Quan hệ kinh tế EU- Việt Nam có vị trí quan trọng trong quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam, đặc điểm nổi trội trong quan hệ thương mại giữa hai bên là tính bổ sung thương mại lớn. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU tập trung vào các sản phẩm thô và các mặt hàng chế biến thâm dụng lao động như hàng nông sản, thủy sản, dệt may, da giày… trong khi ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập các mặt hàng sử dụng công nghệ cao như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, máy vi tính…Ngày 30/6/2019, Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương tiến bộ và toàn diện (CPTPP), Hiệp định EVFTA là một hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các cam kết dành cho nhau ở mức độ mở cửa rất cao, cũng như yêu cầu về các vấn đề khác như lao động, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ.
Với các cam kết mở rộng thị trường của hai bên, có thể kỳ vọng tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai bên so với mức độ bổ sung thương mại cao so với các thị trường khác, cũng như mở rộng đầu tư vào thị trường hai bên. Trong bối cảnh này, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội về mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập đầu tư vào thị trường EU ở những lĩnh vực có thế mạnh, tuy nhiên gặp phải những thách thức khi nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam kém cạnh tranh cũng như bị các doanh nghiệp EU cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Để hiểu rõ hơn về thực trạng quan hệ kinh tế của Việt Nam – EU trong bối cảnh thực thi hiệp định EVFTA, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm tối ưu hóa lợi ích của Việt Nam từ việc thực thi Hiệp định này trong giai đoạn tới, năm 2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Quan hệ kinh tế Việt Nam – EU trong bối cảnh thực hiện EVFTA” do PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ cùng tên do PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng làm chủ nhiệm.
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được bố cục thành 3 chương:
Chương 1. Cơ sở của quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU trong bối cảnh thực thi Hiệp định FTA thế hệ mới
Nhóm tác giả xây dựng cơ sở khoa học về quan hệ kinh tế và pháp lý (thương mại và đầu tư) giữa Việt Nam và EU trong bối cảnh thực thi Hiệp định FTA thế hệ mới; chỉ ra cơ hội và thách thức từ Hiệp định “thế hệ mới” của EVFTA và chia sẻ kinh nghiệm về tận dụng Hiệp định thương mại tự do của EU với các nước như Hàn Quốc, Singapore. Nghiên cứu khẳng định, EVFTA được đánh giá là sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội đặc biệt là những thách thức đáng kể ở cả các khía cạnh kinh tế, thể chế và phát triển bền vững. Mặc dù vậy, các cơ hội được đánh giá là lớn hơn, và các thách thức có các cơ chế khả thi để giảm thiểu tác động.
Chương 2. Thực trạng quan hệ kinh tế của Việt Nam – EU trong bối cảnh thực thi hiệp định EVFTA
Trong chương này, nhóm nghiên cứu làm rõ một số nội dung sau: (i) Những điều chỉnh chính sách của Việt Nam đáp ứng cam kết hiệp định EVFTA; (ii) Những điều chỉnh chính sách chủ động của Việt Nam; (iii) Thực trạng quan hệ kinh tế Việt Nam – EU sau khi thực thi Hiệp định; (iv) Tác động của thực thi EVFTA đối với quan hệ kinh tế; (v) Nghiên cứu trường hợp: Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU; (vi) Nghiên cứu trường hợp: Thực thi trách nhiệm xã hội tại các DN/HTX nông nghiệp tại Sơn La; (vii) Đánh giá tổng quát chính sách tận dụng cơ hội và ứng phó với thách thức của Việt Nam khi thực thi cam kết EVFTA. Nghiên cứu chỉ ra rằng, hai năm thực thi Hiệp định vừa qua trùng với giai đoạn bất ổn khi thế giới phải vật lộn với đại dịch Covid-19 và chịu tác động của xung đột Nga-Ucraina. Vì thế kết quả không như các dự báo đánh giá tác động trước ký kết kỳ vọng. Nhưng kết quả vẫn đáng khích lệ với các con số tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Chương 3. Giải pháp tận dụng, tối đa hóa lợi ích thu được từ việc thực thi cam kết EVFTA trong quan hệ kinh tế của Việt Nam – EU
Để tối đa hóa lợi ích từ Hiệp định EVFTA, nhóm tác giả đã đề xuất một số các giải pháp như sau:
Thứ nhất, về khía cạnh quan hệ thương mại: (i) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật để bảo đảm tương thích với các nghĩa vụ và cam kết trong EVFTA và bắt kịp với xu hướng chuyển đổi của EU; (ii) Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp để đáp ứng quy tắc về xuất xứ hàng hóa; (ii) Tăng cường chuyển đổi số tại các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu; (iii) Nâng cao nhận thức các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hợp tác xã về trách nhiệm xã hội
Thứ hai, về khía cạnh quan hệ đầu tư: (i) Tích cực vận động các nước thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA; (ii) Tiếp tục cải cách thể chế, khuôn khổ pháp lý bền vững và có thể dự đoán được hỗ trợ các hoạt động đầu tư; (iii) Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; (iv) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Có thể khẳng định, với cách tiếp cận liên ngành cùng các phương pháp phân tích chuyên ngành, cuốn sách đã mang đến cho độc giả những thông tin hữu ích về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là chính sách ban hành sau khi ký và thực thi Hiệp định EVFTA. Hy vọng cuốn sách là nguồn tư liệu hữu ích dành cho độc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu!