Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH) của mỗi quốc gia. Ở châu Âu, BHXH cho người nông dân được triển khai rộng khắp, mang tính đặc trưng đặc thù với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Ở một số nước như Pháp, Ba Lan và Hy Lạp, BHXH cho người nông dân được hình thành từ rất sớm. Trải qua nhiều lần cải cách cơ cấu, tổ chức đến nay BHXH cho người nông dân đã đem lại những thành công nhất định, tạo được sự tin tưởng cho người nông dân trong việc bảo đảm mọi mặt an sinh xã hội từ bảo hiểm y tế, hưu trí, thất nghiệp, tai nạn, bảo đảm quyền và lợi ích liên quan cho các thành viên trong gia đình người tham gia bảo hiểm, phòng ngừa rủi ro, tai nạn lao động… BHXH cho người nông dân ở các quốc gia châu Âu này cho thấy một khó khăn chung mà nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với trong thực tế đó là khó khăn trong việc đạt được tỷ lệ bao phủ toàn diện những người nông dân tham gia bảo hiểm bất chấp những cải cách, đổi mới được đưa ra. Điều này cho thấy, các nước nước vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu bảo hiểm toàn diện cho mọi người nông dân, đặc biệt là càng là thách thức lớn đối với các quốc gia có tỷ lệ lao động nông nghiệp tự do lớn.
Để hiểu rõ hơn về bảo hiểm xã hội của người nông dân trong mạng lưới an sinh xã hội tại một số nước châu Âu cũng làm sáng tỏ các vấn đề lý luận có liên quan, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, năm 2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở một số nước châu Âu - Lý luận và thực tiễn” do PGS.TS. Đặng Minh Đức làm chủ biên.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1. Vấn đề chung về bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở châu Âu
Trên cơ sở làm rõ nội hàm khái niệm về bảo hiểm xã hội và một số vấn đề lý luận có liên quan, các tác giả đã đưa ra 05 tiêu chí cơ bản nhằm đánh giá mô hình bảo hiểm xã hội nông dân: (i) Đối tượng tham gia; (ii) Các chế độ bảo hiểm/ độ bao phủ; (iii) Mức đóng phí của nông dân; (iv) Hỗ trợ của nhà nước; (v) Quản lý quỹ và tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Phân tích về các yếu tố ảnh hưởng tới bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở một số quốc gia châu Âu, nghiên cứu chỉ ra rằng nhà nước có thể sử dụng nhiều công cụ để thực hiện vai trò điều tiết của mình. Sự hỗ trợ của chính phủ đối với bảo hiểm nông nghiệp là một phần của toàn bộ chính sách nông nghiệp nói chung nhằm sửa chữa sự thiếu hiệu quả của thị trường và là một phần của các mục tiêu rộng lớn hơn. Bên cạnh những nỗ lực từ phía nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm, sự tham gia của người nông dân đóng vai trò rất to lớn và điều này phụ thuộc vào nhận thức của người nông dân…
Chương 2. Bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở một số nước châu Âu
Trong chương này, các tác giả tập trung phân tích bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở ba quốc gia châu Âu (Pháp, Ba Lan và Hy Lạp) với vấn đề cơ bản sau: (i) Cơ chế chính sách cho việc hình thành bảo hiểm xã hội cho người nông dân; (ii) Bảo hiểm xã hội cho người nông dân; (iii) Bảo hiểm xã hội của người nông dân trong mạng lưới an sinh xã hội. Tại Pháp, BHXH nông dân phát triển từ rất sớm được hình thành dựa trên nguyên tắc cơ bản là trợ giúp tương hỗ hướng tới sự ổn định bền vững, với các chế độ và hình thức tham gia bảo hiểm xã hội đa dạng, từ chế độ hưu trí, tử tuất, y tế, tai nạn lao động…Tại Ba Lan, Quỹ An sinh xã hội nông dân (KRUS) cung cấp bảo hiểm xã hội theo hình thức như nghỉ hưu, trợ cấp hưu trí, khuyết tật và tai nạn, bệnh tật và bảo hiểm thai sản cho nông dân. Quỹ này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và tách biệt hoàn toàn với Cơ quan Bảo hiểm xã hội (ZUS) và Quỹ Sức khỏe quốc gia (NFZ), việc tách biệt này cho thấy nông dân là đối tượng được Ba Lan đặc biệt chú trọng trong mạng lưới an sinh xã hội nói chung. Nghiên cứu khẳng định, việc triển khai mô hình bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở Ba Lan đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đối với Hy Lạp, quốc gia này có ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng khá lớn so với các ngành khác như vận tải biển hay du lịch, ngành nông nghiệp Hy Lạp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Năm 1961, Quỹ Bảo hiểm nông nghiệp Hy Lạp (OGA) được thành lập và đến năm 1998, Quỹ đã được bổ sung và chuyển đổi hoàn toàn sang Quỹ Bảo hiểm cho người nông dân và cung cấp một loạt các chế độ bảo hiểm. Các tác giả nhận định, chính sách bảo hiểm xã hội cho người nông dân là một trụ cột chính sách an sinh xã hội quan trọng. Khung pháp lý và chính sách của Hy Lạp là nền tảng vững chắc đã giúp cho việc triển khai mô hình bảo hiểm xã hội cho người nông dân được thực hiện khá tốt và mang tính đặc thù riêng của hệ thống an sinh xã hội mô hình công của Hy Lạp. Tuy nhiên vẫn còn một số những thách thức và áp lực mà nước này buộc phải có những kế hoạch cải cách và điều chỉnh khung pháp lý để thích ứng với những thay đổi và biến động của xã hội.
Chương 3. Một số đánh giá và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Trên cơ sở phân tích ba mô hình bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở một số quốc gia châu Âu, nhóm tác giả đã phân tích được tính đặc thù, phổ quát của các sản phẩm bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở ba quốc gia này, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cũng như hàm ý chính sách cho cho Việt Nam.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu, gợi mở cho độc giả đặc biệt là những nhà quản lý, hoạch định chính sách bảo hiểm xã hiểm xã hội cho nông dân có tầm nhìn bao quát hơn, thúc đẩy người nông dân có ý thức tự nguyện tham gia BHXH nhiều hơn và cũng vì thế mà bảo hiểm xã hội phát huy hơn nữa những giá trị về an sinh xã hôi mà nó mang lại cho những người tham gia.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nguyễn Minh Hồng
(Nguồn: Nhà xuất bản Khoa học xã hội)