Tọa đàm khoa học “Các vấn đề toàn cầu, quản trị toàn cầu và cục diện thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến giữa Thế kỷ 21

08/06/2022

Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu cục diện thế giới đến năm 2030 phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn mới” (Chương trình), được sự phân công và cho phép của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), chiều ngày 31/5/2022, tại hội trường 3D số 1A Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Chương trình phối hợp với Viện Nghiên cứu Châu Âu tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Các vấn đề toàn cầu, quản trị toàn cầu và Cục diện thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến giữa Thế kỷ 21” dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự Tọa đàm về phía Viện Hàn lâm có lãnh đạo, các chuyên gia của các viện khối nghiên cứu quốc tế. Tọa đàm còn vinh dự đón một số khách mời là chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông cùng Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga). TS. Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ nhiệm Chương trình - và PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, đồng chủ trì tọa đàm.

TS. Đặng Xuân Thanh và PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng đồng chủ trì tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cho rằng trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến nhiều biến động chưa từng có tiền lệ ở cấp độ toàn cầu, như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, đại dịch Covid-19, hay xung đột vũ trang Nga – Ukraina hiện nay. Ngoài ra, nhiều vấn đề toàn cầu nảy sinh đòi hỏi cần có cách tiếp cận quản trị mang tính toàn cầu với sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia. Bên cạnh đó, những tiến bộ trong khoa học và công nghệ đang thúc đẩy mạnh mẽ và làm thay đổi cấu trúc kinh tế, cách thức quản trị kinh tế - xã hội.

Tiếp lời, GS. Vladimir Mazyrin, đại diện các nhà khoa học từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga phát biểu đánh giá cao ý nghĩa của Chương trình nghiên cứu trọng điểm mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam triển khai, đồng thời nhấn mạnh việc sẵn sàng duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng những trao đổi học thuật giữa học giả hai nước.

Sau phiên khai mạc, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về 5 chủ đề lớn: (i) Những thách thức đối với kinh tế thế giới đến năm 2030; (ii) Những thách thức đối với an ninh thế giới đến năm 2030; (iii) Tác động của Công nghiệp 4.0 đến quan hệ quốc tế: Thời cơ và thách thức cho các nước Đông Á; (iv) Triển vọng quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc đến năm 2030; và (v) Quản trị toàn cầu trong sự biến đổi của cục diện thế giới đến năm 2030.

Quang cảnh tọa đàm

Về cơ bản, các chuyên gia đều thống nhất rằng thế giới đang đối diện với những thách thức mang tính toàn cầu, tác động đến lợi ích cơ bản của các quốc gia dân tộc trên thế giới và cần có sự hợp tác quốc tế để giải quyết. Theo đó, việc cải tổ các cơ chế quản trị toàn cầu như những trung tâm điều phối và phối hợp hành động làm cần thiết nhưng phải đối diện với nhiều khó khăn. Môi trường an ninh quốc tế sẽ đối diện với nhiều rủi ro, trong đó mối quan hệ tương tác giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống ngày càng rõ nét. Trong bối cảnh đó, quan hệ ba bên Mỹ - Nga - Trung Quốc sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các chuyên gia cùng bày tỏ mong muốn chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina sẽ kết thúc với hòa bình và hòa giải.

Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Chương trình, TS. Đặng Xuân Thanh đánh giá cao những đóng góp có ý nghĩa về mặt học thuật và thực tiễn của các học giả qua các bài tham luận, những người mang đến cái nhìn đa chiều cục diện thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến giữa thế kỷ 21.  Cuối cùng, Chủ nhiệm Chương trình và chủ trì tọa đàm cảm ơn các học giả đã tham dự và hy vọng sẽ tiếp tục có những buổi trao đổi, thảo luận với các học giả Nga trong thời gian tới./.

Ban biên tập

[Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Cac-van-de-toan-cau-quan-tri-toan-cau-va-cuc-dien-the-gioi-den-nam-2030-tam-nhin-den-giua-The-ky-21-1346]



Các tin khác:

Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com