Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan bộ ngành, các cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán Belarus, Nga, Azerbaijan, Ukraine... và một số tổ chức quốc tế của Việt Nam và các nước châu Âu.
PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng và PGS.TS. Nguyễn An Hà điều hành Hội thảo
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/1945, kể từ đó đến nay, Việt Nam đã trải qua 78 năm thành lập đất nước (1945 - 2023) và đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới (bao gồm 191/193 nước thành viên Liên Hợp Quốc). Trong đó, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với tất cả 46 nước thành viên châu Âu. Mối quan hệ ngày càng phát triển giúp Việt Nam và châu Âu trong 78 năm qua, đặc biệt trong 50 năm gần đây đã thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại... Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Mối quan hệ Việt Nam - châu Âu trong chặng đường đã qua tuy có những lúc còn thăng trầm, nhưng dòng chủ lưu vẫn là sự hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng... với tinh thần "hợp tác cùng thắng".
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu nhiệt liệt chào mừng các quý đại biểu tham dự Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện thực trạng quan hệ giữa Việt Nam với các nước châu Âu trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa - xã hội… trong thời gian vừa qua. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng mong muốn các đại biểu sẽ tập trung phân tích quá trình 50 năm quan hệ Việt Nam - châu Âu trên tất cả các lĩnh vực khác nhau từ các thành tựu đạt được, những vấn đề còn tồn tại và triển vọng của mối quan hệ hợp tác phát triển giữa hai bên Việt Nam – châu Âu trong thời gian tới…
Các đại biểu phát biểu, trình bày tham luận tại Hội thảo
Trình bày tham luận tổng quan 50 năm quan hệ Việt Nam – châu Âu, PGS.TS. Đinh Công Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu châu Âu cho biết, trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng kinh tế và phát triển giữa Việt Nam - châu Âu đã không ngừng phát triển, từng bước được đẩy mạnh nâng cao.
PGS.TS. Đinh Công Tuấn phân tích, điểm lại thời khắc lịch sử 50 năm về trước, sau khi ký kết Hiệp định Paris, và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, uy tín của Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế. Chính bối cảnh này đã khiến cho mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Âu và đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực và bước sang trang mới. Một loạt các nước trong EU đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ với Việt Nam như: Hy Lạp (4/1975), Bồ Đào Nha (7/1975), CHLB Đức (9/1975), CH Síp (12/1975), Tây Ban Nha (5/1977)...
Bước sang thập kỷ 80, tình hình chung trên thế giới cũng như ở khu vực Đông Nam Á đã có nhiều thay đổi, tạo cơ hội cho sự phát triển quan hệ quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt từ năm 1986, Đại hội Đảng VI đã đề ra đường lối Đổi mới, đã xác định "chuyển quan hệ kinh tế đối ngoại theo hướng nền kinh tế mở, đa phương hóa quan hệ và đa dạng hóa hình thức". Đây là bước ngoặt lớn của Việt Nam trong sự phát triển kinh tế cả về đối nội và đối ngoại.
Bước sang thập niên 1990, thế giới đã bước sang thời kỳ chấm dứt chiến tranh lạnh, các nước đều điều chỉnh chiến lược nhằm giành những lợi ích dân tộc lớn nhất trong hệ thống quan hệ quốc tế đang được cơ cấu lại. Đối với các nước EU, do thấy được tiềm năng phát triển của Việt Nam, một số nước trong EU, đứng đầu là Pháp, Đức, Italia, Bỉ…đã đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam.
Ngày 30/6/2019, Việt Nam- EU đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). EVFTA là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU; củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững. Hiệp định này là một bước tiến quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ với EU, góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương, kết nối đầu tư, mang lại những lợi ích to lớn, cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, tạo xung lực mới cho mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - EU. Ngoài ra, Việt Nam và EU còn thúc đẩy hợp tác An ninh và Quốc phòng, hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, bền vững
PGS.TS. Đinh Công Tuấn khẳng định, mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với châu Âu, đặc biệt là EU và Nga có lịch sử lâu dài, gắn bó mật thiết và chịu ảnh hưởng sâu sắc của bối cảnh quốc tế, đặc biệt do sự ngăn cách, đấu tranh quyết liệt ý thức hệ và hệ quả của trật tự thế giới chia hai, do đối đầu giữa 2 hệ thống XHCN (Đông) và TBCN (Tây) trước đây. Đến nay, cả 46 nước châu Âu đều có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó, hợp tác hữu nghị với Việt Nam. Đây chính là nền tảng cơ bản, vững chắc xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, hợp tác dài lâu, bền vững giữa châu Âu với Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Chia sẻ trong phát biểu của mình, G.S.Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, quan hệ giữa Nga và Việt Nam đã có lịch sử hơn 70 năm. Quan hệ giữa hai nước dựa trên tình hữu nghị truyền thống, sự hợp tác cùng có lợi và sự cảm thông chân thành lẫn nhau. Trong tâm thức người Nga, dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng đã trải qua thử thách chiến tranh và bảo vệ tự do, độc lập của mình trong các cuộc đấu tranh.
Năm 2012, quan hệ Nga-Việt được nâng cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Một trong những trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương là hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự cũng như duy trì đối thoại và hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh.
Điểm nổi bật nữa là trong lĩnh vực hợp tác, thương mại, văn hóa, giáo dục. Hai nước vẫn nỗ lực mở rộng thương mại song phương với Việt Nam và tăng cường đầu tư lẫn nhau. Hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật, dựa trên các lĩnh vực hợp tác truyền thống như dầu khí, lưu thông hàng hóa các mặt hàng nông sản, dược phẩm, phân bón và tài nguyên năng lượng…
Đại sứ G.S.Bezdetko chỉ rõ, trong điều kiện mới, hướng Đông trong chính sách đối ngoại của Nga đang trở thành ưu tiên lâu dài, Nga nhìn thấy những cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác mang tính xây dựng ở cả Á-Âu và Nam bán cầu, trong đó có khu vực ASEAN và Việt Nam. Trong bối cảnh này, tầm quan trọng của hợp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trước hết là với ASEAN, ngày càng gia tăng. Với mục đích tăng cường vai trò trung tâm trong các vấn đề của khu vực, tăng cường các cơ chế lấy ASEAN làm trung tâm làm nền tảng cho đối thoại mang tính xây dựng và sự tương tác năng động, hướng tới thực tiễn về các vấn đề cấp bách nhất liên quan đến tất cả các quốc gia ở đây.
Đại sứ G.S.Bezdetko khẳng định, Nga sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề hiện tại trong chương trình nghị sự quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng và quan tâm đến lợi ích của nhau. Các chủ đề đầy hứa hẹn của hợp tác song phương vẫn đảm bảo hòa bình và an ninh, bảo vệ nhân quyền, chống khủng bố, buôn bán ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm cả lĩnh vực thông tin, các thách thức và mối đe dọa mới nổi khác, bao gồm cả vấn đề khí hậu, trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng và an ninh năng lượng…
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận cũng như phát biểu của các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài. Nhìn chung, các ý kiến đều khẳng định, mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và châu Âu đã thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại... Việt Nam là bạn,là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trong chặng đường đã qua tuy có những lúc còn thăng trầm, nhưng dòng chủ lưu vẫn là sự hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng... với tinh thần "hợp tác cùng thắng". Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và châu Âu đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Những thành tựu tốt đẹp của lịch sử 50 năm hợp tác giữa hai bên là “động lực” hướng tới nâng tầm quan hệ ngoại giao Việt Nam- châu Âu lên tầm cao mới. Qua đó góp phần thúc đẩy sự gắn kết giữa các dân tộc ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của người dân, đóng góp tích cực vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.