Hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và SNG trong bối cảnh mới”

27/08/2022

Trong khuôn khổ của đề tài hợp tác về khoa học và công nghệ theo nghị định thư “Cộng đồng người Việt Nam ở Liên bang Nga và SNG 1991 - 2018” do Viện Nghiên cứu châu Âu chủ trì và Viện Chính trị - Xã hội Nga là cơ quan phối hợp thực hiện, sáng ngày 25/8/2022, tại trụ sở số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy vai trò của Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và SNG trong bối cảnh mới”.

Tham dự Hội thảo có đông đủ đại biểu, các vị khách quý, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hội doanh nghiệp và các nhà khoa học từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng như từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan tổ chức.

Theo báo cáo của Uỷ ban Nhà nước người Việt Nam tại nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người hiện đang sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cộng đồng người Việt Nam tại các nước SNG, chủ yếu tại Liên bang Nga có khoảng 80-100 nghìn người, đa số đã từng học tập và lao động tại Liên Xô cũ. Đây là cộng đồng mạnh, đoàn kết, tổ chức khá chặt chẽ, là nguồn lực quan trọng về kinh tế và chất xám trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam và các nước SNG.

Trong những năm vừa, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc, đã ban hành nhiều chủ trương huy động mọi nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước. Bắt đầu từ Nghị quyết số 36-NQ/TW (ngày 26/03/2004) của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài khởi đầu cho sự quan tâm đặc biệt. Tiếp đến, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khoá IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Gần đây, Bộ chính trị đã ban hành kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Trong đó, nhấn mạnh nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở Liên bang Nga và SNG có tinh thần yêu nước cao, hoà nhập tương đối tốt, luôn hướng về tổ quốc. Phần đông bà con ngày càng ổn định cuộc sống và hòa nhập vào xã hội nơi cư trú, có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội ở nước sở tại, có tác động ở mức độ khác nhau tới mối quan hệ giữa các nước đó với Việt Nam. Người Việt Nam thành đạt ở Nga và SNG đã trở về đầu tư trong nước và nhiều doanh nghiệp đã thành công góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, một số doanh nghiệp còn quay lại đầu tư làm ăn tại Nga, SNG trong thời gian qua.

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cũng chỉ ra, còn bộ phận người Việt Nam đang sinh sống ở Nga và SNG vẫn trong tình trạng cư trú ngắn hạn, chưa được định cư dài hạn, lâu dài hợp pháp, dễ rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp, lao động và di cư trái phép, buôn bán phi pháp,… PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh, gần đây, đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Ucraina – Nga, các lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga, Belaurus…khiến gây ra những hệ luỵ nặng nề đối với phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia này, đồng thời tác động mạnh tới đời sống, sinh hoạt, làm ăn của cộng đồng người Việt Nam tại đây.

Để phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở các nước này, Viện trưởng Nguyễn Chiến Thắng mong muốn, hội thảo sẽ tập trung thảo luận để cùng nhau nhận diện được thực trạng vai trò của cộng đồng, đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng nhằm phát huy tốt nhất đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở Nga và SNG trong công cuộc xây dựng đất nước.

Đại biểu tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, Chủ nhiệm đề tài chú dẫn, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được hình thành theo đường hợp tác lao động, sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh và những người đi du lịch, thăm thân rồi ở lại. Cộng đồng người Việt Nam ở Nga và SNG chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đa số mở cửa hàng, buôn bán nhỏ, một số ít thành lập các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, may mặc, dịch vụ và xây dựng...

PGS.TS. Đặng Minh Đức cho biết, hội thảo sẽ tập trung thảo luận một số vấn đề như: (i) Định hướng, quan điểm, chính sách của Việt Nam, của Nga và các nước SNG đối với cộng đồng người Việt Nam trong bối cảnh mới; (ii) Bối cảnh mới và những tác động tới Cộng đồng người Việt Nam (Nga, Ucraina và Belarus) và giải pháp, kiến nghị; (iii) Các giải pháp phát huy vai trò và tăng cường đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở Nga, Ucraina và Belarus với nước sở tại và với Việt Nam trong bối cảnh mới.

Hội thảo diễn ra 2 phiên: Phiên 1- "Bối cảnh mới và một số giải pháp phát huy vai trò của Cộng đồng người Việt Nam tại Nga và SNG" do PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện Nghiên cứu Châu Âu và TS. Nguyễn Minh Trí, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ucraina chủ tọa, gồm các tham luận:  (1) Báo cáo kết quả khảo sát, thống kê số lượng Cộng đồng người Việt Nam tại Nga và SNG – một số kiến nghị” của PGS. TS. Đặng Minh Đức, Viện Nghiên cứu Châu Âu; (2) “Quan điểm và định hướng chính sách của Việt Nam đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh mới” của ThS. Phạm Thị Thu Hương, Uỷ ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài; (3) “Một số giải pháp thích hợp với bối cảnh sau dịch Covid và diễn biến tranh chấp biên giới Nga-Ucraina phức tạp, nhằm tăng cường đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở LB Nga trong tình hình mới” của PGS. TS. Lê Thanh Bình và Nguyễn Khánh Linh. Phiên 2- "Kết quả nghiên cứu và một số quan điểm, giải pháp và kiến nghị nhằm phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Nga, Ucraina và Belarus trong giai đoạn tới", do PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng và PGS.TS. Đặng Minh Đức – Viện Nghiên cứu Châu Âu chủ tọa, gồm các tham luận: (4) “Một số chính sách của Nga và SNG đối với Cộng đồng người Việt Nam và một số giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thanh Lan, Viện Nghiên cứu Châu Âu; (5): “Những giải pháp thúc đẩy của Cộng đồng người Việt Nam tại Belarus” của Ông Lê Thanh Vạn, Nguyên Tham tán, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Belarus; (6) “Phát huy nguồn lực đóng góp của Cộng đồng người Việt Nam ở LB Nga từ góc nhìn địa phương: Hàm ý cho Hải phòng và các địa phương khác của Việt Nam” của ThS. Nguyễn Đức Phúc, Học viện Ngoại giao.

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Về quan điểm và định hướng chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh mới, ThS. Phạm Thị Thu Hương, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, Đảng và Nhà nước ta coi "cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam". Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các chủ trương, chính sách đối với cộng đồng được ghi nhận tại nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, là cơ sở để cả hệ thống chính trị triển khai toàn diện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

ThS. Phạm Thị Thu Hương nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là một trong những trọng tâm của công tác dân vận; Phát huy đại đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại; Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại; Có chính sách thu hút và tranh thủ tối đa nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; Xây dựng, triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.

Hội thảo nhận được nhiều tham luận và ý kiến trao đổi thảo luận. Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia làm rõ và sâu sắc hơn vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; nhận diện được thực trạng; đề xuất các giải pháp, kiến nghị chính sách đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng nhằm phát huy tốt nhất sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở Nga và SNG trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Biên tập

[Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Giai-phap-thuc-day-vai-tro-cua-cong-dong-nguoi-Viet-Nam-tai-Lien-bang-Nga-va-SNG-trong-boi-canh-moi-1373]



Các tin khác:

Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com