Tại Hội thảo, các chuyên gia của hai nước đã cùng trao đổi về những vấn đề khá tương đồng giữa Ba Lan và Việt Nam như: Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp và nông thôn Ba Lan, Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi và hội nhập; Vai trò nhà nước, mô hình tăng trưởng, sáng kiến thể chế… dưới tác động của thị trường và sự hội nhập và nền kinh tế thế giới; Kinh nghiệm phân chia vai trò của nhà nước và tư nhân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn chuyển đổi và hội nhập, bài học kinh nghiệm; Nguồn lực và phân tầng xã hội nông thôn…
PGS.TS.Nguyễn An Hà,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Giáo sư Krystyna Szafraniec, Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ba Lan cho biết: Cũng giống như Việt Nam, trong những năm đầu chuyển đổi (1990), Ba Lan có sự chênh lệch khá lớn giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là sự chênh lệch giữa khu vực nông thôn và thành thị. Điều đó dẫn tới sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực, cuộc sống của người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ việc nhanh chóng nắm bắt cơ chế thị trường và sự thay đổi tư duy trong việc sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ vốn từ Liên minh Châu Âu cùng với các chính sách linh hoạt, người nông dân Ba Lan đã nhanh chóng vượt qua trì trệ để hướng tới nền kinh tế thị trường.
Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển, dân số nông thôn Ba Lan trong giai đoạn hội nhập vẫn đang ngày càng có xu hướng tăng lên; tồn tại sự phân cực rõ rệt giữa vùng trung tâm và ngoại vi khiến cho tỷ lệ di dân ra thành thị luôn biến động, giới trẻ Ba Lan hiện nay không coi trọng và lựa chọn ngành học về nông nghiệp để phát triển đã buộc Chính phủ phải vào cuộc, tìm giải pháp tháo gỡ...
Các đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí với đánh giá của PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khi cho rằng: Những vấn đề mà các chuyên gia Ba Lan đề cập rất có ý nghĩa cho Việt Nam trong việc cần quan tâm nhiều hơn tới chính sách hỗ trợ nông nghiệp theo hướng bền vững. Với Việt Nam đó là những bài học kinh nghiệm quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu “ly nông không ly hương”, hạn chế sự di cư nội địa, sử dụng nguồn lực xã hội nông thôn… Những vấn đề này cũng là cơ sở để Việt Nam triển khai thực hiện nhiều hơn các nghiên cứu về đa dạng hóa không gian phát triển của khu vực nông thôn, đưa ra dự báo và là cơ sở khoa học phục vụ công tác quy hoạch khu vực nông nghiệp, nông thôn…/.
Phạm Vĩnh Hà