Tìm kiếm

Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Liên bang Nga từ sau khủng hoảng Ucraina và những tác động

15/08/2022

PGS. TS. Nguyễn An Hà ; TS. Vũ Thụy Trang ;

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ;

2020

308

PGS.TS. Nguyễn An Hà (đồng chủ biên); TS. Vũ Thụy Trang (đồng chủ biên)

Sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu năm 2008, Nga rơi vào suy thoái kinh tế sâu sắc, do đó, trong chính sách đối ngoại, Nga ưu tiên phát triển kinh tế, đẩy nhanh lộ trình gia nhập WTO cũng như cố gắng phát triển cân bằng hơn trong chính sách kinh tế đối ngoại. Trước thời điểm khủng hoảng Ucraina, nước Nga duy trì chính sách cân bằng ngoại giao Đông – Tây tiến tới xây dựng một liên minh Âu – Á. Năm 2012, Tổng Thống Nga Putin tuyên bố: “chính sách đối ngoại là một phần quan trọng của chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, những đe dọa bên ngoài làm thay đổi thế giới buộc nước Nga phải tiến hành nhiều giải pháp trong kinh tế, văn hóa cũng như những giải pháp về ngân sách và đầu tư…”. Nhiều chuyên gia nhận định, chính cuộc khủng hoảng Ucraina được coi là nguyên nhân trực tiếp châm ngòi cho những căng thẳng cao độ trong quan hệ Nga và các nước phương Tây kể từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay. Trước tình hình đó, Nga đã gặp không ít khó khăn do Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục gia hạn các lệnh cấm vận, tăng trưởng âm, lạm phát cao… ảnh hưởng tới tăng trường và phát triển kinh tế - xã hội. Và vì vậy buộc Nga phải có những điều chỉnh chính sách đối ngoại để đối phó với tình trạng trên, đưa đất nước trở lại trạng thái cân bằng và hướng đến sự phát triển hùng mạnh. Đối với Việt Nam, Nga không chỉ là đối tác hợp tác toàn diện mà còn là một nhân tố quan trọng giúp duy trì ổn định trong khu vực và trên thế giới, do đó, việc nắm bắt sâu sắc, dự báo chính xác những động thái trong chiến lược phát triển của Nga trong đó có chính sách đối ngoại sẽ giúp cho Việt Nam có những bước đi thiết thực nhằm thúc đẩy tốt hơn quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nga trong thời gian tới, đặc biệt góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Dảng lần thứ XII.

Để hiểu rõ hơn về cuộc khủng hoảng Ucraina cũng như những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Nga kể từ sau cuộc khủng hoảng này, năm 2020, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo: “Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Liên bang Nga từ sau khủng hoảng Ucraina và những tác động” do PGS.TS. Nguyễn An Hà và TS Vũ Thụy Trang đồng chủ biên.

Ngoài Lời nói đầu và phần Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành 6 chương:

Chương 1. Tổng quan về cuộc khủng hoảng Ucraina

Trong chương này, nhóm tác giả đã khái quát về cuộc khủng hoảng Ucraina đồng thời phân tích nguyên nhân cũng như những quan điểm và giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Qua phân tích và nhìn nhận vấn đề khủng hoảng Ucraina dưới quan điểm của các chuyên gia và tổ chức uy tín trên thế giới, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc đoán định xu thế vận động và phát triển của Ucraina là hết sức khó khăn, bởi vậy có một số kịch bản phát triển tương lai cho Ucraina được đưa ra như sau: (i) Ucraina gia nhập EU và NATO; (ii) Ucraina bị chia cắt “Đông – Tây”; (iii) Ucraina duy trì “cân bằng” lợi ích giữa “Đông – Tây và phát triển ổn định.

Chương 2. Tác động của khủng hoảng Ucraina đến thế giới, khu vực và nước Nga

Cuộc khủng hoảng Ucraina đã tạo mối nguy từ bên trong mỗi nước lẫn bên ngoài khu vực, đe dạo đến an ninh các quốc gia, tạo ra sự chia tách giữa các cường quốc hàng đầu thế giới và cuộc khủng hoảng này được cho là “ngòi nổ” kích hoạt cho những căng thẳng lên đến đỉnh điểm vốn được tích tụ từ lâu giữa Nga và Mỹ. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng phân tích những tác động của cuộc khủng hoảng tới hàng loại các mối quan hệ khác của Nga như: Nga – EU; Nga – Trung Quốc; Nga – NATO… Nghiên cứu khẳng định rằng, những căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ đang ở trong khoảng thời gian tồi tệ nhất trong lịch sử quan hệ song phương và là một trong những xu hướng nổi bật nhất trong nền chính trị thế giới hiện nay.

Chương 3. Những điều chỉnh cơ bản trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga từ sau khủng hoảng Ucraina

Trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng Ucraina, Nga theo đuổi chính sách đối ngoại tự chủ và độc lập, xuất phát từ các lợi ích quốc gia của mình và trên cơ sở tôn trọng vô điều kiện luật pháp quốc tế. Mục tiêu chính của chính sách đối ngoại của Nga theo hướng châu Âu là tạo ra hệ thống hợp tác và an ninh tập thể chung thật sự công khai và dân chủ cho toàn khu vực, một hệ thống có khả năng bảo đảm được sự thống nhất của khu vực châu Âu – Đại Tây Dương – từ Vancuver tới Vladivostok. Kể từ năm 2014, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng Ucraina, Nga có một số điều chỉnh cơ bản trong chính sách đối ngoại: (i) Điều chỉnh trong chiến lược an ninh quốc phòng. Trong đó Tổng thống Nga đã phê chuẩn Học thuyết quân sự mới được Hội đồng an ninh thông qua vào ngày 19/12/2014, cụ thể Học thuyết quân sự mới có 58 điều, nhiều hơn 5 điều so với Học thuyết quân sự năm 2010. Điều này cho thấy, nước Nga không thể chỉ dựa vào các biện pháp ngoại giao và kinh tế để loại bỏ mâu thuẫn và giải quyết xung đột mà dựa trên cả sức mạnh quốc phòng để bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vị thế của mình trên trường quốc tế. (ii) Điều chỉnh các định hướng và hoạt động đối ngoại. Trong đó, hướng ưu tiên của Liên bang Nga là hình thành một trật tự thé giới công bằng và bền vững; Thượng tôn pháp luật trong quan hệ quốc tế; Tăng cường an ninh quốc tế; Hợp tác kinh tế và môi trường. Đề cập tới các hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga, nhóm tác giả nhận định, Nga luôn điều chỉnh theo hướng vừa có ưu tiên, vừa đa dạng hóa, vừa linh hoạt thực dụng, phù hợp với những thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế, mối quan hệ của các nước lớn cũng như vị thế của Nga trên thế giới. Trong đó, tập trung vào việc tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững trong nước và đa dạng hóa nền kinh tế của mình, thông qua việc xúc tiến các dự án đầy triển vọng và sáng tạo trong các lĩnh vực khác nhau.

Chương 4. Thực tiễn điều chỉnh chính sách đối ngoại của Liên bang Nga trong quan hệ với các đối tác chính

Chương này, để phân tích thực tiễn điều chỉnh chính sách đối ngoại của Liên bang Nga trong quan hệ với các đối tác chính, nhóm tác giả đã đề cập tới bốn vấn đề cốt lõi sau: Thứ nhất, củng cố quan hệ với CIS, đây được cho là ưu tiên quan trọng hàng đầu; Thứ hai, chủ động, cứng rắn, vừa hợp tác, vừa đấu tranh với Mỹ và EU; Thứ ba, gia tăng chính sách hướng Đông, cải thiện vị thế của Liên bang Nga ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Thứ tư, tận dụng các “điểm nóng” để cải thiện vị thế đất nước. Sự điều chỉnh rõ rệt trong chính sách đối ngoại của Nga được nhóm nghiên cứu chỉ ra là, Nga hướng tới giải quyết các vấn đề, đối phó được với áp lực từ Mỹ và các đồng minh, đồng thời, giảm sự cô lập về chính trị và kinh tế để thích ứng với biện pháp trừng phạt và giá dầu thấp chống lại phương Tây.

Chương 5. Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga trong trung hạn và dài hạn

Điểm nổi bật của chương này là nghiên cứu đã chỉ ra các nhân tố tác động đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của Liên bang Nga trong thời gian tới, từ đó phân tích những định hướng đối ngoại của Nga trong trung và dài hạn. Trước mắt, từ nay đến năm 2025, Nga vẫn sẽ có đủ tiềm lực để thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng độc lập, chủ động, thực dụng và linh hoạt nhằm bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia trên cơ sở tận dụng những ưu thế và tiềm năng của mình về nguồn năng lượng, nhiên liệu, vũ khí để tập hợp lực lượng, tìm kiếm đồng minh phục vụ mục tiêu nâng cao vai trò và ảnh hưởng của Nga với tư cách là một nước lớn trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở của Thông điệp Liên bang Nga tháng 3/2018 của Tổng thống nga V.Putin và Báo cáo về chính sách đối ngoại của Ủy ban Nga về các vấn đề quốc tế, có thể nhận định chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga trong ngắn hạn và trung hạn đối với một số khu vực như: (i) Hướng không gian hậu Xô Viết; (ii) Hướng phía Tây; (iii) Hướng Trung Đông.

Chương 6. Dự báo tác động của sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nga đến thế giới, khu vực và Việt Nam

Trên cơ sở phân tích những dự báo tác động của sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nga đến thế giới, khu vực và Việt Nam, nhóm tác giả khẳng định, mặc dù Việt Nam không phải là nước lớn và dù thế giới có biến đổi mạnh mẽ như thế nào thì Việt Nam vẫn là đối tác truyền thống, quan trọng không thể thiếu trong chính sách hướng Đông của Nga và chịu ảnh hưởng từ sự điều chỉnh chiến lược của Nga trong quan hệ với các nước lớn cũng như với các khu vực mà Nga có nhiều lợi ích. Và do đó, sự điều chỉnh chiến lược của Nga giúp cho quan hệ Nga – Mỹ ấm lên sẽ có lợi cho an ninh và hòa bình ở Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ, quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Mỹ đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Việt – Nga trong tương lai, nghiên cứu đã đề ra một số khuyến nghị tập trung vào vấn đề đổi mới nhận thức về bối cảnh mới, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, và hợp tác đa phương.

Đây là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, những nhà nghiên cứu tâm huyết và chuyên môn sâu, hy vọng nội dung cuốn sách sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của độc giả về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga và những tác động của nó, đặc biệt là sau thời kỳ khủng hoảng Ucraina.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Minh Hồng

 

(Nguồn: Nhà xuất bản Khoa học xã hội)

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com