Tọa đàm khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu “Làng thông minh: Giải pháp phát triển bền vững vùng nông thôn EU – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”

02/11/2021

Chiều ngày 02/11/2021, tại trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức tọa đàm chia sẻ kết quả nghiên cứu do Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tại Việt Nam là cơ quan tài trợ, Viện Nghiên cứu Châu Âu là cơ quan chủ trì.

Chiều ngày 02/11/2021, tại trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức tọa đàm chia sẻ kết quả nghiên cứu do Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tại Việt Nam là cơ quan tài trợ, Viện Nghiên cứu Châu Âu là cơ quan chủ trì.

Tham dự tọa đàm về phía khách mời có TS. Triệu Đức Hạnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; TS. Lưu Khánh Cường, Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp, Bộ Công Thương; ông Phạm Ngọc Vinh, Cục thương mại Điện tu và Kinh tế số, Bộ Công thương; cùng sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Sự đa dạng về các điều kiện kinh tế- xã hội, kiện tự nhiên ở mỗi một quốc gia khác nhau dẫn đến cách hiểu và quan niệm về vùng, khu vực nông thôn cũng khác nhau. Với mỗi một cách tiếp cận khác nhau thì khái niệm về khu vực nông thôn lại được nhìn nhận ở các chiều cạnh khác nhau, nhưng nhìn chung thì khu vực nông thôn được định hình là khu vực có mật độ dân số tương đối thấp so với thành phố, đây cũng là khu vực với các hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm ưu thế, và ở đó các vấn đề về truyền thông và phát triển cơ sở hạ tầng cần phải được hỗ trợ phát triển tạo điều kiện giảm những chi phí cho hoạt động kinh tế, thương mại.

Trên thực tế, các khu vực nông thôn của EU đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức ngày càng tăng trong những năm gần đây, đó là: Sự suy giảm dân số nông thôn ngày càng tăng, xu hướng già hóa dân số. Ngoài ra, sự chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa cư dân nông thôn và thành thị; Tỷ lệ người dân ở khu vực nông thôn có nguy cơ nghèo đói và thiếu gắn kết xã hội cao hơn ở thành phố. Bên cạnh đó, ở nhiều vùng nông thôn hẻo lánh, họ rất khó tiếp cận với các dịch vụ công.

Phù hợp với các sáng kiến ​​và xu hướng toàn cầu đã mô tả hướng tới các cộng đồng thông minh hơn và bền vững hơn, EU cũng đã thực hiện một hành động cho Làng thông minh vào năm 2017. Làng thông minh là cộng đồng ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp sáng tạo để cải thiện khả năng phục hồi của họ, xây dựng trên thế mạnh và cơ hội của địa phương. Họ dựa vào cách tiếp cận có sự tham gia để phát triển và thực hiện chiến lược nhằm cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường, đặc biệt bằng cách huy động các giải pháp do công nghệ kỹ thuật số cung cấp. Những hành động này nhằm đảm bảo rằng khu vực nông thôn có thể tiếp tục thực hiện những vai trò thiết yếu, trong đó xác định các lĩnh vực hành động hướng tới các khu vực nông thôn mạnh mẽ hơn, kết nối, có khả năng phục hồi và thịnh vượng hơn.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ với khoảng 28% dân số trên 76,1% diện tích khu vực EU (năm 2020), đóng góp 15,3% giá trị gia tăng của khu vực, song cải thiện cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn luôn được xem là một trong những trọng tâm ưu tiên trong các chính sách của EU. Trong “Tầm nhìn cho khu vực nông thôn đến năm 2040”, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh khu vực nông thôn là cấu trúc của xã hội, là một phần cốt lõi trong bản sắc và tiềm năng kinh tế. Do đó, EU sẽ có các chương trình đầu tư cho tương lai đối với khu vực này. Theo đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp không đơn thuần là cung ứng nguồn lương thực thực phẩm mà theo đó các hoạt động này phải được đặt trong một khuôn khổ với những quy định khắt khe và chặt chẽ hơn nhằm đạt được những mục tiêu ngày càng lớn hơn như: Tăng trưởng sản xuất nông nghiệp phải bền vững góp phần giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và góp phẩn giảm thiểu sự ô nhiễm và biến đổi khí hậu trong khu vực. Khu vực nông thôn sẽ là cấu trúc của xã hội, là một phần cốt lõi trong bản sắc và tiềm năng kinh tế, do vậy, Ủy ban châu Âu sẽ có các chương trình đầu tư cho tương lai đối với khu vực này.  

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng chỉ ra, làng thông minh chính là một trong những giải pháp, cách tiếp cận để phát triển nông thôn, nơi mà cộng đồng dân cư địa phương thực hiện các sáng kiến và hoạt động sẽ đóng vai trò trung tâm. Cộng đồng nông thôn bao gồm chính quyền địa phương và các tác nhân nông thôn khác đại diện cho các lợi ích khác nhau. Các hoạt động được thiết kế để phù hợp với nhu cầu của cộng đồng với phương thức tiếp cận từ dưới lên, lấy con người làm trung tâm, nhằm ứng phó với những thách thức đang xảy ra.

Viện trưởng, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh, tại Việt Nam, trong khuôn khổ thực hiện “Chương trình Quốc gia về xây dựng Nông thôn” trong thời gian qua một số địa phương cũng đã chủ động hơn trong việc áp dụng thí điểm triển khai các mô hình phát triển các “Làng, xã thông minh”. Trong khi các chính sách, quy định, hướng dẫn cụ thể về làng thông minh chưa được thực hiện, có chăng chỉ là những quy định, tiêu chí của chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 19 bộ tiêu chí được xây dựng theo mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đến nay với hơn 10 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều vướng mắc về chính sách như: (1) Chính sách đất đai hiện nay còn gây khó khăn cho quá trình dồn diền đổi thửa, tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ sản xuất lớn; (2) Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông nghiệp sang các lĩnh vực khác chưa phát huy hiệu quả; (3) Chính sách ưu đãi như miễn giảm tiền sử dụng đất; miễn giảm thuế thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ tập trung đất đai, tiếp cận, hỗ trợ tín dụng còn yếu về cơ chế thực thi… thì việc triển khai thi điểm các mô hình ở một số đia phương được xem là tín hiệu tốt cho việc áp dụng những sáng kiến, công nghệ vào chương trình phát triển nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030 - 2045.

Tại tọa đàm, TS. Bùi Việt Hưng và ThS. Hồ Thị Thu Huyền (Viện Nghiên cứu Châu Âu), đã Báo cáo các kết quả nghiên cứu của mình, chia sẻ một số mô hình làng thông minh ở Liên minh châu Âu. Nhóm nghiên cứu cho biết, mục tiêu của dự án nghiên cứu là góp phần bổ sung và hoàn thiện kiến ​​thức học thuật về các sáng kiến ​​làng thông minh, hệ thống hóa và phân tích tất cả các chính sách, mô hình của EU trong lĩnh vực này và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Tọa đàm nhận được nhiều bình luận, phản biện và đóng góp ý kiến về các phát hiện trong kết quả của nhóm nghiên cứu trình bày trong báo cáo.

Phát biểu kết luận tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng đánh giá cao nội dung các báo cáo thuyết trình và các ý kiến phát biểu đóng góp của các quí vị đại biểu tham dự. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cho biết, việc triển khai các dự án Làng thông minh sẽ tạo có hội cho các vùng nông thôn không những trở nên cạnh tranh hơn so với các khu vực đô thị về sức sản xuất, năng suất lao động, mà còn đáp ứng các vấn đề về an sinh và hưởng lợi các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, các mô hình thí điểm cũng sẽ góp phần tạo ra một không gian đáng sống cho người dân khu vực nông thôn, thu gọn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt, mô hình này còn tạo động lực cho các lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch y tế, du lịch trải nghiệm, du lịch nghiên cứu … cùng phát triển. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn là những nội dung đang khởi đầu, làm cơ sở áp dụng trong mô hình xây dựng làng thông minh trong tương lai.

 

PV.

 

(Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Lang-thong-minh-Giai-phap-phat-trien-ben-vung-vung-nong-thon-EU-Bai-hoc-kinh-nghiem-cho-Viet-Nam-1295?fbclid=IwAR0tM096EoOhGJ8xDgQh7V_UXtPylTVRZkhQOvt9FuXSnR4ug8kbD4aSsQQ)



Các tin khác:

Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com