Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ vào cuối năm 2008 lan rộng sang các nước châu Âu đã gây tác động tiêu cực đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Khủng hoảng cũng tác động nặng nề tới hệ thống an sinh xã hội (ASXH) Bắc Âu – một hệ thống được đánh giá là ưu việt và thành công bậc nhất thế giới bởi tính phổ quát và tính toàn diện cao, đưa ASXH đến từng cá nhân trong xã hội. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là nguyên nhân và cũng là chất xúc tác để các nước Bắc Âu đánh giá lại những ưu điểm và hạn chế của hệ thống ASXH, từ đó thực hiện những điều chỉnh chính sách kịp thời để đối phó khủng hoảng và hoàn thiện hệ thống ASXH. Việc thực hiện các điều chỉnh chính sách hợp lý tại các nước Bắc Âu không chỉ đem lại thành công cho các nước này, mà còn tạo ra những tác động không nhỏ đến xu hướng điều chỉnh chính sách ASXH ở khu vực châu Âu và trên thế giới.
Cuốn sách “An sinh xã hội Bắc Âu trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bài học cho Việt Nam” được thực hiện trên cơ sở kết quả nghiên cứu của công trình khoa học cấp Bộ (Viện Nghiên cứu châu Âu năm 2011 – 2012) và đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia ( NAFOSTED) mã số VI.2-2010.07 do PGS.TS. Đinh Công Tuấn và ThS. Đinh Công Hoàng làm chủ nhiệm. Mục đích cuốn sách nhằm nghiên cứu việc điều chỉnh chính sách ASXH ở các nước Bắc Âu trong và sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, qua đó làm cơ sở cho việc tham khảo, học hỏi những kinh nghiệm giải quyết các vấn đề xã hội giai đoạn khủng hoảng, đồng thời đưa ra khiến nghị về bài học chính sách trong việc hoàn thiện hệ thống ASXH ở Việt Nam từ nay đến năm 2020.
Về nội dung, ngoài phần Mở đầu, Kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành ba chương: Chương 1. Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đến hệ thống ASXH ở các nước Bắc Âu; Chương 2. Điều chỉnh chính sách ASXH ở một số nước Bắc Âu trong giai đoạn khủng hoảng (2008 – 2011); Chương 3. Dự báo triển vọng ASXH Bắc Âu trong tương lai, tác động và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Chương 1 chia làm 2 phần. Phần thứ nhất cung cấp thông tin liên quan đến một số vấn đề lý luận và thực tiễn về ASXH ở các nước Bắc Âu, bắt đầu từ việc nghiên cứu lịch sử hình thành và các định nghĩa khác nhau về ASXH. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau song cho đến nay, khái niệm ASXH của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được coi là chính thống và sử dụng rộng rãi nhất, theo đó ASXH được định nghĩa là “sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt các biện pháp công cộng nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do ngừng hoặc giảm thu nhập, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con”. Phần này cũng đi sâu tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển, những đặc điểm chủ yếu của hệ thống ASXH Bắc Âu và những thách thức đối với hệ thống này. Phần thứ hai, các tác giả tập trung đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến hệ thống ASXH ở các nước Bắc Âu trên nhiều phương diện. Theo đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến các vấn đề xã hội đang tiềm ẩn ở Bắc Âu ngày càng trở nên nghiêm trọng như việc làm, thất nghiệp, hưu trí, người già, trợ cấp xã hội và người nhập cư.
Chương 2 mô tả bức tranh khái quát về hệ thống ASXH, những thách thức với hệ thống ASXH và các chương trình điều chỉnh chính sách ASXH trong khủng hoảng ở một số nước Bắc Âu tiêu biểu đó là Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy trong giai đoạn khủng hoảng từ năm 2008 đến 2011. Từ việc nghiên cứu điều chỉnh chính sách ASXH tại các quốc gia nói trên, các tác giả đi đến khái quát chung những điều chỉnh chính sách ASXH ở các nước Bắc Âu trong khủng hoảng, đồng thời rút ra 4 kết luận: (i) Tất cả các nước Bắc Âu đều có những điều chỉnh chính sách ASXH một cách mạnh mẽ và toàn diện trên nhiều vấn đề xã hội nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và giải quyết những thách thức của hệ thống ASXH; (ii) Mặc dù mỗi nước đều thực thi điều chỉnh chính sách ở một lĩnh vực khác nhau hoặc ở mức độ điều chỉnh khác nhau, nhưng nhìn chung các chính sách ASXH ở Bắc Âu trong giai đoạn khủng hoảng đều hướng mạnh về thị trường lao động; (iii) Mặc dù gặp nhiều khó khăn về ngân sách, nợ công trong giai đoạn khủng hoảng, các nước Bắc Âu vẫn tập trung thực hiện các chính sách trợ cấp xã hội một cách hào phóng; (iv) Điều chỉnh chính sách ASXH ở các nước Bắc Âu kể từ năm 2008 đến nay có cả tính đặc thù và khác biệt.
Chương 3 chia làm 3 phần. Phần thứ nhất đề cập đến những tác động của sự điều chỉnh chính sách ASXH ở Bắc Âu đối với thế giới và châu Âu. Phần tiếp theo dự báo triển vọng ASXH Bắc Âu trong tương lai. Phần cuối cung cấp những thông tin liên quan đến thực trạng hệ thống ASXH ở Việt Nam hiện nay và tác động của việc điều chỉnh chính sách ASXH Bắc Âu đối với Việt Nam (cụ thể là tác động đến mô hình ASXH của Việt Nam thời gian tới, đến việc thực hiện các mục tiêu ASXH và việc sửa đổi các chính sách, luật pháp và quy định liên quan đến ASXH). Trên cơ sở những nội dung đã phân tích, các tác giả đưa ra một số bài học và kiến nghị chính sách cho Việt Nam. 5 bài học đó là: (i) Cân đối ngân sách để giải quyết khủng hoảng kinh tế gắn với tạo việc làm đầy đủ và thực hiện tốt các mục tiêu ASXH; (ii) Thực hiện chính sách ASXH phổ quát, toàn diện; (iii) Xây dựng thị tường lao động tích cực; (iv) Vai trò quan trọng của Nhà nước trong xây dựng chính sách ASXH và phân bổ phúc lợi xã hội; (v) Cần tránh những khiếm khuyết vốn có của mô hình ASXH ở Bắc Âu thời gian qua.
Hệ thống ASXH tại Việt Nam thời gian gần đây đã và đang được hoàn thiện tạo điều kiện phân bổ phúc lợi xã hội và an sinh ngày càng mở rộng cho người dân. Tuy nhiên, hệ thống ASXH nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt trong việc đảm bảo tính toàn diện và đưa lợi ích an sinh đến hầu hết dân chúng. Do đó, những nghiên cứu của cuốn sách về kinh nghiệm điều chỉnh chính sách ASXH tại các nước Bắc Âu sẽ là nguồn thông tin hữu ích trong việc hoàn thiện hệ thống ASXH của Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới của nền kinh tế.
Hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc. Xin trân trọng giới thiệu ./.
Nguồn: NXB Khoa học xã hội