cao nội dung các báo cáo thuyết trình và các ý kiến phát biểu đóng góp của các quí vị đại biểu tham dự. PGS.TS. Đặng Minh Đức cho rằng, với sự tài trợ của Quỹ KAS (Đức) cho dự án nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc, giúp cho nhận diện được chính sách, những bất cập trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn của EU về GlobeGap, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn trong sản xuất…. góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành cơ hội xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU. Thay mặt Việt Nghiên cứu Châu Âu PGS.TS. Đặng Minh Đức đề nghị Quỹ KAS tiếp tục hợp tác, đồng hành và tiếp tục tài trợ nghiên cứu với những chủ đề này cho các nhà khoa học của Việt Nam triển khai tiếp theo trong những năm tiếp theo.
PV.
(Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Nang-cao-chat-luong-nong-san-thong-qua-xay-dung-chuoi-cung-ung-ngan-trong-boi-canh-trien-khai-EVFTA-1289?fbclid=IwAR3pdzuou3tHRUJU13qRoR-jcNiXmJCK3VkMv08VEiOiMixoG68reyVYg54)