Sáng ngày 28/10/2016, tại Hội trường 3C nhà B, trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Brexit và các hệ quả đối với Vương quốc Anh và EU” do Giáo sư David Camroux, Viện Sciences-Po, Học viện Chính trị Paris (CERI), đang giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày.
Giáo sư David Camroux tốt nghiệp Đại học Sydney (Bằng Cử nhân danh dự) và lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Paris III: Sorbonne Nouvelle và được biết đến là chuyên gia cấp cao của Học viện Chính trị Paris (CERI), là PGS danh dự của Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (IEP), giảng dạy về xã hội đương đại Đông Nam Á, quan hệ EU - Châu Á và hội nhập khu vực Châu Á. Giáo sư từng thỉnh giảng tại Học viện Kinh tế London, Đại học Trung Âu, Đại học Gadjah Mada, Đại học Waseda, Đại học Yangon và Đại học Korea. Trong hoạt động nghiên cứu liên ngành, đa ngành, kết hợp giữa Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Giáo sư là tác giả của nhiều bài nghiên cứu về chính trị và lịch sử Đông Nam Á, quan hệ quốc tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ EU - Châu Á.
Ông là đồng chủ bút của tờ “Tạp chí các vấn đề thời sự khu vực Đông Nam Á” (The Journal of Current Southeast Asian Affairs), nhà bình luận thường xuyên về các vấn đề khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương cho truyền thông Pháp. Ngoài lĩnh vực học thuật, giáo sư còn là thành viên của Ủy ban Châu Á - Thái Bình Dương tham mưu cho Ban thư ký quốc tế của các Đảng cầm quyền Pháp.
Brexit là từ viết tắt từ hai từ để chỉ việc Anh quốc (Britain) rời khỏi EU (Exit), tương tự như Grexit được dùng để nói về khả năng Hy Lạp rời khỏi EU trước đây. Chính vì thế, ở nước Anh những người bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ thuộc phe Brexit và số còn lại sẽ là phe đồng tình -Remain. Để quyết định “vận mệnh” của chính mình, nước Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 vừa qua, thường được mô tả như một cuộc “ly hôn”.
Bài thuyết trình của Giáo sư David Camroux tập trung trình bày vào 03 nội dung chính:
Thứ nhất: Phân tích những nguyên nhân trực tiếp và sâu xa của cuộc trưng cầu dân ý. Theo đó, việc chia rẽ về đi hay ở của người dân Anh phụ thuộc mạnh mẽ theo từng đặc điểm (khu vực, độ tuổi, trình độ học vấn). Hiện có thể phác thảo ra 2 kịch bản dựa vào lựa chọn của chính phủ Anh- “Brexit cứng” là cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với EU, hủy bỏ và tái đàm phán FTA với 27 nước thành viên; “Brexit mềm” là vẫn tham gia vào thị trường chung Châu Âu, tuân theo pháp lý của EU.
Thứ hai: Sử dụng phương pháp nghiên cứu so sánh, Giáo sư chỉ ra một số thách thức của quá trình hội nhập khu vực liên quốc gia ở những khu vực khác trên thế giới. Hội nhập được coi như con dao hai lưỡi, một mặt tạo khả năng chống chịu với những cú sốc, khủng hoảng bên ngoài, nhưng mặt khác lại chứa đựng chất tinh hoa chủ nghĩa, khiến xu thế vận hành và biến đổi xã hội nhanh chóng và chưa kịp thích ứng. Cụ thể là: Nỗi sợ hãi về làn sóng nhập cư ở Châu Âu là một ví dụ về sự hội nhập quá nhanh, trong khi xã hội đa văn hóa cần nhiều thời gian để chấp nhận.
Thứ ba: Đưa ra một số khuyến nghị và bài học cho hội nhập khu vực, ASEAN với hy vọng sẽ phần nào dự đoán được những tác động của thách thức với tiến trình hội nhập khu vực của ASEAN. Theo đó, nhấn mạnh đến sự cần thiết về tiếp cận chính trị trên quy mô toàn ASEAN, nhất là liên quan đến quá trình cân bằng đa phương với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) trong bối cảnh hệ thống chính trị giữa các nước thành viên ASEAN có sự khác biệt và những vấn đề phức tạp ở Biển Đông như hiện nay.
Buổi thuyết trình nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Châu Âu. Đây là cơ hội để các học giả hai bên trao đổi, giao lưu học thuật nhằm thúc đẩy nghiên cứu sâu vấn đề này, góp phần gợi mở những bài học kinh nghiệm, giải pháp hữu ích cho ASEAN và Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang