Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh phát biểu khai mạc tại Hội thảo
|
Tham dự hội thảo có: TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; Bà Céclie Leroy, Quản lý chương trình, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; Bà Stefania IuIiano, Đại sứ quán Italia tại Việt Nam; Ông Kim Youin, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Ông Martino Melli, Cơ quan hợp tác phát triển Ý tại Việt Nam; Kiến trúc sư Luigi Campanale, Giám đốc điều hành của SCE Project Asian; Ông Hwang Sung Kwan, Trưởng Đại diện Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc (LH); đại diện các Bộ, Ban ngành Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và các trường đại học tại Việt Nam; các doanh nghiệp (Công ty Becamex IDC, Giám đốc Văn phòng Thành phố Thông minh Bình Dương, Công ty TNHH Thành Công Land, Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông VNPT…) cùng sự góp mặt của đại diện lãnh đạo đến từ các viện nghiên cứu quốc tế Viện Hàn lâm.
“Thành phố thông minh” là thuật ngữ đã và đang được sử dụng rộng rãi trong những năm gần đây. Cùng với sự phát triển và lan tỏa mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ 4, thành phố thông minh với các ứng dụng của thành quả khoa học và công nghệ đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển, nơi có điều kiện về vốn và công nghệ. Việt Nam hiện nay cũng đã bắt đầu thảo luận về việc xây dựng thành phố thông minh, tận dụng những tiềm năng, thế mạnh của riêng mình, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghệ thông tin của đất nước. Mặc dù vậy, việc xây dựng các thành phố thông minh cũng đặt ra nhiều vấn đề về kinh tế- xã hội gắn liền với sự phát triển của các thành phố đó như về cơ cấu kinh tế, việc làm, tài chính công, dân số đô thị và môi trường.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu tham dự. Đồng thời Phó Chủ tịch cũng khẳng định, Châu Âu là cái nôi của quá trình công nghiệp hóa và các cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ và hiện đang là một trong những nhân tố đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa tương đối nhanh cũng đang hết sức coi trọng và có nhiều chính sách thúc đẩy tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó bước đầu đã xúc tiến xây dựng một số mô hình thành phố thông minh. Tuy nhiên Phó Chủ tịch cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức trong việc phát triển các thành phố thông minh và nhấn mạnh, Việt Nam cần tích cực tham khảo, học hỏi các mô hình, kinh nghiệm quốc tế để quá trình phát triển các thành phố thông minh thực sự hiệu quả, phù hợp với điều kiện và đặc thù của Việt Nam, thực sự lấy con người là trung tâm, thể chế và công nghệ là động lực thúc đẩy.
PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng phát biểu chào mừng tại Hội thảo
|
Trong phát biểu chào mừng, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chủ đề hội thảo đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách và đô thị thông minh (ĐTTM) đang trở thành xu thế tất yếu trong phát triển đô thị trên thế giới bắt nguồn từ Bắc Mỹ, Châu Âu, một số nước phát triển ở Châu Á và lan tỏa sang các nước khác trong khu vực. PGS Viện trưởng khẳng định, Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước về những thành công trong lĩnh vực (nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và hệ thống pháp lý) như các quốc gia EU, Hàn Quốc. Do đó, mục tiêu của hội thảo hướng tới khai thác các khía cạnh kinh tế, xã hội trong quá trình xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) và thảo luận các vấn đề mang tính nền tảng cho việc xây dựng ĐTTM (hệ thống hạ tầng thông tin, khung pháp lý…; một số lĩnh vực quan trọng trong ĐTTM như quy hoạch, chính phủ điện tử, giao thông TM, lưới điện TM, đô thị sinh thái, mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa và phát triển ĐTTM; thảo luận kinh nghiệm một số địa phương đang bắt đầu quá trình xây dựng ĐTTM như TP.HCM, Bình Dương, Bắc Ninh để thấy được những điểm nghẽn hiện nay trong phát triển ĐTTM tại Việt Nam.
Hội thảo nhận được 11 tham luận và chia làm 03 phiên thảo luận, các diễn giả tập trung trình bày các nội dung liên quan đến thành phố thông minh và sáng tạo: đổi mới và bền vững thông qua các dự án tái tạo; Cách mạng công nghiệp 4.0- nền tảng cho thành phố thông minh ở Châu Âu; Kinh nghiệm quy hoạch thành phố thông minh từ các quốc gia Châu Âu và hàm ý cho Việt Nam; Thành phố thông minh ở Hàn Quốc (kinh nghiệm và các vấn đề đặt ra); Giải pháp Lưới điện Thông minh cho Thành phố Thông minh: Kinh nghiệm của Châu Âu và hàm ý chính sách cho Việt Nam; thành phố Hồ Chí Minh thông minh- Thúc đẩy Di sản Văn hóa ở thành phố của tương lai; Đột phá kinh tế xã hội đón kỷ nguyên 4.0: Bình Dương tiếp tục phát triển đề án Thành phố thông minh; Bắc Ninh (Xây dựng thành phố thông minh, động lực phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới mục tiêu trở thành TP trực thuộc trung ương).
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
|
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, đại diện khu vực doanh nghiệp (VNPT, Becamex, BRG, Thanh Cong Land, LH Group), cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Thông tin và Truyền thông), các tổ chức hỗ trợ phát triển, tổ chức quốc tế. Việc trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia từ một số nước Châu Âu- nơi đang đi đầu trong xu hướng mới này có ý nghĩa lý thuyết và thực tiễn quan trọng. Đây không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật cho các nhà nghiên cứu mà còn rút ra nhiều thông tin quí báu cho các nhà quản lý và đại diện đến từ khu vực doanh nghiệp- những người đang trực tiếp xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển thành phố thông minh ở Việt Nam và EU trong thời gian tới.