Sáng ngày 02/11/2021, tại trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức tọa đàm chia sẻ kết quả nghiên cứu do Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tại Việt Nam là cơ quan tài trợ, Viện Nghiên cứu Châu Âu là cơ quan chủ trì.
Tham dự tọa đàm về phía khách mời có bà Vũ Thị Thu Phương, Giám đốc Chương trình, Viện KAS (Đức) tại Việt Nam; ông Phạm Ngọc Vinh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương; ông Nguyễn Quang Đồng và bà Tống Khánh Linh, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS); cùng sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới đã mở ra một thời đại phát triển gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT) của con người, cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số tạo ra cả cơ hội và thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như của mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân, doanh nghiệp.
AI đóng vai trò trung tâm trong cuộc CMCN4.0. AI thường đề cập đến một tổ hợp gồm: các kỹ thuật cho phép tìm kiếm và phân tích khối lượng dữ liệu lớn giúp cho máy móc có thể học từ dữ liệu (machine learning); người máy xử lý ý tưởng, thiết kế, sản xuất và vận hành các máy móc có thể lập trình được; và các thuật toán và hệ thống ra quyết định tự động (Automated decision making systems - ADMS) có thể dự đoán hành vi của con người và máy móc và có thể tự đưa ra các quyết định. Các công nghệ AI có thể cực kỳ có lợi từ quan điểm kinh tế và xã hội và đã được sử dụng trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và giao thông, hoặc để quản lý hiệu quả việc tiêu thụ năng lượng và nước. AI ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta và phạm vi ứng dụng tiềm năng của nó là rất rộng. Tuy nhiên, AI cũng làm phát sinh các vấn đề kinh tế xã hội mới như bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư; thành kiến không công bằng; vv, tất cả những vấn đề đó cần một cơ chế mới để điều chỉnh.
Mặc dù bị chỉ trích vì tập trung quá nhiều vào các hướng dẫn pháp lý và đạo đức, nhưng EU tự nhận thấy mình có lợi thế đi đầu với tư cách là một cường quốc khi nói đến AI có đạo đức bằng cách tạo tiền đề cho các tiêu chuẩn toàn cầu về thiết kế và khả năng sử dụng cũng như đảm bảo pháp lý rõ ràng trong các ứng dụng dựa trên AI. Như được thể hiện trong Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), lợi thế chiến lược của EU chủ yếu nằm ở các quyền hạn về thị trường, quy chuẩn và quản lý. Tuy nhiên, mặc dù chương trình nghị sự về chủ quyền kỹ thuật số của Ủy ban châu Âu có thể giúp thúc đẩy một số phát triển AI nhất định ở châu Âu, nhưng điều quan trọng không kém là EU phải hợp tác chặt chẽ với các đối tác toàn cầu cùng chí hướng để thiết lập các tiêu chuẩn và quy định chung về AI.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, Chính phủ Việt Nam đã xác định AI là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc CMCN4.0. Từ năm 2014, AI đã được đưa vào danh sách công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Nhiều năm qua, Chính phủ đã phê duyệt danh mục sản phẩm công nghệ cao ưu tiên đầu tư và danh mục sản phẩm công nghệ cao khuyến khích phát triển, trong đó AI được đưa vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Ý chí phát triển AI của Chính phủ còn được thể hiện qua hàng loạt văn bản như: (i) Chỉ thị số 16 / CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường khả năng tiếp cận Công nghiệp 4.0 xác định công nghệ AI là một trong những khâu đột phá. và các công nghệ mũi nhọn của Công nghiệp 4.0; (ii) Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3/2018 đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá tác động và xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0; Trong quá trình xây dựng Chiến lược, công nghệ AI sẽ được đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng để hình thành chiến lược, lộ trình, giải pháp phát triển và ứng dụng AI cụ thể phù hợp nhất với thực tế và tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam; và (iii) đặc biệt là Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, ban hành ngày 26/01/2021 với mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới và phát triển, dẫn đầu về các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Khu vực ASEAN và thế giới. Chiến lược xác định rõ quan điểm AI là lĩnh vực công nghệ nền tảng của cuộc CMCN4.0, góp phần quan trọng tạo đột phá về năng lực sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững. Trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra 5 nhóm định hướng chiến lược, gồm: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý; Quản lý liên quan đến AI; Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu và điện toán phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Phát triển hệ sinh thái AI; Thúc đẩy ứng dụng AI; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Viện trưởng, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh, AI và các vấn đề chính sách liên quan đến AI còn rất mới không chỉ đối với Việt Nam - một quốc gia non trẻ trong lĩnh vực AI này, mà còn đối với thế giới. Việt Nam mới bắt đầu chuẩn bị hệ thống chính sách để điều chỉnh lĩnh vực này. Trong bối cảnh đó, việc tìm hiểu quan điểm, thực trạng và chính sách về đạo đức trí tuệ nhân tạo ở EU là rất cần thiết, với hy vọng những kinh nghiệm sẽ giúp Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm và có góc nhìn đúng đắn trong quá trình hoạch định chính sách trong lĩnh vực AI.
Những vấn đề về đạo đức trí tuệ nhân tạo mà Châu Âu gặp phải trong quá trình phát triển công nghệ AI cũng như nền kinh tế số cũng là những vẫn đề đặt ra cho Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong công cuộc phát triển công nghệ AI. Những thách thức của Châu Âu có thể có những gợi mở cho Việt Nam trong quá trình xây dựng chiến lược và chính sách phát triển công nghệ AI. Việt Nam cần phải định vị được vị trí của mình trong bản đồ AI thế giới và khu vực, từ đó có những chiến lược, chính sách phù hợp để có thể vừa hoà các vấn đề đạo đức, quan điểm trong chiến lược quản lý AI của các quốc gia, khu vực đối tác và đảm bảo nguyên tắc đặt ra của mình.
Tại tọa đàm, TS Hoa Hữu Cường và NCS. Hồ Thanh Hương (Viện Nghiên cứu Châu Âu), đã Báo cáo các kết quả nghiên cứu của mình về lĩnh vực đạo đức trí tuệ nhân tạo. Các tác giả cho biết, AI dự kiến sẽ biến đổi nền kinh tế và tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống con người trong vài thập kỷ tới. Việc này tạo ra cú huých mạnh mẽ đến các khoản đầu tư ngày càng tăng mạnh vào nghiên cứu và phát triển AI (R&D), cũng như sự tiếp thu AI nhanh chóng trong công chúng và các khu vực tư nhân trên toàn thế giới. Đến năm 2030, AI có thể đóng góp tới 13 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu, một con số gần bằng với sản lượng kinh tế hàng năm hiện tại của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hơn nữa, khi các ứng dụng AI đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực, những người áp dụng sớm sẽ chiếm được lợi trong gặt hái lợi ích kinh tế và có những chiến lược thích hợp. Trong khi khái niệm cường điệu về một cuộc chạy đua vũ trang AI quá đơn giản để nắm bắt các động lực phức tạp của hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu, việc tiếp tục sử dụng nó cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực chiến lược quan trọng này. Sự kết hợp của các khoản cổ tức lớn về kinh tế, xã hội và quân sự đã thúc đẩy các quốc gia tham gia cái gọi là cuộc chạy đua này và áp dụng nhanh chóng và hiệu quả AI trong nhiều lĩnh vực nhất có thể.
Trong chiến lược phát triển của EU về AI, EU tiếp cận theo hướng "lấy con người làm trung tâm" đối với AI. Mục đích là thiết lập một khuôn khổ cho sự phát triển dựa trên đạo đức và tính đáng tin cậy của công nghệ AI, và các ứng dụng phù hợp với các giá trị của Châu Âu cũng như để chuẩn bị nền tảng cho một liên minh toàn cầu trong lĩnh vực này.
Tọa đàm nhận được nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học các chuyên gia đã bình luận, phản biện và đóng góp ý kiến về các phát hiện trong kết quả của nhóm nghiên cứu trình bày trong báo cáo.
Phát biểu kết luận tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng đánh giá cao nội dung các báo cáo thuyết trình và các ý kiến phát biểu đóng góp của các quí vị đại biểu tham dự. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam xác định trí tuệ nhân tạo được xác định là một trong những công nghệ đột phát và mũi nhọn của cuộc CMCN4.0. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cho biết Việt Nam đã có những động thái ban đầu trong quá trình thiết lập hệ thống pháp lý cho việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống. Thực tế phát triển AI ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy ứng dụng AI đã góp phần tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, thức đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, và du lịch…
PV.
(Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Bao-cao-ket-qua-nghien-cuu-Chinh-sach-cua-EU-ve-dao-duc-tri-tue-nhan-tao-va-goi-y-cho-Viet-Nam-1293?fbclid=IwAR3dAyr18JYRkv-xiQfTAlSK0BxpA4dkxvjK0lh-intf5yfFP6x9Onx8dqs)