Tìm kiếm

Tạp chí số 10 năm 2021

31/03/2022

Năm 2021 ;

Số 10 ;

MỤC LỤC

       Trang

CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU

 

1. LÊ DUY THẮNG

       3

Một số vấn đề xung quanh việc Hoa Kỳ và Nga tuyên bố rút khỏi Hiệp ước “Bầu trời mở”

Tóm tắt: Hiệp ước “Bầu trời mở” đa phương được ký kết vào năm 1992, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2002. Hiệp ước được coi là một trong những thỏa thuận quân sự chủ chốt nhằm xây dựng lòng tin thời hậu Chiến tranh Lạnh, là một trụ cột an ninh của Lục địa già. Tuy nhiên, sau nhiều năm liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận, Hoa Kỳ và Nga đã có những bước đi cứng rắn trong việc rời bỏ Hiệp ước. Trước nguy cơ đổ vỡ, đã đến lúc các quốc gia thành viên trong Hiệp ước cần củng cố lòng tin chiến lược, hướng tới sự ổn định chung mang tính toàn cầu.

 Từ khóa: Hiệp ước, OST, Nga, Hoa Kỳ, vũ khí, an ninh

 

 

2. ĐẶNG THỊ PHƯƠNG HOA

     12

 

Hướng đến nền kinh tế số ở Liên bang Nga: Một số vấn đề thực thi chính sách

Tóm tắt: Bài viết trình bày bối cảnh phát triển kinh tế số, những đòi hỏi cấp bách phải số hóa nền kinh tế của Liên bang Nga dẫn tới việc đặt ra những vấn đề số hóa nền kinh tế trong chính sách và khả năng triển khai chính sách đó ở Nga. Bằng số liệu thứ cấp từ nghiên cứu của các học giả Nga và nước ngoài, số liệu của các tổ chức quốc tế, bài viết tổng hợp và chỉ ra những khó khăn đang cản trở tiến trình triển khai chương trình số hóa nền kinh tế của Nga, đó là vấn đề cân bằng các mục tiêu phát triển khi số hóa, gánh nặng ngân sách, vai trò của chính quyền vùng và nhà nước. Đây là những vấn đề lớn không chỉ đối với riêng nước Nga khi bắt tay vào chuyển đổi nền kinh tế số trong bối cảnh chung.

Từ khóa: số hóa nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế Liên bang Nga, chính sách kinh tế số

 

 

KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

 

3. TRẦN THỊ THU HUYỀN

       25

Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững ở CHLB Đức qua mô hình tại Công viên quốc gia đảo Usedom

Tóm tắt: Phát triển du lịch bền vững đã và đang là xu thế phát triển của ngành du lịch của các quốc gia trên thế giới. Trong Chiến lược về Năng lực bền vững của Đức, các yêu cầu đối với phát triển du lịch bền vững bao gồm: (1) bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lực và các quá trình sinh thái; (2) tôn trọng cấu trúc xã hội và văn hóa của những điểm du lịch; (3) đảm bảo các hoạt động kinh tế dài hạn có khả năng tái sinh. Bài viết phân tích một số kinh nghiệm của CHLB Đức trong việc xây dựng chiến lược và thực hiện chương trình phát triển du lịch bền vững ở quốc gia này thông qua mô hình phát triển du lịch bền vững tại công viên quốc gia đảo Usedom. Bài viết đưa ra một số gợi ý về việc xây dựng chiến lược và thực hiện phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khoá: phát triển du lịch bền vững, chiến lược, Đức, Usedom

 

4. VŨ THANH HÀ

       37

Số hóa và bảo tàng ảo ở châu Âu: xu hướng và thách thức

Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới dựa trên nền tảng công nghệ. Đặc biệt, quá trình số hóa đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Không nằm ngoài guồng quay đó, công nghệ đã làm thay đổi diện mạo của hệ thống bảo tàng trên nhiều khía cạnh. Đó là sự thay đổi trong quản lý hiện vật, trong cách thức trưng bày hiện vật, sự tương tác giữa bảo tàng và công chúng. Trong những năm gần đây, bảo tàng ảo đang có xu hướng phát triển ở các quốc gia châu Âu. Loại hình này cung cấp thông tin về di sản văn hóa đa dạng với sự tương tác của công chúng và sự kết nối với các câu chuyện được trưng bày ở bảo tàng thông qua công nghệ 3D. Bài viết giới thiệu về số hóa bảo tàng và bảo tàng ảo ở một số quốc gia châu Âu. Số hóa bảo tàng chính là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ hiện nay. Đặc biệt, để thích ứng với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, bảo tàng ảo là giải pháp để các bảo tàng tiếp tục hoạt động.

Từ khóa: số hóa, bảo tàng ảo, châu Âu

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU

 

5. BÙI THỊ ÁNH VÂN

       47

Trận chiến sông Sajó (1241) và những hệ lụy lịch sử

Tóm tắt: Đầu thế kỷ XIII, sau khi thành lập nên nhà nước Mông Cổ, quân đội Thành Cát Tư Hãn đã tiến hành nhiều cuộc chinh Tây, mở rộng bờ cõi. Cùng với các quốc gia châu Âu, dân tộc Hungary đã anh dũng đứng lên kháng chiến chống Mông Cổ với trận chiến lịch sử trên sông Sajó (1241). Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, quân Hungary và quân đồng minh châu Âu đã thất bại trong trận chiến này. Trận chiến sông Sajó đã để lại nhiều hệ hụy lịch sử không chỉ đối với Hungary, với châu Âu mà cả đối với đế chế Mông Cổ. Từ tổng hợp các nghiên cứu của các học giả nước ngoài, bài viết đề cập hai vấn đề lớn: khái quát chiến trận Sajó; phân tích hệ lụy lịch sử của cuộc chiến tranh.

Từ khóa: trận chiến, Hungary, Mông Cổ, hệ lụy lịch sử, năm 1241

 

6. HOÀNG VĂN DŨNG & NGUYỄN NHƯ TRANG

       57

Pierre Bourdieu và vốn văn hóa

Tóm tắt: Pierre Bourdieu (1930-2002) là nhà xã hội học người Pháp, một trong những gương mặt lớn nhất của ngành xã hội học thế giới nửa cuối thế kỷ XX. Bourdieu đã xây dựng bộ khái niệm về ba loại vốn nổi tiếng, gồm: vốn kinh tế, vốn xã hội, vốn văn hóa. Ông sử dụng vốn văn hóa để nêu bật tầm quan trọng của nguồn lực văn hóa trong hai lĩnh vực là giáo dục và văn hóa. Vốn văn hóa giải thích sự thành công hay thất bại học đường của sinh viên có nguồn gốc xã hội khác nhau. Vốn văn hóa cũng được áp dụng nhằm giải thích sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật, cơ sở văn hóa của các tầng lớp xã hội. Một cách rộng hơn, khái niệm vốn văn hóa góp phần làm sáng tỏ cơ chế duy trì những bất bình đẳng xã hội và tái sản sinh xã hội, vốn thường được gắn với ý thức hệ dựa trên hệ tư tưởng thiên phú và thành tích.

Từ khóa: Bourdieu, vốn văn hóa, trình độ học vấn, tình yêu nghệ thuật, thị hiếu.

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU

 

7. TRẦN THẾ TUÂN

       69

Kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng logistics ở Hà Lan và những gợi ý cho Việt Nam

Tóm tắt: Bài viết tập trung trình bày thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng logistics của Hà Lan chỉ ra những thành công, hạn chế và rút ra những bài học cho Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics nhằm kết nối chuỗi cung ứng và làm tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế.

Từ khóa: phát triển, cơ sở hạ tầng, logistics, Hà Lan

 

8. HOA HỮU CƯỜNG

       79

Phát triển thương mại điện tử trong kinh doanh nông nghiệp tại Ba Lan

Tóm tắt: Nghiên cứu này nhằm hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về thương mại điện tử trong nông nghiệp và đánh giá sự phát triển của thương mại điện tử trong kinh doanh nông nghiệp, phân tích thực tiễn phát triển thương mại điện tử trong một số sản phẩm nông nghiệp của Ba Lan. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra những xu hướng mà các lĩnh vực tiềm năng khác sẽ phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới.

Từ khóa: thương mại điện tử, nông nghiệp, Ba Lan

 

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com