Tìm kiếm

Tạp chí số 8 năm 2021

30/03/2022

Năm 2021 ;

Số 8 ;

MỤC LỤC

       Trang

CHÍNH TRỊ - AN NINH CHÂU ÂU

 

1. NGUYỄN ANH TUẤN

       3

Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ukraine từ khi độc lập đến nay (1991-2021)

Tóm tắt: Vào ngày 24 tháng 8 năm 1991, Hội đồng tối cao (được đổi tên thành Quốc hội Ukraine hay là Verkhovna Rada từ ngày 12/9/1991) nước Cộng hòa XHCN Ukraine (SSRU) ra tuyên bố thành lập nhà nước Ukraine độc lập. Trải qua 30 năm kể từ khi tuyên bố độc lập (1991-2021), nhiều biến động bất ngờ và phức tạp xảy ra trên thế giới và khu vực đã có tác động lớn tới việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của Ukraine. 30 năm qua với 6 đời Tổng thống: 3 tổng thống cố gắng duy trì quan hệ gần gũi với Nga (Kravchuk, Kuchma và Yanukovich) và 3 tổng thống duy trì quan hệ căng thẳng với Nga (Yushchenko, Poroshenko và Zelensky), đều cố gắng thi hành chính sách đối ngoại hiệu quả để phát triển đất nước và khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế. Bài viết sẽ trình bày và đánh giá những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ukraine trong 30 năm qua.

Từ khóa: chính sách đối ngoại, Ukraine, Nga, Mỹ, EU, châu Á-TBD

 

 

2. VŨ TUẤN HƯNG & NGUYỄN DANH NAM & UÔNG THỊ NGỌC LAN

     19

 

Quy hoạch không gian biển - Kinh nghiệm châu Âu và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Tóm tắt: Quy hoạch không gian biển được coi là công cụ then chốt cho sự thành công của các chính sách quản lý biển tổng hợp. Do đó, quy hoạch không gian biển là một cách tiếp cận tổng hợp để khắc phục các cách sử dụng xung đột và cạnh tranh của các nguồn tài nguyên và không gian đại dương hướng đến sự phát triển bền vững của các vùng biển. Hà Lan, Na Uy và Anh là các quốc gia châu Âu xây dựng và thực hiện thành công quy hoạch không gian biển với sự hỗ trợ từ Chính phủ. Vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước châu Âu như kể trên là cần thiết. Bài viết góp phần chỉ ra các kinh nghiệm và hàm ý chính sách cho Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch không gian biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế hiện nay.

Từ khóa: biển, quy hoạch không gian biển, kinh nghiệm châu Âu

 

 

KINH TẾ - PHÁP LUẬT CHÂU ÂU

 

3. BÙI VIỆT HƯNG & NGUYỄN CHIẾN THẮNG

       37

Hiệp định Thương mại Tự do EU - Hàn Quốc (EUKFTA) sau 10 năm thực hiện: Một số gợi ý đối với Việt Nam

Tóm tắt: Với những số liệu thứ cấp thu thập được, bài báo tập trung đánh giá những kết quả mà Hàn Quốc đạt được trong Hiệp định Thương mại Tự do EU - Hàn Quốc trên ba lĩnh vực là thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đánh giá những điểm chính mà Hàn Quốc thực thi gắn với Hiệp định; từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam. Việc nghiên cứu, đánh giá những thành công mà Hàn Quốc đạt được trong quá trình thực thi Hiệp định sẽ là bài học kinh nghiệm hết sức quan trọng cho Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: EUKFTA, EVFTA, thương mại quốc tế

 

4. NGUYỄN VIỆT LONG & ĐOÀN THỊ ÁNH NGỌC

     53

Gắn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với đột phá kinh tế xã hội: Trường hợp đề án Thành phố thông minh Bình Dương 2016-2021

Tóm tắt: Từ năm 2016, Bình Dương hợp tác với thành phố Eindhoven (Hà Lan) triển khai Đề án Thành phố Thông minh, đến nay đã đạt được những kết quả to lớn, đóng góp mạnh mẽ vào sự bứt phá vượt bậc của tỉnh thời gian qua, hướng tới nền dịch vụ - sản xuất công nghệ cao, kinh tế số kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, đề án chú trọng phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp như một động lực tăng trưởng, gắn kết, đồng bộ hóa công tác này với các chương trình đột phá kinh tế xã hội về thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị, giáo dục đào tạo... Bài viết sẽ phân tích về đề án Thành phố Thông minh Bình Dương và việc góp phần xây dựng thành công bước đầu Hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cũng là kinh nghiệm mà một số địa phương khác có thể tham khảo thêm.

Từ khóa: thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp, hợp tác Bình Dương-Hà  Lan

 

5. NGUYỄN VINH HƯNG

       64

Pháp luật về công ty cổ phần tại Cộng hòa Pháp

Tóm tắt: Pháp luật về công ty cổ phần tại Cộng hòa Pháp rất hoàn thiện và từ lâu luôn là cơ sở cho các quốc gia khác nghiên cứu và học hỏi theo. Còn tại Việt Nam hiện nay, các quy định pháp luật về công ty cổ phần hiện vẫn đang tồn tại khá nhiều hạn chế, bất cập. Bài viết giới thiệu loại hình công ty cổ phần của Pháp, rút ra một số gợi mở cho việc hoàn thiện quy định pháp luật về công ty này tại Việt Nam.

Từ khóa: công ty cổ phần Pháp, luật doanh nghiệp Pháp

 

LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI CHÂU ÂU

 

6. NGUYỄN ĐỨC CHIỆN & LÊ QUÝ DƯƠNG

       79

Vấn đề an toàn cuộc sống/an toàn xã hội nhìn từ xung đột cộng đồng và tệ nạn xã hội: Tổng quan một số nghiên cứu ở phương Tây

Tóm tắt: Trong sự phát triển của mỗi một quốc gia hay một khu vực, bên cạnh những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế thì vấn đề đảm an toàn xã hội cũng là một mục tiêu quan trọng hàng đầu. Hơn nữa, những năm gần đây, các tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hóa lên đời sống xã hội ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, không chỉ làm đẩy nhanh quy mô của nền kinh tế toàn cầu mà còn tạo ra rất nhiều biến động và xung đột xã hội với cường độ và tốc độ ngày một cao và ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ an toàn xã hội. Bài viết sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu để phân tích một vài khía cạnh trong mối tương quan giữa xung đột xã hội với tệ nạn/an ninh/an toàn xã hội mà các học giả phương Tây đã nghiên cứu và tìm ra. Ngoài ra, bài viết cũng đưa ra một số đánh giá cơ bản về phát hiện của các nghiên cứu này, đồng thời gợi ý một vài hướng nghiên cứu có thể tiến hành trong tương lai.

Từ khóa: an toàn xã hội, an ninh xã hội, tệ nạn xã hội, xung đột cộng đồng, phát triển, xã hội phương Tây

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - CHÂU ÂU

 

7. TRƯƠNG THỊ THUÝ BÌNH

       92

Những thách thức đối với Chính phủ Việt Nam khi thực hiện các cam kết về mua sắm chính phủ trong EVFTA - một FTA thế hệ mới

Tóm tắt: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá là một FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, mức độ cam kết sâu và cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Trong đó, lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm chính phủ cho các nước trong khối liên kết, đánh dấu bước ngoặt trong lĩnh vực mua sắm chính phủ ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ Việt Nam khi thực hiện các cam kết trong lĩnh vực mới mẻ này. Bài viết nghiên cứu làm rõ thuật ngữ FTA thế hệ mới, các cam kết về mua sắm chính phủ của Việt Nam trong EVFTA, đặc biệt phân tích những thách thức đặt ra đối với Chính phủ Việt Nam khi thực hiện các cam kết về mua sắm chính phủ trong EVFTA.

Từ khóa: FTA thế hệ mới, mua sắm chính phủ, thách thức của Chính phủ

 

Phóng sự Videos

Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (12/12/2021) Tư liệu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội 60 năm (11/12/2021)

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Copyright 2021- Viện Nghiên Cứu Châu Âu
Địa chỉ: Tầng 8, 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.24) 38572735 Fax: (84.24) 35374905
Email: vienncca@gmail.com