Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Belarus tại Việt Nam, ông Uladzimir Baravikou, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, được xây dựng và vun đắp qua nhiều thế hệ. Ông khẳng định rằng Belarus luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược và là một quốc gia có ảnh hưởng quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Sự hợp tác giữa hai nước không chỉ dừng lại ở đối thoại chính trị cấp cao mà còn được thể hiện qua các hoạt động ngoại giao nhân dân, duy trì liên lạc tích cực giữa các cơ quan, cũng như xây dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc.
Ông Baravikou nhấn mạnh: “Belarus là một người bạn thực sự và là đối tác tin cậy của Việt Nam tại châu Âu. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), mà Belarus sẽ giữ vai trò chủ tịch vào năm 2025.”
Về phần mình, PGS. TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, chia sẻ rằng Việt Nam và Belarus cách xa nhau hàng nghìn cây số về mặt địa lý, nhưng mối quan hệ giữa hai nước rất gần gũi, nhân dân hai nước xem nhau như là anh em. Quan hệ hai nước có nền tảng lịch sử lâu đời, được xây dựng và vun đắp qua nhiều thế hệ, dựa trên nền tảng hợp tác, đoàn kết, đồng minh, tương trợ lẫn nhau từ thời Liên Xô. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Belarus, thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế mới, Việt Nam coi Belarus là bạn, đối tác tin cậy, mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước.
PGS. TS Nguyễn Chiến Thắng nhận định rằng quan hệ giữa Việt Nam và Belarus còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam có thể đóng vai trò là cửa ngõ vào thị trường ASEAN cho hàng hóa Belarus, trong khi Belarus, với vị thế trong EAEU, có thể thúc đẩy hợp tác khu vực và toàn cầu. Trước những thách thức của thế kỷ XXI, hai nước cần phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế song phương và đa phương về an ninh, duy trì môi trường hòa bình và ổn định. Ngoài việc củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống, Việt Nam và Belarus cần nghiên cứu và triển khai các dự án trong những lĩnh vực mới như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, năng lượng xanh và phát triển bền vững.
Sự kiện đã đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác khi lãnh đạo hai viện nghiên cứu ký kết Biên bản ghi nhớ, cam kết thúc đẩy nghiên cứu và chia sẻ tri thức trong các lĩnh vực cùng quan tâm.
Sau lễ ký kết MOU, hai bên đã tiến hành tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quan hệ Việt Nam-Belarus: quá khứ, hiện tại và tương lai”.
Tại hội nghị, có 3 tham luận khoa học được trình bày, bao gồm: (1) “Chương trình nghị sự hiện nay của an ninh quốc tế và khu vực: quan điểm của Belarus” của TS, Oleg Makarov, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Belarus; (2) “Một số giải pháp đẩy mạnh quan hệ hợp tác Việt Nam-Belarus trong bối cảnh mới” của PGS.TS. Đặng Thị Phương Hoa, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm nghiên cứu Nga và SNG; (3) “Đặc điểm hợp tác giữa Việt Nam và Belarus thời gian qua và triển vọng phát triển” của ThS. Lê Minh Tâm, Vụ Châu Âu, Ban đối ngoại Trung ương.
Trong phiên thảo luận, Tiến sĩ Oleg Makarov, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Belarus, cho biết Belarus đang định hướng lại chiến lược kinh tế đối ngoại, tập trung mở rộng hợp tác với khu vực châu Á, trong đó Việt Nam nổi lên như một đối tác chiến lược hàng đầu. Nhờ sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và vị thế quốc tế ngày càng vững chắc, Việt Nam được xem là cửa ngõ để Belarus tiếp cận thị trường Đông Nam Á.
Belarus ưu tiên chuyển đổi mối quan hệ chính trị hữu nghị truyền thống với Việt Nam thành những hợp tác kinh tế thiết thực và toàn diện hơn. Một trong những lĩnh vực nổi bật là thương mại thực phẩm và nông sản. Bên cạnh đó, hai nước cũng đặt mục tiêu mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp. Belarus kỳ vọng vào vai trò của Việt Nam như một cầu nối quan trọng trong việc làm sâu sắc quan hệ giữa Belarus và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với vai trò là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam có thể hỗ trợ Belarus trong việc mở rộng sự hiện diện và tham gia vào các sáng kiến khu vực.
Kết thúc chương trình, PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đoàn học giả Viện Nghiên cứu Chiến lược Belarus vì chuyến thăm và làm việc ý nghĩa tại Viện Nghiên cứu Châu Âu. Ông bày tỏ kỳ vọng rằng hai bên sẽ nỗ lực thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được, từ đó tăng cường mối quan hệ đối tác bền chặt và mở rộng hơn nữa hợp tác khoa học giữa hai Viện, góp phần vào sự phát triển chung của nhân dân hai nước.