Tọa đàm Xu hướng tập hợp lực lượng hình thành các liên minh liên kết kinh tế mới các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

19/12/2023

Sáng ngày 19/12/2023, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm- VASS) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Xu hướng tập hợp lực lượng, hình thành các liên minh liên kết kinh tế mới, các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”. Tọa đàm nhằm nhìn nhận, đánh giá những xu hướng liên kết kinh tế mới, cũng như những vấn đề đặt ra đối với kinh tế thế giới, từ đó rút ra những bài học chính sách cho Việt Nam.

Tham dự tọa đàm có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Nguyên Viện trưởng, Viện Đông Nam Á; TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng, Viện NC Ấn Độ và Tây Nam Á; TS. Lê Kim Sa, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; PGS.TS. Cù Chí Lợi, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Hà Hồng Vân, Phó Giám đốc, Trung tâm Phân tích Dự báo; cùng các nhà nghiên cứu của các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm.

Tọa đàm chia làm 2 phiên và có 5 bài tham luận, với các bài tham luận của PGS. TS. Nguyễn An Hà, Nguyên Viện trưởng, Viện nghiên cứu châu Âu (Tham luận 1: Bối cảnh mới và xu thế tập hợp lực lượng hình thành liên minh, liên kết kinh tế mới), TS. Lê Thị Vân Nga, Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ (Tham luận 2: Xu thế liên minh kinh tế và liên minh bán dẫn của Mỹ trong bối cảnh mới), PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng và TS. Đinh Lê Hồng Giang, Viện Nghiên cứu Châu Âu (Tham luận 3: Xu thế liên kết kinh tế của EU trong bối cảnh mới và hàm ý cho Việt Nam), TS. Hà Hồng Vân, Phó Giám đốc, Trung tâm Phân tích và Dự báo (Tham luận 4: Xu hường liên kết kinh tế mới của Trung Quốc trong bối cảnh mới), TS. Trương Quang Hoàn, Trưởng phòng, Phòng nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Tham luận 5: Xu thế liên kết kinh tế của ASEAN trong bối cảnh mới và hàm ý chính sách cho Việt Nam).

Phát biểu khai mạc tọa đàm khoa học, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc diễn ra gay gắt, xu hướng quan hệ quốc tế thay đổi mạnh, sự chuyển dịch trọng tâm quyền lực đã và đang tác động đến quan hệ quốc tế, tập hợp lực lượng giữa các nước không chỉ trong phạm vi các khu vực mà biến động sâu sắc trên phạm vi toàn cầu. Xu hướng tập hợp lực lượng trên thế giới tiếp tục linh hoạt, xu hướng định hình chiến lược và tự chủ chiến lược của các quốc gia được thể hiện rõ nét hơn, đã có xu hướng điều chỉnh và thiết lập những liên kết, liên minh kinh tế mới, là hệ quả và cũng là phản ứng của các nước trước những chuyển dịch bất định đang diễn ra trên thế giới. Do vậy, Tọa đàm này là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia cùng thảo luận, đánh giá những xu hướng liên kết kinh tế mới, cũng như các vấn đề đặt ra với kinh tế thế giới, từ đó rút ra những bài học chính sách cho Việt Nam.

Đánh giá xu thế về các liên minh, liên kết kinh tế trong tình hình hiện nay, PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, trong tình hình hiện nay, xu thế chủ đạo là hợp tác cạnh tranh, xu thế về các liên minh, liên kết kinh tế là trở nên phức tạp hơn, các mô hình toàn cầu hóa quen thuộc đang thay đổi. Đại dịch cùng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã khuếch đại những xu hướng này. Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia trên toàn cầu. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới và kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Bức tranh liên kết đan xen giữa các quốc gia khu vực, giữa các nước lớn nhỏ, giữa các  trình độ phát triển, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển, với các liên kết xuyên khu vực, khu vực, các hiệp định tự do hóa thương mại song phương và đa phương.

Cũng tại tọa đàm, TS. Hà Hồng Vân cho rằng cuộc chiến ở Ukraine dường như đã trở thành nguyên nhân mạnh mẽ nhất để đẩy nhanh quá trình tái sắp xếp lực lượng trên toàn cầu. Trung Quốc, Nga, Iran và một loạt các cường quốc kém quyền lực hơn nhưng vẫn quan trọng ở Á-Âu đang thích nghi với thực tế địa chính trị mới xuất phát từ sự cạnh tranh rõ rệt hơn giữa phương Tây và Nga. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã thể hiện rõ vai trò dẫn dắt trong quá trình liên kết kinh tế nhằm tạo ra đối trọng với Mỹ và phương Tây.

Tọa đàm là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích giữa các chuyên gia, nhà khoa học. Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu cho rằng năm bài trình bày và hai bài phản biện rất có giá trị. Những ý kiến, trao đổi thảo luận của các đại biểu là hữu ích, gợi mở nhiều bài học quý báu cho hàm ý chính sách của Việt Nam, đồng thời mở ra những vấn đề cần tiếp tục làm rõ trong những nghiên cứu tiếp theo của Viện Nghiên cứu Châu Âu.

                                               Toàn cảnh hội thảo


Ban biên tập


Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com