Tại buổi hội thảo, 2 tác giả cuốn sách là PGS. Nguyễn An Hà và TS. Phạm Hùng Tiến đã khái quát chính sách khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh mới, cũng như kết quả triển khai và tiềm năng chuỗi cung ứng ngắn tại Quảng Ninh.
Theo đó, chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản (SFSCs) là chuỗi cung ứng nông sản có ít thành viên tham gia, đôi khi người sản xuất phân phối sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng, việc sản xuất và phân phối được diễn ra trên một phạm vi địa lý nhất định.
Tại châu Âu, chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản với sự giảm thiểu tác nhân trung gian đang là sự thay thế cho chuỗi dài thực phẩm truyền thống và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong mạng lưới cung ứng thực phẩm hướng đến mục tiêu giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng có nhiều tiềm năng trong phát triển chuỗi nông sản thực phẩm. Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt “Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, tỉnh đã xác định sẽ phát triển 16 chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực; qua đó, tạo hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong các giải pháp thực hiện các mục tiêu trên, phát triển chuỗi cung ứng ngắn nông sản có thể là một lựa chọn chính sách phù hợp đối với một số sản phẩm.
Cũng tại hội thảo, thông qua phiên thảo luận của các đại biểu cũng như đúc kết của 2 tác giả cuốn sách, ban tổ chức hội thảo đã đưa ra những khuyến nghị về chính sách dành cho chuỗi cung ứng ngắn nông sản. Trong đó, chú trọng các chính sách có tính định hướng, khuyến khích và phòng ngừa rủi ro trong quá trình triển khai chuỗi cung ứng ngắn nông sản.
Ban Biên tập
[Nguồn: https://baoquangninh.com.vn/hoi-thao-gioi-thieu-sach-chinh-sach-khuyen-khich-phat-trien-chuoi-cung-ung-ngan-hang-nong-san-o-viet-3203259.html?fbclid=IwAR2ITtFEi3J56octHQ8lVPozsrLACvIgOzyHngnCNIgdonHxQlejPjFLmXc]