Tìm kiếm

Điều chỉnh chính sách FTA của Liên minh Châu Âu và đối sách của Việt Nam Bảo hiểm nông nghiệp: Chính sác

19/10/2017

PGS. TS. Nguyễn An Hà ;

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ;

2016

302

Việc nghiên cứu những điều chỉnh chính sách FTA của Liên minh Châu Âu trong bối cảnh hậu khủng hoảng từ năm 2008 đến nay, đánh giá thực trạng quan hệ và nhu cầu triển khai cũng như quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU;

Việc nghiên cứu những điều chỉnh chính sách FTA của Liên minh Châu Âu trong bối cảnh hậu khủng hoảng từ năm 2008 đến nay, đánh giá thực trạng quan hệ và nhu cầu triển khai cũng như quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU; nghiên cứu thực tiễn triển khai FTA giữa EU với một số nước Đông Á như Hàn Quốc và Singapore; đánh giá dự báo những tác động, từ đó rút ra những khuyến nghị cho Việt Nam có những đối sách phù hợp nhằm phát huy tối đa tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực là hết sức cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Xuất phát từ những yêu cầu đó, PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Điều chỉnh chính sách FTA của Liên minh Châu Âu và đối sách của Việt Nam”. Nội dung cuốn sách được trình bày trong 4 chương: Chương 1: Điều chỉnh chính sách FTA của Liên minh Châu Âu; Chương 2: Hướng tới FTA Việt Nam – EU; Chương 3: Thực tiễn triển khai FTA EU với Đông Á; Chương 4: Cơ hội, thách thức từ FTA với EU và đối sách của Việt Nam.

Liên minh Châu Âu (EU) bao gồm 28 nền kinh tế thành viên, là một trong những đối tác thương mại lớn nhất thế giới, với quy mô thị trường 18.000 tỉ USD (chiếm 22% tổng GDP toàn cầu), dân số trên 500 triệu người, tổng kim ngạch thương mại hằng năm đạt xấp xỉ 4.000 tỉ USD, cung cấp gần 40% vốn đầu tư ra nước ngoài của thế giới. Các quốc gia EU đóng vai trò quan trọng trong lưu chuyển thương mại quốc tế, dẫn đầu thế giới cả xuất khẩu và nhập khẩu. Thị phần của Liên minh Châu Âu trong tổng thương mại thế giới chiếm khoảng 24,7% xuất khẩu và 21,2% nhập khẩu. EU chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với các hậu quả tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách và nợ công cao. Trước những thách thức như vậy, cùng với những giải pháp ngắn hạn ứng phó với khủng hoảng và nợ công, EU thực hiện những điều chỉnh mạnh mẽ trong chiến lược phát triển, trong chính sách kinh tế đối ngoại cũng như các hiệp định thương mại tự do FTA với các đối tác, trong đó có Việt Nam.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và EU đã đạt được những kết quả khả quan. Việt Nam - EU đã có lịch sử một phần tư thế kỉ thiết lập quan hệ ngoại giao và 20 năm kí Hiệp định khung về hợp tác Việt Nam – EU. EU là đối tác quan trọng hàng đầu về thương mại và đầu tư của Việt Nam trong những năm đầu thế kỉ XXI. Quan hệ này được nâng lên tầm cao mới khi hai bên kí kết Hiệp định Hợp tác đối tác toàn diện PCA tháng 6/2012, và chính thức khởi động đàm phán FTA Việt Nam - EU. Trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính từ năm 2008 đến nay, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm sâu, EU cũng rơi vào khủng hoảng nợ công, song quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác phát triển giữa hai bên vẫn duy trì và phát triển.

Hiện nay, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, việc nâng cao chất lượng của hội nhập quốc tế, tận dụng sức mạnh bên ngoài để phục vụ bên trong có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, thực hiện thành công các mục tiêu của chiến lược phát triển nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Như vậy, việc triển khai FTA Việt Nam - EU là một điểm nhấn quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Khi triển khai FTA, ước tính GDP của Việt Nam có thể tăng thêm trên 15% so với mức tăng hiện tại, tiền lương thực tế của lao động có chuyên môn tăng khoảng 12%, của lao động không có chuyên môn tăng khoảng 13% và kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 35%. Ngoài ra trong tương lai gần, khi Việt Nam tiến tới "bẫy thu nhập trung bình", FTA cũng là một công cụ quan trọng hỗ trợ cho Việt Nam thoát khỏi bẫy này. Đến nay Việt Nam đang dựa trên lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ, tuy nhiên lợi thế này đang mất dần trong quá trình Việt Nam phát triển thành một nước công nghiệp, tiền lương và sinh hoạt phí đều tăng lên. Hơn nữa, Việt Nam phải cạnh tranh với các nước trong khu vực như Campuchia, Lào và Myanmar khi hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015. Mặt khác, sau khi Việt Nam thoát nghèo thì đã không được hưởng quy chế miễn thuế EBA "mọi thứ trừ vũ khí" của EU đối với các nước nghèo. Hiện nay, Việt Nam chỉ được hưởng quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP dành cho các thành viên của WTO và được giảm thuế khi xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, lợi thế này cũng chỉ duy trì đến khi mức thu nhập bình quân đầu người dưới 4.000USD, khi thu nhập vượt qua ngưỡng "trung bình" này thì sẽ bị loại ra khỏi GSP.

Do đó, việc kí kết FTA sẽ duy trì một số lợi thế lâu dài hơn, tránh rủi ro, FTA sẽ mang lại cơ hội mở rộng hơn quan hệ thương mại và đầu tư giúp Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực còn hàng loạt các tác động tiêu cực, đặc biệt là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế khi hội nhập sâu với một đối tác có trình độ phát triển hơn.

Như vậy, việc gặt hái các lợi ích tiềm tàng này như thế nào, làm sao để giảm thiểu các tác động tiêu cực không chỉ phụ thuộc vào quá trình đàm phán kí kết mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi các cam kết sau đàm phán của Việt Nam, vào việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường hiện đại của Việt Nam.

Hi vọng cuốn sách sẽ đem lại những thông tin hữu ích cho những ai quan tâm đến việc điều chỉnh chính sách FTA của Liên minh Châu Âu và đối sách của Việt Nam về vấn đề này.

Xin trần trọng giới thiệu cùng độc giả./.

Nguồn: NXB Khoa học xã hội

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com