Tìm kiếm

Vốn xã hội – cái nhìn từ Châu Âu

24/09/2017

TS. Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên) ;

2016

266

Trong những năm gần đây, làn sóng nghiên cứu về vốn xã hội ở Châu Âu thu hút sự quan tâm của các học giả trên thế giới. Nhiều học giả cho rằng, nếu vốn xã hội ở Mỹ đang sụt giảm thì vốn xã hội ở Châu Âu vẫn duy trì được sức mạnh của nó và giúp Châu Âu vượt qua khủng hoảng, củng cố xã hội dân sự, tăng cường nền dân chủ và các mạng lưới trong liên minh.

Trong những năm gần đây, làn sóng nghiên cứu về vốn xã hội ở Châu Âu thu hút sự quan tâm của các học giả trên thế giới. Nhiều học giả cho rằng, nếu vốn xã hội ở Mỹ đang sụt giảm thì vốn xã hội ở Châu Âu vẫn duy trì được sức mạnh của nó và giúp Châu Âu vượt qua khủng hoảng, củng cố xã hội dân sự, tăng cường nền dân chủ và các mạng lưới trong liên minh. Khi các nền kinh tế phát triển của Châu Âu bước vào giai đoạn hậu vật chất, hậu công nghiệp, người ta tin rằng vốn xã hội sẽ là một nhân tố mới giúp tạo ra tăng trưởng. Được thúc đẩy bởi những thành công trong kinh tế, phần lớn các nhà nước ở Châu Âu chuyển thành các nhà nước phúc lợi. Điều đó cũng đồng nghĩa nhà nước phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong việc phân phối phúc lợi cho toàn dân. Tuy nhiên, nghĩa vụ này khiến các nhà nước bị quá tải, gây ra khủng hoảng ở nhiều quốc gia Châu Âu. Trong bối cảnh đó, vốn xã hội có thể đóng vai trò quan trọng giúp lấy lại niềm tin của người dân đối với chính phủ. Đầu những năm 1990 Châu Âu chứng kiến sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, làm xuất hiện một làn sóng dân chủ mới.

Cuốn sách Vốn xã hội - cái nhìn từ Châu Âu là kết quả khảo sát, nghiên cứu về vốn xã hội ở Châu Âu do nhóm tác giả thực hiện, TS. Trần Thị Phương Hoa, Viện Nghiên cứu Châu Âu chủ biên. Cuốn sách gồm ba chương: Chương 1: vốn xã hội ở Châu Âu - khái niệm, nguồn gốc, cấu trúc; Chương 2: Tiếp cận và đo lường vốn xã hội ở Châu Âu; Chương 3: Vai trò, tác động và khai thác vốn xã hội cho phát triển ở Châu Âu và gợi ý cho Việt Nam.

Từ những khái niệm ban đầu về vốn xã hội, rất nhiều tác giả và nhóm tác giả đã phát triển thành những nghiên cứu thuộc về nhiều chuyên ngành khác nhau. Đầu tiên phải kể đến các nhà xã hội học và kinh tế học, nghiên cứu vốn xã hội của các vùng, các khu vực khác nhau, qua đó hiểu được các mối quan hệ xã hội và sự vận hành của những mối quan hệ để từ đó nghiên cứu khả năng khai thác tiềm năng kinh tế có được từ các liên kết trong khu vực, vùng, quốc gia, địa phương. Ngân hàng Thế giới (WB) chính là nơi khởi xướng các nghiên cứu về vốn xã hội, từ năm 1998, WB đã cấp kinh phí để tiến hành 10 dự án nghiên cứu ban đầu về vốn xã hội, điều tra tại 22 quốc gia để hiểu rõ thế nào là vốn xã hội ở những quốc gia/khu vực khác nhau trên thế giới. Mục tiêu của các chương trình này là "cung cấp những hướng tiếp cận định tính và định lượng... nhằm hiểu được bản chất và nội hàm của vốn xã hội", WB cung cấp một cơ sở dữ liệu lớn liên quan đến vốn xã hội trên toàn thế giới và đưa ra 11 nhóm đề tài nghiên cứu trong đó vốn xã hội có liên quan và thúc đẩy phát triển.

Những dự án nghiên cứu về vốn xã hội của WB đã thu hút được nhiều học giả có tên tuổi tham gia. Ngoài các dự án điều tra khảo sát nặng về định lượng, một loạt các công trình mang tính lý thuyết cũng đã được công bố. Có thể phân chia các công trình thành những nhóm sau: đi sâu vào lý thuyết vốn xã hội; tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của vốn xã hội ở Châu Âu; tìm hiểu vốn xã hội ở các vùng Châu Âu (Bắc Âu, Nam Âu, Tây Âu và Đông Âu); vai trò của vốn xã hội với phát triển kinh tế, với chính trị, với y tế và chăm sóc sức khỏe.

Mảng lý thuyết vốn xã hội chiếm một vị trí quan trọng trong nghiên cứu liên quan đến vấn đề này, trong đó thực tiễn Châu Âu đóng góp một phần không nhỏ giúp các học giả đúc kết nên hệ thống lý thuyết. Họ đưa ra định nghĩa vốn xã hội, xác định vai trò của vốn xã hội thông qua các nguồn lực xã hội, tìm hiểu cấu trúc và thành phần của vốn xã hội. Từ những nghiên cứu lý thuyết, các nhà khoa học đã tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm nhằm định lượng vốn xã hội và ý nghĩa của nó đối với tăng trưởng kinh tế. Một số tác giả khác tập trung làm rõ mối quan hệ giữa vốn xã hội và chính trị. Vai trò của vốn xã hội trong chăm sóc sức khỏe cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Đặc biệt, vốn xã hội còn được nghiên cứu như đặc thù của từng khu vực ở Châu Âu. Ngoài ra, các nghiên cứu thực nghiệm cũng đã được tiến hành nhằm định lượng vốn xã hội, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến kỹ thuật khảo sát phỏng vấn điều tra, lập bảng hỏi.

Ở Việt Nam, kể từ đầu những năm 2000, giới nghiên cứu đã bắt đầu chú ý đến vốn xã hội như một yếu tố cho phát triển, trong đó đặc biệt phải kể đến các nhà xã hội học. Tuy nhiên, những nghiên cứu mang màu sắc vốn xã hội đã được triển khai ở Việt Nam từ khá sớm. Minh chứng cụ thể cho điều này là các nghiên cứu về nhân học, dân tộc học, văn hóa dân gian chỉ ra rằng trong các làng xã Việt Nam thường tồn tại nhiều hình thức tổ chức xã hội như dòng họ, hội, phường, phe, giáp. Những tổ chức này có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Người dân đã biết khai thác, sử dụng các nguồn lực trong các tổ chức này để hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau không chỉ trong sản xuất và kinh doanh, mà còn trong tất cả các giai đoạn khác nhau trong chu trình đời người như sinh nở, cưới xin, tang ma, giỗ tết. Như vậy, có thể nói rằng các nghiên cứu được gọi tên là vốn xã hội thì xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu, nhưng những nghiên cứu về bản chất vốn xã hội và vai trò của vốn xã hội đã được triển khai nhiều ở Việt Nam từ trước đến nay. Hiện nay, đã có các nghiên cứu về vốn xã hội nhưng vẫn ở phạm vi hẹp, giới hạn trong một cộng đồng hoặc các nhóm cư dân nhỏ. Trong khi đó, nghiên cứu về vốn xã hội ở Châu Âu là vô cùng lớn, về số lượng công trình cũng như quy mô và phạm vi nghiên cứu. Nghiên cứu về vốn xã hội mở ra một khả năng liên kết của nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn như kinh tế, xã hội học, chính trị học, lịch sử, tâm lý, khu vực học, tạo nên một tiếp cận đa ngành phong phú và hấp dẫn.

Việc nghiên cứu vốn xã hội ở Châu Âu được xem là cần thiết để hiểu được bản chất mối quan hệ xã hội, từ đó giúp những nước này hội nhập với EU, cũng là hội nhập với các nền dân chủ, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng cho tới nay vẫn giữ vững được những giá trị mang tính nhân loại của nó. Hy vọng cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu quý, đem lại những thông tin hữu ích cho độc giả, các khoa học khi tìm hiểu về vốn xã hội ở Châu Âu và Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Nguồn: NXB Khoa học xã hội

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com