Sáng ngày 29/7/2022, tại trụ sở 176 Thái Hà, dưới sự tài trợ của Dự án PEP, Viện Nghiên cứu Châu Âu tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 đến Việt Nam”.
Về phía khách mời có sự tham dự của TS. Phạm Sỹ An – Phó Trưởng ban phụ trách Ban Kế hoạch – Tài chính, TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Trưởn ban Quản lý khoa học, TS. Lê Văn Hùng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Phát triển Vùng, TS. Phạm Minh Thái – Trung tâm phân tích dự báo, TS. Nguyễn Hoàng Mai – Khoa quản lý lao động và công đoàn, Đại học Công đoàn, TS. Hà Huy Ngọc – Viện Kinh tế Việt Nam, bà Trần Phương Mai – Tổng Cục du lịch, nhà báo Nguyễn Hoàng Mỹ Hạnh – Tạp chí Tia sáng, nhà báo Nguyễn Văn Dinh – Báo tạp chí tài chính doanh nghiệp. Về phía Viện Nghiên cứu Châu Âu có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng, cùng một số cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Châu Âu.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cho rằng thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra phần lớn là do đứt gãy chuỗi cung ứng làm cho sản xuất bị gián đoạn và nhu cầu giảm, ít người tiêu dùng đủ khả năng mua hàng hóa và dịch vụ có sẵn trong nền kinh tế toàn cầu. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam trên 3 tác động chính gồm: tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch. Trong phạm vi buổi tọa đàm hôm nay thì các diễn giả sẽ trình bày đánh giá tác động, phản ứng chính sách của Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong buổi tọa đàm có 02 bài báo cáo được trình bày:
- Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến Việt Nam của TS. Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu Châu Âu
- Đại dịch Covid-19: Diễn biến, tác động, phản ứng chính sách và những vấn đề đặt ra của TS. Phạm Sỹ An, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Các tham luận chỉ ra rằng thu nhập của người lao động trong các ngành: sản xuất, xây dựng, thương mại, vận tải, khách sạn và nhà hàng, bất động sản, các dịch vụ hỗ trợ, giáo dục và giải trí bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19. Mô hình mô phỏng cho thấy tỷ lệ nghèo đói tăng nhẹ từ 10,53% lên 11,11%. Chỉ số đo lường bất bình đẳng – GINI – tăng không đáng kể.
Buổi tọa đàm cũng diễn ra sôi nổi và được nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề tọa đàm về những tác động của đại dịch Covid-19 cũng như những ý kiến xây dựng hướng nghiên cứu cho các tác giả nhằm đánh giá tác động của đại dịch tới nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Ban Biên tập